20/11/1945: Tòa án Nuremberg bắt đầu xét xử

Nguồn:Nuremberg war-crimes trials begin,” History.com (truy cập ngày 19/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1945, một tòa án quân sự của Hoa Kỳ, Pháp, và Liên Xô ở Nuremberg, Đức đã bắt đầu tiến hành một loạt phiên tòa xét xử các bị cáo tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã trong Thế chiến II. 24 cựu quan chức Đức Quốc xã đã bị đưa ra xét xử, và sau khi phiên tòa kết thúc một năm sau đó, một nửa trong số đó bị kết án tử hình bằng cách treo cổ.

Những phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh này được trao quyền theo Hiệp định London, được Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, và chính phủ lâm thời của Pháp ký vào tháng 8 năm 1945. Ở thời điểm đó người ta thống nhất rằng các quan chức phe Trục tiến hành các tội ác chiến tranh vượt ra ngoài một khu vực địa lý cụ thể sẽ được xét xử bởi một tòa án chiến tranh quốc tế (phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Tokyo – Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông). 19 quốc gia khác sau này cũng tham gia hiệp định này.

Các cáo buộc đối với 24 bị cáo tại Tòa án Nuremberg bao gồm: (1) tội ác chống hòa bình, tức là lên kế hoạch và tiến hành các cuộc chiến vi phạm các điều ước quốc tế; (2) tội ác chống nhân loại, tức là việc trục xuất, tiêu diệt, và diệt chủng các cộng đồng dân cư; (3) tội ác chiến tranh, tức là các hoạt động vi phạm “các quy tắc” chiến tranh được đặt ra sau Thế chiến I và trong các thỏa thuận quốc tế sau này; và (4) âm mưu tiến hành bất kỳ tội ác nào trong số ba tội ác kể trên.

Tòa án Nuremberg có thẩm quyền xét xử cả cá nhân và tổ chức tội phạm; trong trường hợp thứ hai, các cá nhân là thành viên của tổ chức đó cũng có thể được đưa ra xét xử. Bốn quốc gia ký Hiệp định London ban đầu được cử một chánh án chính và một chánh án dự khuyết cho tòa án. Công tố viên trưởng là Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Robert H. Jackson, người được Tổng thống Harry S. Truman đề nghị lập ra một cơ cấu tố tụng. Các bị cáo được sắp xếp ngồi theo hai hàng ghế; lần lượt nghe tranh biện được dịch đồng thời thông qua một tai nghe.

Có tổng cộng 216 phiên tòa. Ngày mùng 1 tháng 10 năm 1946, phán quyết đối với 22 trên 24 bị cáo được đưa ra (hai phán quyết còn lại không được tuyên bố do một người đã tử tự trong buồng giam, còn một người không đủ sức khỏe tinh thần): 12 bị cáo bị kết án tử hình bằng cách treo cổ, trong đó có Julius Streicher (tuyên truyền viên, xuất bản tờ Der Stürmer), Alfred Rosenberg (nhà tư tưởng bài Do Thái và Bộ trưởng Lãnh thổ bị chiếm đóng miền Đông), Joachim von Ribbentrop (Bộ trưởng Ngoại giao), Martin Bormann (Bí thư Đảng Quốc xã), và Hermann Göring (chỉ huy quân sự và chỉ huy trưởng Gestapo).

10 trong số 12 người bị treo cổ vào ngày 16 tháng 10. Riêng Bormann được xét xử và tuyên án vắng mặt (ông được cho là đã chết trong khi cố thoát khỏi boong ke của Hitler vào cuối cuộc chiến, nhưng đến năm 1973 mới chính thức được tuyên bố là đã chết). Göring tự sát trước khi bị treo cổ. Các bị cáo còn lại bị kết án từ 10 năm đến chung thân. Mọi biện hộ mà các bị cáo đưa ra đều bị bác bỏ, bao gồm cả quan điểm cho rằng chỉ một nhà nước mới có thể phạm tội ác chiến tranh, còn các cá nhân thì không.

Ảnh: Thẩm phán Robert H. Jackson, công tố viên trưởng Hoa Kỳ, phát biểu trước Tòa án Nürnberg ngày 21 tháng 11 năm 1945.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]