Nguồn: Harold James, “The Decadence of the People’s Car,” Project Syndicate, 26/09/2015.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Cho tới nay, vụ bê bối của hãng ô tô Volkswagen vẫn diễn ra theo một kịch bản cũ. Những hành vi đáng xấu hổ của tập đoàn bị phanh phui (trong trường hợp này, nhà sản xuất ô tô của Đức lập trình cho 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel chỉ khởi động hệ thống kiểm soát ô nhiễm trong các cuộc kiểm tra khí thải). Các giám đốc điều hành đứng ra nhận lỗi. Một số người mất việc. Những người kế nhiệm hứa hẹn sẽ thay đổi văn hóa tập đoàn. Chính phủ chuẩn bị đưa ra các khoản tiền phạt khổng lồ. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn.
Kịch bản này đang dần trở nên quen thuộc, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ngân hàng và các tổ chức tài chính khác liên tiếp sử dụng nó, ngay cả khi những vụ bê bối diễn ra sau đó tiếp tục làm xói mòn lòng tin vào toàn ngành. Những trường hợp đó, cùng với vụ gian lận “diesel sạch” của Volkswagen, đã cho chúng ta lý do để suy nghĩ lại về cách xử lý những hành vi phi pháp của các tập đoàn.
Những lời hứa hẹn sẽ thay đổi hành vi tốt hơn rõ ràng là không đủ, như những vụ bê bối dường như không đếm xuể trong ngành tài chính đã chỉ ra. Cứ một vụ thao túng thị trường được giải quyết thì một vụ khác lại nổi lên.
Vấn đề với ngành ngân hàng là nó được xây dựng dựa trên một nguyên tắc mà chính nguyên tắc này tạo động cơ cho các hành vi xấu. Các ngân hàng giờ đây hiểu rõ các điều kiện của thị trường (và khả năng thu hồi các khoản cho vay) hơn so với người gửi tiền. Đây là bí mật quan trọng nhất của hoạt động tài chính. Giới phân tích lịch sự gọi đó là “sự quản lý thông tin.” Còn những nhà phê bình thì xem đó là một dạng giao dịch nội tuyến (insider trading).
Các ngân hàng cũng là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các vụ bê bối do nhiều nhân viên của họ cùng lúc hành xử theo những cách có thể gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng, và thậm chí cả bảng cân đối kế toán, của cả ngân hàng. Vào những năm 1990, một nhân viên giao dịch tại Singapore đã một mình đánh sập Ngân hàng Barings danh giá. Năm 2004, một ngân hàng tư nhân của Citigroup Nhật Bản đã phải đóng cửa sau khi một nhân viên giao dịch gây gian lận trên thị trường trái phiếu chính phủ. Tại JPMogan Chase, chỉ một nhân viên giao dịch duy nhất – có biệt danh “Cá voi London” (the London Whale) – đã khiến công ty này mất trắng 6,2 tỷ USD.
Những vụ bê bối lặp đi lặp lại này cho thấy xin lỗi chỉ là những lời nói suông, còn phát biểu về việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp thường là vô nghĩa. Chừng nào những động cơ thúc đẩy vi phạm còn chưa thay đổi thì văn hóa cũng vậy.
Trường hợp của Volkswagen là lời nhắc nhở hữu ích rằng hành vi sai trái của các tập đoàn không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng, và chỉ đơn thuần đưa ra các mức phạt hay tăng cường quy định thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Quả thật, đó là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của các tập đoàn: Cứ mỗi quy định được đưa ra thì lại có những cải tiến tương ứng để lách luật.
Không có gì bất ngờ khi trong ngành sản xuất ô tô cũng có những động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp thao túng hệ thống. Ai cũng biết thực ra chỉ số tiết kiệm năng lượng không hề tương ứng với những con số ghi trên các nhãn dán ở phòng trưng bày, vốn được lấy ra từ những cuộc kiểm tra tiến hành trong điều kiện gió thổi từ phía sau hoặc trên mặt đường nhẵn nhụi. Tương tự, bất cứ ai đứng cạnh một chiếc xe chạy bằng diesel, ngay cả những người tung hô ưu điểm của “diesel sạch,” cũng biết loại xe này có khí thải nặng mùi hơn xe chạy bằng xăng.
Có hai điểm tương đồng quan trọng giữa các vụ bê bối trong ngành tài chính và vụ bê bối của Volkswagen. Điểm tương đồng thứ nhất là các tập đoàn lớn, dù là ngân hàng hay nhà sản xuất, đều có dính líu sâu sắc tới nền chính trị quốc gia, với những quan chức dân cử vốn phụ thuộc vào những doanh nghiệp như vậy để tạo công ăn việc làm và có các nguồn thu từ thuế. Còn Volkswagen nói riêng là biểu tượng của ngành chế tạo của Đức. Thủ tướng Angela Merkel hết mình ủng hộ hãng, và người tiền nhiệm Gerhard Schröder của bà cũng vậy; Schröder đã ra sức bảo vệ Volkswagen vào năm 2003 khi Ủy ban Châu Âu nghi ngờ tính hợp pháp trong cơ cấu tài chính của hãng.
Điểm tương đồng thứ hai là cả hai ngành ngân hàng và sản xuất đều chịu sự điều chỉnh của các mục tiêu lập quy phức tạp. Các nhà điều tiết có thể muốn các ngân hàng được an toàn hơn, nhưng họ cũng muốn chúng cho nền kinh tế thực vay nhiều hơn, điều thường mang lại nhiều rủi ro hơn. Và hệ quả là họ ban hành những quy định không thúc đẩy ngân hàng một cách rõ ràng theo hướng này hoặc hướng khác.
Quy định về khí thải ô tô cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Việc các nhà điều tiết tập trung vào việc hạn chế sự ấm lên toàn cầu đã làm xuất hiện hàng ngàn động lực khiến các hãng sản xuất ra những chiếc xe thải ít khí nhà kính hơn, thậm chí là khi điều đó có nghĩa rằng trong trường hợp xe động cơ diesel thì nó sẽ thải ra các loại khí khác và những vi phân tử có hại hơn cho những người đứng gần. Chưa bao giờ có một cuộc thảo luận về sự đánh đổi giữa hạn chế ô nhiễm môi trường cục bộ và chống biến đổi khí hậu.
Như khủng hoảng Volkswagen đã minh họa rất sống động, chúng ta không chỉ cần những lời xin lỗi và những quy định giơ cao đánh khẽ. Đã đến lúc dành thời gian cho một cuộc thảo luận nghiêm túc về cách soạn thảo những quy định để tạo ra những động cơ phù hợp nhằm đạt được những mục tiêu chúng ta thật sự kỳ vọng: phúc lợi kinh tế và xã hội. Chỉ khi cuộc thảo luận ấy trở thành hiện thực thì chúng ta mới có thể có những ngân hàng, ô tô, và các hàng hóa và dịch vụ khác mà chúng ta muốn.
Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, Giáo sư Lịch sử tại Viện Đại học Châu Âu (EUI), Florence, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và về toàn cầu hóa, ông là tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Decadence of the People’s Car
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]