04/11/1956: Liên Xô đàn áp Cách mạng Hungary

Stalin's_Boots

Nguồn:Soviets put brutal end to Hungarian revolution,” History.com (truy cập ngày 03/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1956, một cuộc nổi dậy tự phát nổ ra trên cả nước từ 12 ngày trước đó (23 tháng 10) tại Hungary đã bị những đoàn xe tăng và quân đội Liên Xô nghiền nát một cách tàn bạo. Hàng ngàn người đã thiệt mạng và bị thương, và gần 250 nghìn người Hungary đã trốn chạy khỏi nước này.

Những vấn đề ở Hungary bắt đầu phát sinh từ tháng 10 năm 1956, khi hàng ngàn người biểu tình xuống đường yêu cầu một hệ thống chính trị dân chủ hơn và giải thoát khỏi sự áp bức của Liên Xô. Để đáp lại, Đảng Cộng sản đã chỉ định Imre Nagy, cựu thủ tướng Hungary từng bị khai trừ khỏi Đảng do những lời chỉ trích của ông về các chính sách theo kiểu chủ nghĩa Stalin, làm thủ tướng mới.

Nagy đã cố gắng lập lại hòa bình và yêu cầu Liên Xô rút quân. Liên Xô đã làm như vậy, nhưng ngay sau đó Nagy lại cố gắng thúc đẩy cuộc nổi dậy của Hungary bằng cách bãi bỏ chế độ độc đảng. Ông cũng tuyên bố rằng Hungary đã rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa (khối Xô viết tương đương với NATO).

Ngày mùng 4 tháng 11 năm 1956, những đoàn xe tăng Liên Xô bắt đầu tiến vào Budapest để nghiền nát cuộc nổi dậy quốc gia của Hungary, một lần và mãi mãi. Các cuộc phản kháng lẻ tẻ nổ ra trên đường phố, nhưng sức mạnh áp đảo của Liên Xô đã đảm bảo được chiến thắng cho đất nước này. Lúc 5 giờ 20 phút sáng, Thủ tướng Hungary Imre Nagy thông báo về cuộc xâm lược của Liên Xô trong một tuyên bố ảm đạm kéo dài 35 giây trên sóng phát thanh: “Quân đội chúng ta đang chiến đấu. Chính phủ đã sẵn sàng.”

Phim tài liệu về Cách mạng Hungary 1956. Nguồn: YouTube | BBC History File.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, Nagy đã đến xin tị nạn tại Đại sứ quán Nam Tư ở Budapest. Ông bị bắt ngay sau đó và bị Liên Xô xử tử vì tội phản quốc năm 1958. Kádár János, đồng nghiệp cũ của Nagy, đã bí mật bay từ Moskva đến thành phố Szolnok, cách thủ đô 60 dặm về phía Đông Nam, chuẩn bị sẵn sàng lên nắm quyền với sự ủng hộ từ Moskva.

Động thái của Liên Xô đã khiến nhiều người phương Tây choáng váng. Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng cam kết sẽ bãi bỏ các chính sách kiểu chủ nghĩa Stalin và sự đàn áp trong quá khứ, nhưng những hành động bạo lực ở Budapest đã chứng tỏ điều ngược lại. Ước tính đã có khoảng 2.500 người Hungary thiệt mạng và hơn 200.000 người tị nạn tháo chạy khỏi đất nước này. Kháng chiến vũ trang lẻ tẻ, đình công, và các cuộc bắt giữ hàng loạt tiếp tục diễn ra trong nhiều tháng sau đó, gây ra sự gián đoạn đáng kể về kinh tế.

Việc Hoa Kỳ không hành động đã khiến nhiều người Hungary nổi giận và thất vọng. Chương trình phát thanh của đài Voice of America và những bài phát biểu của Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles trước đó đã gợi ý rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “giải phóng” “người dân bị giam cầm” ở các nước cộng sản. Tuy nhiên, khi những đoàn xe tăng Liên Xô chèn lên những người biểu tình ở Hungary, Hoa Kỳ đã không làm gì ngoài việc đưa ra những tuyên bố công khai bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh của họ.

Ảnh: Phần phục dựng bức tượng Stalin bị kéo đổ trong Cách mạng Hungary năm 1956, gần Công viên tưởng niệm ở Budapest. Nguồn: Wikimedia Commons.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]