János Kornai: Người phê phán nền kinh tế kế hoạch

051407_Kornai_022.jpg

Tác giả: Nguyễn Hoàng Hà

Sinh ngày 21/01/1928 tại thủ đô Budapest của đất nước Hungary, Janos Kornai nổi tiếng là một nhà kinh tế học có những phân tích, đánh giá, và nhận định sâu sắc mang tính phê phán, chỉ trích đối với mô hình kinh tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu cũ ở Liên Xô, các nước Đông Âu, và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Quyết tâm trở thành một nhà kinh tế học của Kornai được bắt đầu sau khi ông đọc xong cuốn Tư bản của Karl Marx và do vậy ông đã đã theo học tại Đại học Kinh tế lớn nhất của Hungary bấy giờ – Đại học Karl Marx ở thủ đô Budapest. Tại đây, Kornai đã trở thành một sinh viên tích cực trong nhiều hoạt động đoàn thể và có kết quả học tập tốt. Ông từng là uỷ viên của Hiệp hội Thanh niên Dân chủ Hungary (1945-1947) và được được nhận bằng Phó Tiến sỹ của Học viện Khoa học Hungary. Sau khi ra trường, Janos bắt đầu làm việc cho tờ báo Cộng sản của Hungary, Szabad Nép, nhưng đến tháng 4 năm 1955 ông bị sa thải do thiếu sự tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản.

Mặc dù có những bất đồng với chính quyền Hungary lúc bấy giờ về lập trường chính trị, Kornai vẫn được tạo điều kiện để tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp của mình khi được làm việc tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học của Hungary. Ngoài ra, ông cũng được trao những vị trí có tính chất lãnh đạo và có được một số ưu tiên nhất định. Ví dụ, Kornai đã từng làm Trưởng phòng tại Viện Công nghiệp Dệt may (1958-63) và Trưởng phòng Trung tâm tin học của Viện Kinh tế (1963-67). Một đặc ân đối với ông là vào năm 1965 ông được công nhận có đủ tư cách đào tạo về khoa học kinh tế. Chính sự kiện có tính bước ngoặt này đã tạo điều kiện cho János Kornai phát huy hết sở trường của mình và tên tuổi của ông được biết đến vượt ra ngoài biên giới của Hungary.

Kornai đã từng giữ chức Phó Chủ tịch của Uỷ ban Kế hoạch phát triển của Liên Hiệp Quốc (1972-1977), Chủ tịch Hội Kinh trắc học (1978) và Hội Kinh tế học châu Âu (1987) và là thành viên của Viện Khoa học Hàn lâm Hoàng gia Thuỵ Điển. Ông cũng được mời giảng dạy và là giáo sư danh dự của nhiều Đại học nổi tiếng trên thế giới như Havard của Hoa Kỳ. Với những đóng góp trong nghiên cứu khoa học của mình, Kornai đã nhận được giải thưởng khoa học cao nhất của Hungary, giải thưởng Seidman của Hoa Kỳ và Humboldt của Đức. Ngoài ra, ông cũng nhận được giải thưởng Bắc đẩu Bội tinh quốc gia của Pháp.

Sự nghiệp khoa học

Đối tượng được János Kornai lựa chọn để nghiên cứu lúc ban đầu chính là nền kinh tế chỉ huy của Hungary và sau đó là những nghiên cứu về hầu hết các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Ông đã đưa ra các phân tích mổ xẻ và nhận định sắc sảo, xác đáng về sự bất hợp lý trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là vốn và các công cụ chính sách của các nước Đông Âu. Kornai đã dựa trên những phương pháp định lượng sáng tạo và hợp lý như phương pháp vận trù học và quy hoạch tuyến tính để chỉ ra sự khác biệt, thấp thua, những khuyết điểm và sự thiếu hợp lý của mô hình kế hoạch hoá tập trung. Ông cho rằng dù hệ thống kế hoạch hoá tập trung có được thay đổi theo thời gian như thế nào đi chăng nữa (hai cấp hay nhiều cấp) đều bộc lộ rõ những yếu kém không thể khắc phục được. Các phân tích của Kornai đã làm rất nhiều nhà lãnh đạo và những nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý, bởi vì ông không quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị như giai cấp hay vai trò người lãnh đạo mà lại đi sâu phân tích trực tiếp sự vận động, các mối quan hệ đa tầng trong nền kinh tế. Do đó, những phê phán chỉ trích nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung của Kornai vào thời điểm đó vẫn chưa bị coi là ‘đặc biệt nguy hiểm’ với chế độ. Tất nhiên, khi chỉ ra được những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế, ông cũng đưa ra những nhận định và các giải pháp của mình để cải biến hệ thống đó được tốt hơn, đặc biệt là hệ thống kinh tế của Hungary, đất nước quê hương ông.

Kinh tế thiếu hụt

Để trở thành một nhà kinh tế có tầm cỡ trên thế giới, nhà kinh tế đó phải có những lý thuyết của riêng mình và những lý thuyết đó phải được ghi nhận. János Kornai là một nhà kinh tế như vậy. Khi nghiên cứu mô hình kế hoạch hoá tập trung tại Hungary và các nước Đông Âu, ông đã tập trung phê phán mô hình này và nỗ lực thiết kế xây dựng một mô hình mới với những giả định và lý thuyết mới cho hệ thống kinh tế. Ngay từ công trình nghiên cứu đầu tiên của mình “Tập trung hoá quá mức trong quản lý kinh tế”, Kornai đã đề cập đến vấn đề hiany (thiếu hụt) và khi đến cuốn “Chống cân bằng” (1971) và “Kinh tế học thiếu hụt” (1980), thì Kornai đã xây dựng hoàn chỉnh khái niệm thiếu hụt của nền kinh tế (hay còn được gọi là nền kinh tế thiếu hụt). Đây là một bước đột phá rất lớn và cũng được coi là phát hiện quan trọng nhất trong các nghiên cứu của Kornai. Cùng với những nghiên cứu về sự ràng buộc của ngân sách, Kornai đã chỉ ra được sự thiếu hụt hay các cơn khát của nền kinh tế như cơn khát đầu tư hay cơn khát năng lượng,… của các xí nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Sự cố gắng ‘chống trả’, ‘vùng vẫy’ của các xí nghiệp hay cả nền kinh tế làm cho căn bệnh thiếu hụt lại càng thêm trầm kha và không thể cưỡng lại được. Đó là sai lầm của hệ thống hay sai lầm cố hữu mang tính hệ thống. Sự thiếu hụt của nền kinh tế đã gây ra những tác hại to lớn cho sự tái sản xuất, gây ra lạm phát cao, đồng thời tạo ra những mối quan hệ bất bình thường trong phương thức sản xuất và tiêu dùng giữa Nhà nước – các xí nghiệp – người dân. Ngoài ra, Kornai cũng đã phê phán kinh tế học tân cổ điển, đặc biệt là lý thuyết cân bằng tổng quát trong cuốn sách “Chống Cân bằng” được xuất bản năm 1971.

5 cấp độ thiếu hụt đối với người mua

Theo Kornai, tồn tại 05 cấp độ thể hiện sự thiếu hụt ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các cấp độ lần lượt được đưa ra với ví dụ “Người mua đến cửa hàng mua sản phẩm mình cần”.

Cấp độ 0: Sản phẩm đó sẵn có ở cửa hàng và giao dịch được thực hiện. Đây là trường hợp hiếm gặp trong nền kinh tế thiếu hụt

Cấp độ 01: Sản phẩm đó có ở cửa hàng nhưng không nhiều và có nhiều người mua cần tới nó, do vậy người mua phải xếp hàng.

Cấp độ 02: Sản phẩm đó không có ở cửa hàng vì thế người mua buộc phải chấp nhận sản phẩm có khả năng thay thế gần nhất với sản phẩm mình cần dự kiến. Ví dụ, anh ta mua đường trắng nhưng không có nên anh ta mua đường nâu thay thế.

Cấp độ 03: Sản phẩm đó không có ở mọi cửa hàng mà người mua tìm kiếm nhưng có khả năng xuất hiện trong tương lai nên người mua dự định trong tương lai sẽ quay lại để mua. Đây là trường hợp tiết kiệm bắt buộc vì tiền người mua được dành lại cho lần mua hàng sau.

Cấp độ 04: Sản phẩm đó không có trong hiện tại và trong tương lai nên người mua phải huỷ ý định mua ban đầu.

Cấp độ 05: Sản phẩm đó không tồn tại và người mua buộc phải lựa chọn một sản phẩm khác không liên quan gì đến sản phẩm định mua vì anh ta nghĩ sản phẩm này có thể có ích trong một việc gì đó.

Vào những năm cuối cùng của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, những bất cập và mâu thuẫn không thể giải quyết được ở các nước Đông Âu đã lộ rõ nét, đặc biệt là xung đột về quan hệ sở hữu cũng như hệ thống phân phối. Điều đó càng chứng tỏ những nhận định trước đây của Kornai là rất chính xác: hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã triệt thoái ‘động lực phát triển’ và luôn luôn ở tình trạng ‘nền kinh tế thiếu hụt’ không thể sửa chữa được trừ phi xoá bỏ chính hệ thống đó. Đó chính là nhận định ngầm của Kornai khi ông viết cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa được xuất bản năm 1988. Cũng trong cuốn sách này và trong cuốn sách Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (1990), ông đã tỏ ra hoài nghi về việc kiến tạo, xây dựng sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường: chủ nghĩa xã hội có tính thị trường (market socialism).

Các nghiên cứu về sau của Kornai, bao gồm Cao tốc và Đường nhánh (1995), Đấu tranh và Hy vọng (1997) và Phúc lợi trong Quá độ (2001), đề cập nghiên cứu các vấn đề của kinh tế vĩ mô cũng như mối quan hệ qua lại giữa chính trị và chính sách kinh tế của nền kinh tế quá độ ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Đó là những vấn đề nóng bỏng mà các nền kinh tế quá độ hiện nay đang gặp phải như tư nhân hoá, ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách phúc lợi nhà nước. Gần đây, Kornai với tư cách là Giáo sư Danh dự đang tham gia chỉ đạo một Dự án nghiên cứu toàn diện có tên là Sự chân thật và lòng tin vào Ánh sáng của sự Quá độ sau Chủ nghĩa xã hội tại Đại học Budapest (Hungary).

Kết luận

János Kornai là một nhà khoa học chân chính thực thụ, bởi vì ông là một nhà kinh tế học, hiếm hoi của Đông Âu đã dũng cảm nghiên cứu và đưa những nhận định phê phán đối với hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung ngay trong thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn đang tồn tại. Ngoài ra, có thể thấy rằng, hiếm có một nhà kinh tế học đương đại nào lại có số lượng sách xuất bản nhiều với khối lượng lớn và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Kornai János. Chính vì lý do này, ông xứng đáng được nhận nhiều giải thưởng cao quý và là một trong những nhà kinh tế học tài chính vĩ đại của thế giới.

Những tác phẩm chính của János Kornai:

    • 1957 [1990, 1994]. Overcentralization in Economic Administration, (Tập trung hoá quá mức trong Quản lý kinh tế), Nhà xuất bản Oxford, Oxford, Vương quốc Anh.
    • Cùng với Tamás Lipták và Péter Wellish, 1967. Mathematical Planning of Structural Decisions, (Kế hoạch hoá toán học các quyết định cấu trúc), North-Holland, Amsterdam, Hà Lan.
    • 1971. Anti-Equilibrium, (Chống cân bằng), North-Holland, Amsterdam, Hà Lan.
    • 1972. Rush versus Harmonic Growth, (Tăng trưởng Vội vàng đối chọi Tăng trưởng Hài hoà), North-Holland, Amsterdam, Hà Lan.
    • 1980. Economics of Shortage, (Kinh tế học thiếu hụt), North-Holland, Amsterdam, Hà Lan.
    • 1985. Contradictions and Dilemmas, (Mâu thuẫn và Các nan giải), Corvina, Budapest, Hungary.
    • 1990. The Road to a Free Economy. Shifting from a Socialist System: The Example of Hungary, (Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do. Sự dịch chuyển của một hệ thống xã hội chủ nghĩa: Trường hợp của Hungary), W. W. Norton, New York, Hoa Kỳ.
    • 1990. Vision and Reality, Market and State: New Studies on the Socialist Economy and Society, (Tầm nhìn và Thực tế, Nhà nước và Thị trường: Những nghiên cứu mới về nền Kinh tế – Xã hội Xã hội chủ nghĩa), Corvina, Budapest.
    • 1992. The Socialist System. The Political Economy of Communism, (Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế chính trị của Chủ nghĩa cộng sản), Princeton University Press, Princeton, Hoa Kỳ.
    • 1995. Highway and Byways. Studies on Socialist Reform and Postsocialist Transition, (Cao tốc và Đường nhánh. Những nghiên cứu về cải cách xã hội chủ nghĩa và Quá độ sau xã chủ nghĩa), MIT Press, Cambridge, Vương quốc Anh.
    • 1997. Struggle and Hope. Essays on Stabilization and Reform in a Post-Socialist Economy, (Đấu tranh và Hy vọng. Những bài luận về ổn định hoá và cải cách ở một nền kinh tế sau chủ nghĩa xã hội), Edward Elgar Publishing, Chaltenham, Vương quốc Anh.
    • Chủ biên, 2001. Reforming the State : Fiscal and Welfare Reform in Post-Socialist Countries, (Tái cải cách nhà nước: cải cách phúc lợi và tài khoá ở các nước sau xã hội chủ nghĩa), Cambridge University Press, Cambridge, Vương quốc Anh.
    • Đồng tác giả với Karen Eggleston, 2001. Welfare, Choice and Solidarity in Transition: Reforming the Health Sector in Eastern Europe, (Phúc lợi, Lựa chọn và Thống nhất trong Quá độ: Cải cách khu vực Y tế ở Đông Âu), Cambridge University Press, Cambridge, Vương quốc Anh.
    • 2007. By Force of Thought. Irregular Memoirs of an Intellectual Journey, (Các tư tưởng thuyết phục. Những ký ức đáng nhớ của một hành trình nhận thức), The MIT Press, Cambridge, Vương quốc Anh.