09/10/1967: Che Guevara bị hành quyết

Print Friendly, PDF & Email

Che

Nguồn:Che Guevara is executed,” History.com (truy cập ngày 8/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1967, nhà lãnh đạo du kích và cách mạng xã hội chủ nghĩa Che Guevara bị quân đội Bolivia hành quyết ở tuổi 39. Các lực lượng người Bolivia được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã bắt được Guevara hôm mùng 8 tháng 10 trong khi đang chiến đấu với lực lượng du kích của ông ở Bolivia và sát hại ông ngay ngày hôm sau. Hai bàn tay của Guevara đã bị cắt rời để làm bằng chứng cho cái chết của ông còn thi thể ông được chôn trong một nấm mồ vô danh. Năm 1997, phần hài cốt còn lại của Guevara được tìm thấy và đưa trở về Cuba, nơi họ cải táng ông trong một buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và hàng ngàn người dân Cuba.

Ernesto Guevara Rafael de la Serna sinh ra trong một gia đình khá giả ở Argentina năm 1928. Trong khi theo học y khoa tại Đại học Buenos Aires, ông đã dành thời gian đi du lịch trên khắp Nam Mỹ bằng một chiếc xe máy; trong thời gian này, ông đã chứng kiến sự nghèo đói và tình cảnh bị áp bức của các tầng lớp thấp trong xã hội. Sau khi nhận bằng y khoa năm 1953, ông tiếp tục hành trình của mình trên khắp châu Mỹ Latinh, bắt đầu tham gia vào các tổ chức cánh tả.

Giữa những năm 1950, Guevara gặp Fidel Castro và nhóm cách mạng lưu vọng của ông ở Mexico. Guevara đã có vai trò quan trọng trong việc giúp Castro thâu tóm quyền lực từ tay nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista năm 1959 và sau đó phục vụ như cánh tay phải và làm Bộ trưởng Công nghiệp của Castro. Guevara phản đối mạnh mẽ sự thống trị của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh và ủng hộ cuộc cách mạng nông dân chống lại bất công xã hội ở các nước thuộc Thế giới thứ ba. Sau này Castro mô tả Guevara là “người nghệ sĩ của chiến tranh cách mạng.”

Tháng 4 năm 1965, Guevara từ chức – một số người cho rằng ông bị sa thải – khỏi vị trí của ông trong chính phủ Cuba, có thể do một số bất đồng với Castro về các chính sách kinh tế và đối ngoại của đất nước. Sau đó Guevara rời khỏi Cuba, tới châu Phi và cuối cùng xuất hiện một lần nữa ở quốc gia Nam Mỹ Bolivia, nơi ông bị hành quyết. Sau khi chết, Guevara được nhiều người dân trên khắp thế giới tôn làm anh hùng như một biểu tượng cách mạng và chống chủ nghĩa đế quốc.

Guevara

Bức ảnh do Alberto Korda chụp Guevara đội chiếc mũ nồi năm 1960 đã trở thành biểu tượng và kể từ đó đã xuất hiện trên vô số tờ áp phích và áo phông. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi Guevara là một anh hùng: Ông bị cáo buộc đã gây ra cái chết của hàng trăm người trong các nhà tù Cuba trong cuộc cách mạng, bên cạnh nhiều tội trạng khác.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]