Bức điện Zimmermann là gì?

Print Friendly, PDF & Email

2015-10-03

Nguồn: “What was the Zimmermann Telegram?”, History.com (truy cập ngày 3/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Phần lớn các nhà sử học đều cho rằng tính đến đầu năm 1917 việc Mỹ tham gia vào Thế Chiến I là không thể tránh khỏi, nhưng việc đi đến quyết định tham chiến rõ ràng đã bị đẩy nhanh bởi một bức thư nổi tiếng của ngoại trưởng Đức Arthur Zimmermann. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1917, các chuyên gia giải mật mã của Anh đã chặn được một bức điện mật của Zimmermann gửi cho Heinrich von Eckardt, đại sứ Đức ở Mexico. Bức thư truyền cho đại sứ Eckardt một số chỉ thị mà ngày nay đã trở nên nổi tiếng: nếu nước Mỹ trung lập tham gia vào cuộc chiến cùng với phe Đồng Minh, von Eckardt sẽ phải tìm đến tổng thống Mexico và bí mật đề nghị thành lập một liên minh chiến tranh. Đức sẽ hỗ trợ về quân sự và tài chính để Mexico tấn công Mỹ, và đổi lại Mexico sẽ được tái sáp nhập “những vùng lãnh thổ đã mất ở Texas, New Mexico và Arizona”. Ngoài ra, von Eckardt còn được dặn phải dùng Mexico làm trung gian để lôi kéo Đế quốc Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến của Đức.

Đơn vị mật mã của Anh có tên gọi “Phòng 40” đã giải mã được Bức điện Zimmermann và trao nó cho Mỹ vào cuối tháng 2 năm 1917. Đến ngày 1 tháng 3, nội dung tai tiếng của bức điện này đã được đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo trên nước Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa Đức và Mỹ đã bị cắt đứt từ đầu tháng 2, khi Đức tiếp tục tiến hành chiến tranh tàu ngầm không hạn chế và bắt đầu săn các tàu của Mỹ trên Đại Tây Dương.

Dù nhiều người Mỹ vẫn trung thành với chủ nghĩa biệt lập – khi đó tổng thống Woodrow Wilson chỉ mới thắng cử với khẩu hiệu “Ông đã giữ chúng ta ở bên ngoài cuộc chiến” – bức điện Zimmermann khi đó đã trở thành bằng chứng mới cho sự hiếu chiến của Đức. Cùng với những vụ tấn công bằng tàu ngầm của Đức, bức mật thư này cuối cùng đã khiến chính phủ Mỹ cân nhắc việc tham chiến. Ngày 2 tháng 4 năm 1917, tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã từ bỏ chính sách trung lập và yêu cầu Quốc Hội tuyên chiến với Đức và khối Liên minh Trung Tâm. Mỹ đã gia nhập cuộc chiến cùng với phe Đồng Minh sau đó bốn ngày.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]