Nguồn: Thomas Graham, “Putin’s Dramatic Syria Move Raises Russian Profile – With Risks,” YaleGlobal, 06/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Putin muốn ổn định Syria, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, và làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng chiến lược này có thể phản tác dụng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tái định hình Trung Đông bằng cách táo bạo tạo ra các sự kiện trên thực địa. Sự tăng cường quân sự gần đây và những cuộc không kích ban đầu nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Syria đánh dấu sự trở lại của Nga trong vai trò một chủ thể chiến lược lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 khi các quốc gia Ả Rập đọ sức với Israel.
Điện Kremlin đang khó lòng che giấu được thái độ tự hài lòng với sự can thiệp quân sự nhanh chóng của mình ở Syria. Về mặt chiến thuật nó đã khiến Hoa Kỳ hoàn toàn bất ngờ – đến giờ ngay cả Washington cũng tuyên bố không biết Nga có ý đồ gì – và Putin chắc hẳn cũng sửng sốt khi Washington đang loay hoay tìm cách phản ứng, đưa ra những lời đe dọa và cảnh báo sáo rỗng mà không có hành động cụ thể nào để hỗ trợ các tuyên bố đó.
Putin đã giành được sự chú ý tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ai còn nhớ đến chuyện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng một loạt các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đã tụ họp để kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc?
Putin đã đặt Tổng thống Barack Obama vào thế bị động, buộc ông phải đồng ý dự một cuộc họp song phương về vấn đề Syria và Ukraine, qua đó biến nỗ lực kéo dài suốt 18 tháng của Hoa Kỳ nhằm cô lập Putin về mặt ngoại giao trở nên vô nghĩa. Trái với những dự đoán trước đó, Putin đã thoát khỏi những lời chỉ trích gay gắt trên diện rộng của truyền thông về những hành động của mình ở Ukraine. Quả thật, các nhà bình luận phương Tây viết như thể Putin đang nắm giữ chìa khóa cho sự ổn định ở Trung Đông và hòa bình ở Ukraine, ngay cả khi nhiều người vẫn tiếp tục phỉ báng ông. Tóm lại, nước Nga thật quan trọng – và điều đó có ý nghĩa lớn đối với Putin.
Việc Nga hiện đang tiến hành sáng kiến của mình ở Syria cũng quan trọng. Mục tiêu trước mắt là củng cố chế độ bị vây hãm của Assad, vốn được Putin coi như một thành trì chống lại các thế lực cực đoan – và ông chắc chắn đã đúng khi cho rằng bất cứ nhóm nào có thể lên thay thế cho Assad ở Syria ngày nay thì cũng đều là các phần tử cực đoan, không nhóm này thì nhóm khác. Để đạt được mục tiêu đó, Putin đã tạo nên một liên minh với Assad, Iran, Iraq, và Hezbollah ở Li-băng, và phát động các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào quân nổi dậy chống Assad, phe đối lập ôn hòa được Hoa Kỳ hậu thuẫn mà Putin coi là các phần tử khủng bố và là đối tác không thể chấp nhận trong bất cứ quá trình chuyển tiếp chính trị nào. Nga cũng đã tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (ISIS) bên trong Iraq và Syria, nhưng với cường độ thấp hơn.
Nga nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh tiến độ trong những ngày sắp tới do ISIS quả thật đã đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng: Hơn 2.000 công dân Nga đã gia nhập ISIS ở Syria; những người ủng hộ ISIS có mặt trên khắp nước Nga, kể cả bên trong và xung quanh Moskva. Các nhóm khủng bố ở vùng lãnh thổ Bắc Caucasus (Cáp-ca-dơ) của Nga đã cam kết trung thành với ISIS, và ngược lại ISIS đã tuyên bố khu vực này là một wilayat, hay một tỉnh của ISIS. Ngoài ra, ISIS cũng đã mở rộng phạm vi sang các nước Hồi giáo Trung Á vốn mong manh nằm dọc theo biên giới phía Nam của Nga.
Những hành động của Nga không chỉ đơn thuần liên quan đến Assad và ISIS. Quan trọng hơn, chúng còn liên quan đến việc tái định hình bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông. Sự tăng cường quân sự rõ ràng là để đảm bảo chỗ đứng của Nga trong vùng Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân mới ở Latakia. Điều này đảm bảo cho Nga có một ghế trên bàn đàm phán trong bất kỳ toan tính địa chính trị nào trong tương lai ở Trung Đông.
Đồng thời, bản thân sự hiện diện quân sự tích cực của Nga cũng kéo theo sự dịu giọng trong lập trường của Hoa Kỳ. Putin truyền tải một thông điệp mạnh mẽ tại Liên Hợp Quốc khi kêu gọi tạo ra “một liên minh chống khủng bố quốc tế đích thực trên diện rộng”. Cùng lúc, Putin phản đối các hành động của Hoa Kỳ trong những năm gần đây khi cho rằng chúng chỉ kích động sự nổi dậy của các phần tử cực đoan trong đó có ISIS. Hơn nữa, việc Putin mạnh mẽ ủng hộ Bashar al Assad, một đồng minh của ông, sẽ được chú ý bởi các nhà lãnh đạo Trung Đông vốn ngờ vực về cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của họ sau sự lật đổ do Hoa Kỳ hậu thuẫn đối với nhà lãnh đạo Ai Cập chuyên quyền và là đồng minh của Washington Hosni Mubarak, hay sự hiện diện ngày một yếu của Hoa Kỳ ở Iraq, và đến nay là chiến dịch chống ISIS không hiệu quả của nước này. Cuối cùng, các đối tác và đồng minh chính trong khu vực của Hoa Kỳ – Ai Cập, Israel, Ả-rập Saudi, và Thổ Nhĩ Kỳ – giờ sẽ phải điều chỉnh theo những thực tế mới mà Nga đang tạo ra. Một loạt hoạt động ngoại giao trong những tuần gần đây cho thấy Moskva đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với các nước này với những hệ lụy xấu cho Hoa Kỳ. Việc thể hiện uy quyền sẽ có ích trong một khu vực vốn tôn trọng quyền lực.
Nhưng động thái mạnh mẽ của Putin, dù làm thỏa mãn Kremlin đến đâu, cũng đem lại những rủi ro lớn.
Sự ủng hộ trong nước dành cho chính quyền không được đảm bảo bất chấp năng lực vượt trội của Kremlin trong việc định hình dư luận. Người Nga có thể muốn thấy đất nước họ hoạt động nổi trội trên sân khấu quốc tế, nhưng một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hai phần ba số người được hỏi phản đối việc gửi bộ binh đến hỗ trợ Assad. Kremlin tuyên bố điều đó chỉ là tạm thời, nhưng con số này cho thấy có những giới hạn đối với việc theo đuổi các mục tiêu của đất nước này, nhất là khi sự phản đối tỏ ra cứng rắn hơn so với dự đoán.
Thành công quân sự cũng không được bảo đảm. Đây là lần đầu tiên các lực lượng Nga được điều động tiến hành các hoạt động tác chiến kéo dài bên ngoài biên giới Liên Xô cũ kể từ sau cuộc phiêu lưu kết thúc trong đau đớn và nhục nhã ở Afghanistan những năm 1980. Hoạt động này cũng có những trở ngại của riêng nó như bất cứ hoạt động quân sự kéo dài nào khác, điều sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận nội bộ về tính hợp lý của nó. Những cuộc tranh luận đó sẽ đến vào thời điểm khi quân đội Nga đã quá mệt mỏi. Khi nền kinh tế đang ở trong những giai đoạn trì trệ nhất thì quân đội lại phải quản lý một cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine, ủng hộ tăng cường trinh sát chiến lược chống NATO, xây dựng sự hiện diện ở Bắc Cực, và chuẩn bị cho một mặt trận chống khủng bố mới có thể có ở Trung Á do an ninh ở Afghanistan đang xấu đi mà minh chứng là việc Taliban tạm chiếm Kunduz, một tỉnh lỵ trọng yếu của Afghanistan. Tình hình sẽ sụp đổ không nơi này thì nơi khác trong một tương lai không quá xa.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là việc Putin không phải là bậc thầy của trò chơi này bất chấp vẻ tự tin của Kremlin. Ông đã đột ngột đưa Nga vào một cuộc xung đột đầy biến động mà không có con đường rõ ràng nào dẫn tới thành công. Nguy cơ về việc chiến tranh lan rộng hay việc Nga đang dần lún sâu vào vũng lầy không phải là nhỏ. Nếu cuộc tấn công của Nga chùn lại thì Israel, Ả-rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ tìm được lỗ hổng để kiềm chế và làm suy yếu Nga cùng liên minh với người Hồi giáo dòng Shia của nước này, có thể bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho quân nổi dậy chống Assad hay các hành động quân sự cứng rắn hơn, như thiết lập vùng cấm bay hạn chế và dựng lên các hành lang nhân đạo và chỗ trú ẩn bên trong Syria. Bên cạnh đó, tai nạn là điều không thể tránh khỏi đối với các lực lượng quân sự hoạt động gần nhau, và nếu không được xử lý đúng cách thì các tai nạn đó có thể dẫn đến xung đột mở. Tóm lại, có rất nhiều điều không chắc chắn đang tồn tại.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mục tiêu của Putin là nhằm định hình lại Trung Đông. Ông không biết làm điều đó như thế nào, và ông đã bắt đầu một quá trình mà ông không kiểm soát được. Các cường quốc và các thế lực khác sẽ có tiếng nói, đặc biệt là Hoa Kỳ. Và Putin phải biết rằng Hoa Kỳ có năng lực định hình các diễn tiến lớn hơn rất nhiều so với Nga. Ông đang đánh cược rằng chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ đang thiếu các kỹ năng để đưa ra một chiến lược đối phó hiệu quả và ý chí để hành động cương quyết. Những tuần sắp tới sẽ cho chúng ta biết Putin có đúng hay không. Nhưng bất luận Hoa Kỳ có làm gì hay không thì phản ứng của Washington ít nhất cũng có ảnh hưởng trong việc tái định hình Trung Đông tương tự như những hành động của Putin.
Thomas Graham, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Jackson về Các vấn đề toàn cầu (Đại học Yale), là giám đốc cấp cao về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 2004–2007.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]