Sự trỗi dậy của xu hướng phản-Havel

 ELI4b012c_zemanbesip

Nguồn: Aryeh Neier, “The Rise of the Anti-Havels, Project Syndicate, 18/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Duy Hiếu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

17 tháng 11 là một ngày quan trọng của Cộng hòa Séc. Đó là một ngày lễ quốc gia đánh dấu sự bắt đầu của cuộc “Cách mạng Nhung” vào năm 1989, dẫn đến sự kết thúc êm thấm và bất bạo động hơn bốn thập niên của chế độ cộng sản và sớm đưa Václav Havel, một nhà viết kịch , người ủng hộ nhân quyền nổi tiếng nhất đất nước, trở thành tổng thống. Lễ kỷ niệm năm nay là một sự lăng mạ đối với di sản của cuộc cách mạng.

Để kỷ niệm cuộc cách mạng, theo thông lệ, tổng thống Cộng hòa Séc sẽ có bài diễn văn trước công chúng. Lễ kỷ niệm năm ngoái đã diễn ra không thuận lợi cho Tổng thống Miloš Zeman, người nhậm chức vào năm 2013 sau khi đảm nhiệm vai trò Thủ tướng trước đó.

Tổng thống Zeman đã bị ném trứng trong suốt bài diễn văn của ông, rõ ràng là để phản đối sự thay đổi trong các tuyên bố của ông về các hoạt động của Nga tại Ukraine. Kể từ đó, ông đã trở nên nổi tiếng vì say xỉn trước công chúng, phản đối quyền của người đồng tính và phủ nhận vai trò của các hoạt động của con người trong việc gây nên biến đổi khí hậu.

Năm nay, Tổng thống Zeman dường như đã tìm được cách gây ra một phản ứng tích cực hơn. Vì nổi tiếng là phản đối Cộng hòa Séc tiếp nhận người tỵ nạn từ các cuộc xung đột tại Trung Đông, ông đã diễn thuyết trong một cuộc mít-tinh do một nhóm phản đối Hồi giáo có tên “Khối Chống Hồi giáo” (Bloc Against Islam) tổ chức tại nơi mà cuộc Cách mạng Nhung đã bắt đầu.

Như phần lớn mọi người đều biết, người tỵ nạn từ Syria, Iraq, và Afghanistan đều không muốn định cư tại Cộng hòa Séc, và số lượng người xin tỵ nạn từ những nước này là ít hơn một trăm người. Không vấn đề gì: Tổng thống Zeman đã nhân cơ hội này để lấy lòng dân bằng cách lợi dụng các tình cảm phân biệt chủng tộc và bài ngoại, nói với hàng nghìn người nghe (được cảnh sát tách ra khỏi một cuộc biểu tình lớn chống lại cuộc mít-tinh trên) rằng họ không phải là những người cực đoan.

Điều không may là Tổng thống Zeman không phải là nhà lãnh đạo Trung Âu duy nhất đang cố gắng khai thác chủ nghĩa dân tộc sắc tộc và phong trào chống các nhóm thiểu số, điều đã trở thành ý thức hệ nổi trội trong khu vực. Nước láng giềng Slovakia, vốn là một phần của Tiệp Khắc tại thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng Nhung, ban đầu tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận 200 người tỵ nạn Syria, và rằng tất cả những người đó phải theo Cơ đốc giáo. Các quan chức Ba Lan cũng đã đề xuất yêu cầu về tôn giáo tương tự.

Phần lớn sự chú ý quốc tế dành cho những người tán thành các quan điểm này đều tập trung vào Thủ tướng Hungari, Viktor Orbán, và các hàng rào thép gai mà ông đã dựng lên để ngăn chặn người tỵ nạn đến với Đức, Thụy Điển và một nhóm nhỏ các nước Châu Âu khác nơi mà những người tỵ nạn có thể mong đợi sự chào đón tốt hơn. Tuy nhiên, vai trò của Tổng thống Zeman – và vai trò của những người như Thủ tướng Slovakia Robert Fico chẳng hạn – cho thấy rằng Thủ tướng Orbán nổi bật hơn chủ yếu là vì ông có quan điểm rõ ràng nhất, và là người hiệu quả nhất trong việc công khai ủng hộ “chủ nghĩa phi tự do”, một thuật ngữ mà bản thân Thủ tướng Orbán dùng để miêu tả chủ nghĩa bài ngoại và việc xem thường các quyền con người phổ quát của ông.

Điều này giải thích tại sao những diễn biến này đã đặc biệt làm thất vọng rất nhiều những người ủng hộ các quyền này trong một thời gian dài. Đối với chúng ta, các cuộc cách mạng tại Đông Âu vào năm 1989 dường như là một trong những thành quả vĩ đại nhất của chúng ta. Và nhìn chung điều này vẫn còn đúng: người dân Cộng hòa Séc, Slovakia, Ba Lan, và Hungari – tất cả đều là công dân của Liên minh Châu Âu – đều được tận hưởng một mức độ tự do vốn không thể hình dung được dưới chế độ cộng sản. Dù sao thì rất nhiều sự kiện xảy ra trong một phần tư thế kỷ qua đã cho thấy một điều rằng chúng ta đã quá lạc quan, và có lẽ ngây thơ, về những sự thay đổi sẽ diễn ra.

Một ví dụ về thái độ chung của công chúng đối với các quyền là sự ngược đãi tiếp diễn và thậm chí ngày càng sâu rộng hơn đối với cộng đồng người di-gan thiểu số, điều đặc biệt rõ ràng ở Cộng hòa Séc. Việc Tổng thống Havel ủng hộ nhân quyền –dù đại diện cho các nhóm sắc tộc thiểu số không phổ biến hiện nay như người di-gan hoặc các nhóm sắc tộc thiểu số không phổ biến trước đây như ba triệu người Đức ở Sudeten,  những người đã bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc sau Thế Chiến II – giúp đảm bảo rằng ông được tán dương trên bình diện quốc tế nhiều hơn là tại chính quê hương ông.

Hệ quả là, ngày nay, danh tiếng của Cộng hòa Séc đang bị xói mòn. Dù có muốn hay không, biểu tượng của đất nước này ngày nay là vị tổng thống mị dân Zeman, chứ không phải là vị tổng thống dân chủ Havel.

Aryeh Neier, Chủ tịch Danh dự của Quỹ Xã hội Mở và là một sáng lập viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), là tác giả của cuốn Lịch sử Phong trào Nhân quyền Quốc tế (The International Human Rights Movement: A History)

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Rise of the Anti-Havels

Hình: Thủ tướng CH Séc Miloš Zeman. Nguồn: zpravy.idnes.cz

Xem thêm: 

http://nghiencuuquocte.net/2015/11/28/tiep-khac-bai-bo-che-do-chinh-tri-doc-dang/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]