15/09/1916: Xe tăng được sử dụng lần đầu trong lịch sử

Mark_IV

Nguồn: “Tanks introduced into warfare at the Somme“, History.com, truy cập ngày 14/09/2015.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1916 trong trận Somme (Pháp), quân Anh khởi động một cuộc tấn công lớn chống lại Đức, trong đó xe tăng được sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử. Tại Flers Courcelette, khoảng 40 chiếc xe tăng sơ khai đã tiến khoảng hơn một dặm vào phòng tuyến kẻ thù nhưng do di chuyển quá chậm nên không thể để giữ vững được vị trí của mình sau các cuộc phản công của quân Đức và gặp phải các sự cố về cơ khí. Tuy nhiên, Tướng Douglas Haig, chỉ huy lực lượng Đồng Minh tại Somme, nhìn thấy sự hứa hẹn của công cụ chiến tranh mới này và yêu cầu Bộ Quốc phòng cho sản xuất thêm hàng trăm cỗ xe tăng mới.

Ngày 1 tháng Bảy, người Anh đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng Đức tại khu vực sông Somme của Pháp. Trong tuần trước đó, quân Đồng Minh đã bắn 250.000 quả pháo vào các vị trí của quân Đức gần Somme, và 100.000 quân Anh đã tràn ra khỏi các chiến hào của mình vào vùng đất mà quân Đức đã rút lui, với suy nghĩ rằng đường tiến đã được mở. Tuy nhiên, hàng chục cỗ súng máy hạng nặng của Đức vẫn còn sống sót sau các cuộc pháo kích và lính bộ binh Anh đã bị thảm sát. Đến cuối ngày, 20.000 lính Anh hi sinh và 40.000 người bị thương. Đó là ngày có số thương vong lớn nhất trong lịch sử quân đội Anh.

Sau thảm họa ban đầu đó, Haig tiến hành các cuộc tiến quân nhỏ hơn nhưng vẫn không hiệu quả, và quân Đồng Minh phải hi sinh hơn 1.000 quân cho mỗi 100 thước đất chiếm được của quân Đức. Thậm chí việc Anh bắt đầu sử dụng xe tăng tham chiến lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 15 tháng 9 cũng không thể phá vỡ thế bế tắc trong trận Somme. Vào tháng Mười, mưa lớn biến chiến trường thành một biển bùn, và vào ngày 18 tháng 11, Haig hủy cuộc tấn công tại Somme sau hơn 4 tháng thương vong nặng nề.

Ngoại trừ việc góp phần phân tán quân Đức ra khỏi trận Verdun, cuộc tấn công tại Somme là một thất bại thảm hại. Quân Đồng Minh chỉ tiến được 5 dặm nhưng hơn 600.000 binh sĩ Anh và Pháp đã bị giết, bị thương hoặc mất tích. Thương vong của phía Đức là hơn 650.000 người. Mặc dù Haig đã bị chỉ trích nặng nề vì tổn thất lớn trong trận đánh này, việc ông sẵn sàng đổ một số lượng lớn binh lính và nguồn lực trong thế trận giằng co tại mặt trận Tây Âu cuối cùng đã góp phần vào sự sụp đổ của một nước Đức vốn trở nên kiệt sức vào năm 1918.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]