28/01/1915: Đức đánh chìm tàu buôn Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

28012016

Nguồn:Germans sink American merchant ship“, History.com (truy cập ngày 27/01/2016).

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1915, trong cuộc tấn công đầu tiên của Đức chống lại các lợi ích hàng hải của Mỹ trên biển, thuyền trưởng của một tuần dương hạm Đức đã ra lệnh phá hủy tàu buôn Mỹ có tên William P. Frye.

William P. Frye, một tàu thép bốn cột buồm được đóng ở Bath, Maine, năm 1901 và được đặt tên theo tên Thượng nghị sĩ William Pierce Frye (1830-1911) nổi tiếng của Maine. Con tàu chờ lúa mì và đang trên đường tới Anh. Vào ngày 27/01, nó bị chặn bởi một tuần dương hạm của Đức ở phía Nam Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Brazil và được lệnh phải vứt bỏ hàng hóa vì Đức cho rằng đó là hàng buôn lậu. Khi thủy thủ đoàn của con tàu Mỹ không thực hiện đầy đủ mệnh lệnh vào ngày hôm sau, thuyền trưởng người Đức đã ra lệnh phá hủy con tàu.

Là tàu buôn đầu tiên của Mỹ bị đánh chìm do sự hiếu chiến của Đức trong Thế chiến I, sự cố tàu William P. Frye đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người ở Hoa Kỳ. Lời xin lỗi và thừa nhận rằng cuộc tấn công là một sai lầm của chính phủ Đức đã không thể xoa dịu sự tức giận của người Mỹ. Sự tức giận này càng tăng lên bội phần khi các lực lượng của Đức phóng ngư lôi và đánh chìm tàu viễn dương Lusitania thuộc sở hữu của Anh vào ngày 7 tháng 5 năm 1915, làm chết hơn 1.000 người, trong đó có 128 người Mỹ. Mỹ, dưới quyền Tổng thống Woodrow Wilson, đã yêu cầu bồi thường và đòi Đức chấm dứt các cuộc tấn công vào tất cả các tàu chở khách và tàu buôn không có vũ khí. Mặc dù có sự bảo đảm ban đầu của Đức theo hướng đó, các cuộc tấn công vẫn tiếp tục.

Vào đầu tháng Hai năm 1917, khi Đức tuyên bố tiếp tục chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Đến cuối tháng Ba, Đức đã đánh chìm thêm nhiều tàu khách chở công dân Mỹ, và vào ngày 2 tháng 4, Wilson đã ra trước Quốc hội để yêu cầu tuyên chiến với Đức, và lệnh tuyên chiến đã được đưa ra bốn ngày sau đó. Các tàu chiến đầu tiên của Mỹ đã đến châu Âu trong vòng một tuần sau đó, đánh dấu việc Mỹ chấm dứt chính sách trung lập, một bước ngoặt quyết định của Thế chiến I.

Xem thêm:

#202 – Quái vật đảo Jekyll (Ch. 12): Tại sao Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]