Nguồn: “Bolsheviks revolt in Russia,” History.com (truy cập ngày 06/11/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1917, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Đảng Bolshevik Vladimir Lenin, các nhà cách mạng cánh tả đã phát động một cuộc đảo chính không đổ máu để lật đổ Chính phủ Lâm thời không hiệu quả của Nga. Đảng Bolshevik cùng các đồng minh của họ đã chiếm đóng tòa nhà chính phủ và các địa điểm chiến lược khác ở thủ đô Petrograd (nay là St. Petersburg), và chỉ trong hai ngày đã thành lập một chính phủ mới do Lenin đứng đầu. Nước Nga Bolshevik, sau đổi tên thành Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), trở thành nhà nước Marxist đầu tiên trên thế giới.
Sinh năm 1870, Lenin (tên khai sinh Vladimir Ilych Ulyanov) bị cuốn vào sự nghiệp cách mạng sau khi anh trai Aleksandr của ông bị hành quyết vào năm 1887 vì âm mưu ám sát Sa hoàng Aleksandr III. Ông học luật và sau đó hành nghề ở Petrograd, nơi ông tham gia sâu vào các nhóm cách mạng Marxist. Năm 1895, ông giúp tập hợp các nhóm Marxist ở thủ đô thành “Liên minh đấu tranh vì giải phóng giai cấp công nhân,” nhằm lôi kéo giai cấp công nhân đi theo chủ nghĩa Marx. Tháng 12 năm 1895, Lenin và các nhà lãnh đạo khác của Liên minh bị bắt giữ. Ông bị giam một năm trong tù và sau đó bị đày tới Siberia trong thời hạn ba năm.
Sau khi kết thúc thời gian lưu đày, Lenin tới Tây Âu năm 1900, tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình. Chính trong giai đoạn này ông đã lấy bí danh Lenin. Năm 1902, ông xuất bản một cuốn sách nhỏ có nhan đề Điều cần làm?, lập luận rằng chỉ một đảng phái có kỷ luật của những nhà cách mạng chuyên nghiệp mới có thể mang chủ nghĩa xã hội về nước Nga. Năm 1903, ông gặp gỡ những nhà Marxist người Nga khác ở London và thành lập Đảng Lao Động Xã hội Dân chủ Nga (RSDWP). Tuy nhiên, ngay từ đầu đã có một sự chia rẽ giữa phe Bolshevik của Lenin (Đa số), những người ủng hộ biện pháp vũ trang, và phe Menshevik (Thiểu số), những người ủng hộ phong trào dân chủ hướng tới chủ nghĩa xã hội. Hai phe phái này ngày càng đối đầu nhau trong nội bộ RSDWP, và Lenin đã chính thức tách ra trong một cuộc họp năm 1912 của Đảng Bolshevik.
Sau khi Cách mạng Nga 1905 bùng nổ, Lenin trở về Nga. Cuộc cách mạng này gồm phần lớn là các cuộc đình công trên khắp đế quốc Nga, và kết thúc khi Sa hoàng Nikolai II hứa hẹn tiến hành cải cách, bao gồm cả việc thông qua một bản hiến pháp và thành lập một cơ quan lập pháp dân cử. Tuy nhiên, khi trật tự đã được lập lại, Sa hoàng lại bãi bỏ hầu hết các cải cách, và đến năm 1907 Lenin một lần nữa buộc phải lưu vong.
Lenin lên án Thế chiến I nổ ra năm 1914 là một cuộc xung đột đế quốc chủ nghĩa và kêu gọi binh lính vô sản chĩa nòng súng của họ vào giới lãnh đạo tư bản đã gửi họ tới những chiến hào chết chóc. Đối với Nga, Thế chiến I là một thảm họa chưa từng có: thương vong của Nga lớn hơn bất kỳ tổn thất nào mà các nước phải chịu đựng trong các cuộc chiến trước đó. Trong khi đó, nền kinh tế Nga đã trở nên kiệt quệ bởi các nỗ lực chiến tranh tốn kém, và đến tháng 3 năm 1917 các cuộc bạo động và đình công đã nổ ra ở Petrograd vì tình trạng khan hiếm lương thực. Giới binh lính mất tinh thần đã tham gia cùng những người đình công, và đến ngày 15 tháng 3 Nikolai II buộc phải thoái vị, chấm dứt chế độ sa hoàng đã tồn tại trong hàng thế kỷ. Sau Cách mạng tháng Hai (tên gọi này là do người Nga dùng lịch Julian, chậm hơn gần một tháng so với Công lịch), quyền lực được chia sẻ giữa Chính phủ Lâm thời yếu kém của giai cấp tư sản và các Xô- viết, hay “hội đồng” của các ủy ban binh lính và công nhân.
Sau Cách mạng tháng Hai, chính quyền đế quốc Đức cho phép Lenin và những trợ thủ của ông đi qua nước Đức trên hành trình từ Thụy Sĩ về Thụy Điển trong một toa tàu kín. Berlin hy vọng (chính xác) rằng việc những nhà xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh trở về Nga sẽ làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga, vốn đang được duy trì bởi Chính phủ Lâm thời. Lenin kêu gọi các Xô viết lật đổ Chính phủ Lâm thời, và ông đã bị các nhà lãnh đạo chính phủ kết án là “gián điệp của Đức.” Tháng 7 năm 1917, Lenin buộc phải chạy trốn sang Phần Lan, nhưng lời kêu gọi vì “hòa bình, đất đai, và bánh mì” của ông đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ, và Đảng Bolshevik đã giành đa số trong Xô viết Petrograd. Đến tháng 10, Lenin bí mật trở về Petrograd, và từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 11 lực lượng Hồng vệ binh do Đảng Bolshevik lãnh đạo đã lật đổ Chính phủ Lâm thời và tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết.
Với sự kiện này, Lenin trở thành nhà độc tài trên thực tế của nhà nước Marxist đầu tiên trên thế giới. Chính phủ của ông hòa hoãn với Đức, tiến hành quốc hữu hóa ngành công nghiệp và tái phân phối đất đai, nhưng bắt đầu từ năm 1918 lại phải đương đầu với một cuộc nội chiến tàn khốc chống lại các lực lượng bảo hoàng. Năm 1920, phe bảo hoàng bị đánh bại, và đến năm 1922 Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) được thành lập. Sau khi qua đời vào đầu năm 1924, thi hài của Lenin được ướp và đặt trong một lăng mộ gần điện Kremlin ở Moskva. Petrograd được đổi tên thành Leningrad để vinh danh ông. Sau một cuộc đấu tranh giành quyền kế vị, nhà cách mạng Joseph Stalin đã lên kế nhiệm Lenin lãnh đạo Liên Xô.
Hình: Tranh sơn dầu The Bolshevik (1920) của Boris Kustodiev. Nguồn: Bảo tàng Tretyakov, Moskva, Nga.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]