Các lệnh trừng phạt kinh tế có thể có lợi cho Nga?

APTOPIX US Russia Obama Mexico G20 Summit

Nguồn: Richard A. Werner & Vladimir I. Yakunin, “Are Sanctions Saving Russia?”, Project Syndicate, 13/10/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga vào tháng 3 năm 2014 quả thực vô cùng khắc nghiệt, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu làm suy yếu tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế chúng còn gây ra tác động ngược lại, khiến Nga và người đứng đầu đất nước này trở nên mạnh hơn trước.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu ước tính đã bị thiệt hại 100 tỉ đô la Mỹ trong giao thương với Nga, gây tác động nặng nề tới một số ngành nghề, tiêu biểu là những người nông dân nuôi bò sữa ở Bavaria và các công ty xuất khẩu công nghiệp ở miền đông nước Đức. GDP của Nga vốn tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2014, đã sụt giảm khoảng 4,6% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đồng rúp đã mất một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ trong nửa cuối năm ngoái, gây ra lạm phát, và lạm phát  vào tháng 7 lại tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng lạm phát giờ đây dường như đã lên đến mức đỉnh điểm, và việc đồng đô la Mỹ lên giá đã làm dịu bớt phần nào tác động của việc giá dầu và gas sụt giảm, nhờ đó giá trị dự trữ ngoại tệ của Nga thực chất đã tăng lên, đạt mức 362 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6 (13% trong đó là vàng). Và dẫu cho Nga đang thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng thì Tổng thống Putin vẫn ngày càng được mến mộ hơn bao giờ hết.

Lý lẽ đằng sau việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế là hết sức rõ ràng:  nếu như thương mại tự do và thị trường tự do mang đến sự tăng trưởng (và nhờ đó tăng cường sự hậu thuẫn chính trị cho chính phủ), thì những hạn chế về chúng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng (và vì vậy cũng làm xói mòn sự ủng hộ dành chính phủ). Sự nhấn mạnh vào thương mại tự do và thị trường tự do là trọng tâm cơ bản của tư tưởng kinh tế cổ điển Anh thời thế kỉ 19. Đây vẫn còn là thông điệp cốt lõi của trường phái tân cổ điển đang thống trị hiện nay – thể hiện trong cái gọi là “Đồng thuận Washington”, được áp dụng khắp thế giới theo lời khuyên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế – tổ chức khẳng định rằng chìa khoá cho sự phát triển kinh tế là mở cửa hội nhập, bãi bỏ luật lệ, tự do hóa và tư nhân hoá.

Thế nhưng lý thuyết này sai lầm một cách căn bản. Không một cường quốc kinh tế nào đi lên mà chỉ đơn thuần dựa vào các chính sách tự do kinh tế. Ví dụ như sự trỗi dậy kinh tế của vương quốc Anh trước đây chủ yếu phụ thuộc vào bảo hộ mang tính chiến lược, chính sách công nghiệp, thuế quan và các rào cản thương mại phi thuế quan.

Sức mạnh vượt trội về công nghiệp của Anh khởi nguồn từ ngành công nghiệp dệt may. Các lãnh đạo của quốc gia này nhận ra rằng nếu chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà chủ yếu là len thôi thì sẽ không đủ để đưa nền kinh tế tiến lên. Vì lẽ đó, Anh cần đạt bước tiến trên bậc thang giá trị gia tăng bằng việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu hàng hóa thành phẩm.

Từ đó, các nhà lãnh đạo Anh đã đưa ra sáng kiến về một chính sách công nghiệp, bao gồm việc đưa những người thợ dệt sợi từ Flanders (Bỉ) sang để hỗ trợ chuyên môn cho các doanh nghiệp Anh. Hơn nữa, họ còn dựng lên một loạt các rào cản thương mại: bằng việc cấm xuất khẩu len thô và cấm nhập khẩu các thành phẩm từ len, các sản phẩm dệt may của Ấn Độ, vốn thường tốt hơn và rẻ hơn, không thể cạnh tranh với mặt hàng trong nước. Luật hàng hải được thông qua để hạn chế tàu nước ngoài cập cảng ở Anh và thậm chí ban hành một đạo luật nhằm kích cầu đó là quy định tử thi phải được chôn cất trong trang phục bằng len. Cuối cùng, việc cơ giới hóa ngành công nghiệp dệt may mở ra một cuộc Cách mạng Công nghiệp, đồng thời sản xuất và xuất khẩu hàng loạt đã củng cố sự phát triển của đội tàu biển lớn nhất thế giới của Anh.

Vào giữa thế kỷ 19, nhà kinh tế học người Đức Friedrich List đã nhấn mạnh vai trò của các chính sách đó trong sự phát triển của Vương quốc Anh. Đồng tình với nhận định của ông, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản đã vận dụng chính sách bảo hộ thương mại và chính sách công nghiệp khôn ngoan, đồng thời ra sức hỗ trợ các ngành non trẻ – một chiến lược cho phép họ phát triển nhanh chóng và thậm chí còn vượt cả Anh.

Những sự trừng phạt cũng đã tỏ ra hữu hiệu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế: Năm 1812, khi Anh tuyên bố chiến tranh và áp đặt một lệnh cấm vận thương mại lên Mỹ, việc thay thế nhập khẩu giúp ngành chế tạo của Mỹ đi lên mạnh mẽ. Khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ và thuế quan được cắt giảm, sản xuất của Mỹ trở nên điêu đứng cho đến năm 1828, khi mức thuế mới của Anh một lần nữa lại là đòn bẩy kích thích ngành chế tạo của Mỹ tăng trưởng. Tương tự, trong Thế chiến I, một lệnh cấm vận thương mại của Anh đã đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Đức nhờ nhu cầu đối với sản phẩm thay thế.

Tất nhiên,  cấm vận có thể tạo ra tác động tàn phá ghê gớm khi một quốc gia thiếu các nguồn lực cần thiết để thay thế nhập khẩu. Đó là lý do tại sao trừng phạt kinh tế đã gây tổn hại to lớn tới Iran, và trước đó là với Iraq.

Nhưng, đối với một quốc gia như Nga, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự tinh thông về công nghệ cùng lực lượng lao động có tay nghề, lệnh trừng phạt có thể có tác dụng trái chiều. Do cơ cấu khuyến khích phát triển yếu kém của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô đã từng lận đận trong việc tận dụng những yếu tố này. Trái lại, nước Nga ngày nay có hệ thống tư bản chủ nghĩa hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể cho những ai thích ứng tốt nhất với các hạn chế bên ngoài.

Tóm lại, Nga có tất cả những điều kiện cần để phát triển mạnh, bất chấp –  hay – nhờ vào các lệnh trừng phạt. Nhưng việc biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi Nga phải tiến hành cải cách kinh tế.

Học thuyết thương mại tân cổ điển được xây dựng dựa trên khái niệm về lợi thế so sánh: các quốc gia cần phát huy thế mạnh tương đối của mình, từ năng lực kỹ thuật đến các nguồn tài nguyên có sẵn. Nhưng, như những gì các nhà lãnh đạo Anh đã lĩnh hội cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh cho thấy, chỉ đơn thuần xuất khẩu nguyên liệu thô thì chưa đủ để thúc đẩy phát triển. Trong lịch sử, các chính sách phát triển hiệu quả nhất đều nhờ tới sự can thiệp của chính phủ nhằm thiết lập các ngành công nghiệp trong nước có giá trị gia tăng cao. Trong các thập niên trước, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, và Trung Quốc đều đi theo con đường này.

Đối với Nga, việc tạo nên bước tiến trên bậc thang giá trị gia tăng có lẽ không quá khó bởi quốc gia này hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết để sản xuất các mặt hàng mà trước đây phải nhập khẩu. Trên thực tế, việc sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu đã làm tăng năng suất trong các lĩnh vực cốt yếu như: cơ khí, hóa dầu, công nghiệp nhẹ, dược phẩm và nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu hàng năm của các mặt hàng có giá trị gia tăng cao đã tăng 6% trong quí đầu năm nay.

Hơn nữa, giới lãnh đạo Nga đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế khác trong nhóm BRICS (Brazil , Ấn Độ , Trung Quốc và Nam Phi), và Putin gần đây đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm kích cầu trong nước .

Các sắc lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có lẽ không chỉ thất bại trong việc thay đổi tình hình Ukraine; mà còn có thể là động lực cho sự chuyển dịch cơ cấu được chờ đợi từ lâu tại Nga. Nếu Nga lặp lại thành công chế độ điều phối tín dụng  mà các nền kinh tế Đông Á đã từng kinh qua, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, việc xuất hiện một phép màu kinh tế nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Richard A. Werner là giáo sư ngành Ngân hàng Quốc tế tại Đại học Southampton và là tác giả của cuốn New Paradigm in Macroeconomics.

Vladimir I. Yakunin là Chủ nhiệm bộ môn Chính sách nhà nước tại Đại học Quốc gia Lomonosov, Chủ tịch sáng lập của Diễn đàn Chính sách Thế giới, và là cựu chủ tịch của Công ty Đường sắt Nga.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Are Sanctions Saving Russia?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]