Đâu là nền dân chủ cổ đại nhất thế giới?

Print Friendly, PDF & Email

2015-09-27-022

Nguồn: “What is the world’s oldest democracy?”, History.com (try cập ngày 28/09/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Thuật ngữ dân chủ, nghĩa là “cai trị bởi nhân dân”, được tạo nên bởi những người Hy Lạp thành Athens cổ đại để mô tả hệ thống tự trị thành bang của họ, hệ thống vốn đã đạt đến đỉnh cao vào khoảng năm 430 TCN dưới sự dẫn dắt của nhà hùng biện và chính trị gia lỗi lạc Pericles. Song có lẽ người Athens không phải là những người đầu tiên đi theo mô hình này (một số nơi ở Ấn Độ có truyền thống dân chủ địa phương được cho là xuất hiện từ sớm hơn thế) nhưng vì người Hy Lạp đặt ra tên gọi này, họ có thể dễ dàng tuyên bố rằng mình là nền dân chủ “đầu tiên”, mặc dù một phần lớn người dân ở Athens – đặc biệt là phụ nữ và nô lệ – không có quyền gì trong hệ thống đó.

Danh hiệu nền dân chủ hoạt động liên tục lâu đời nhất là đối tượng bị tranh giành quyết liệt hơn. Iceland, Quần đảo Faroe, và Đảo Man đều có những nghị viện địa phương được thành lập từ thế kỷ 9 và 10, khi người Viking đến cướp phá, vơ vét, và dựng nên nhiều cơ quan lập pháp trên những hòn đảo ngoài khơi Bắc Âu. Quốc hội Iceland, có tên là Althing[1], xuất hiện từ năm 930 SCN, nhưng trong nhiều thế kỷ đã phải chịu sự cai trị của Na Uy và Đan Mạch. Trong khi đó, Đảo Man và Quần đảo Faroe vẫn lần lượt là lãnh thổ phụ thuộc của Vương Quốc Anh và Đan Mạch.

Hoa Kỳ là một trong số những nền dân chủ hiện đại lâu đời nhất, nhưng chỉ khi thắt chặt tiêu chí xét chọn lại để loại những bên khác muốn giành danh hiệu này như Thụy Sĩ hay San Marino. Một số nhà sử học cho rằng liên minh Sáu Bộ tộc người Châu Mỹ Bản địa (liên minh Iroquois), vốn có truyền thống cai trị dựa trên nguyên tắc đồng thuận trong suốt tám trăm năm, là nền dân chủ có sự tham gia của người dân cổ xưa nhất còn tồn tại đến giờ. Những nhà sử học khác chỉ ra rằng một nền dân chủ thực sự ở cấp độ quốc gia chỉ xuất hiện vào năm 1906, khi Phần Lan trở thành nước đầu tiên bãi bỏ mọi yêu cầu về chủng tộc và giới tính cho việc đi bầu cử và phục vụ trong chính quyền.

————-

[1] Nguyên văn: Alþingi.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]