Công cuộc cải cách ở Trung Quốc đã cùng đường?

Print Friendly, PDF & Email

130525225704-chinese-dream-tease-story-top

Nguồn: Youwei, “The End of Reform in China: Authoritarian Adaptation Hits a Wall,” Foreign Affairs, May/June 2015 Issue.

Biên dịch: Trần Tuấn Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Kể từ lúc bắt đầu công cuộc cải cách hậu Mao từ cuối thập niên 1970, chính quyền cộng sản ở Trung Quốc đã nhiều lần đảo ngược thành công những tiên đoán về sự sụp đổ của nó. Chìa khóa cho sự thành công đó nằm ở chủ trương mà người ta có thể gọi là “sự thích nghi của chế độ chuyên chế” (“authoritarian adaptation”) – tức việc sử dụng các chính sách cải cách nhằm thay thế một sự thay đổi thể chế cơ bản. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, điều đó có nghĩa là cải cách nông nghiệp và cởi trói cho kinh tế tư nhân. Dưới thời Giang Trạch Dân, đó là việc nền kinh tế Trung Quốc chính thức tiếp cận một nền kinh tế thị trường, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dưới thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là cải cách an sinh xã hội. Nhiều người tiếp tục kỳ vọng vào một đợt cải cách sâu rộng tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình – nhưng họ có thể sẽ phải thất vọng.

Sự cần thiết phải cải cách hơn nữa vẫn còn tồn tại, do nạn tham nhũng tràn lan, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm, và các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, có lẽ kỷ nguyên của sự điều chỉnh nền chuyên chế đã đi đến điểm tới hạn của nó, khi mà không còn nhiều tiềm năng cải cách có thể tồn tại trong khuôn khổ chuyên chế hiện nay của Trung Quốc. Một trạng thái cân bằng tự củng cố của sự trì trệ đang được hình thành và khó có thể bị phá vỡ nếu không có những biến động lớn về mặt kinh tế, xã hội, hoặc quốc tế.

Trung Quốc có là ngoại lệ?

Một lý do cho sự mất mát động lực để tiếp tục cải cách chính là việc hầu hết các cải cách đơn giản đều đã được thực hiện xong. Cải tạo nông nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, xúc tiến thương mại, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội – tất cả những cải cách này đã tạo ra nhiều lợi ích mới mà ít làm ảnh hưởng đến những lợi ích đã có. Còn những lĩnh vực còn lại khó thay đổi hơn, như việc loại bỏ sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tư hữu hóa đất đai, thêm quyền cho Quốc hội Trung Quốc trong các vấn đề tài khóa, và thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập. Thực hiện chúng cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu đe dọa đến quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều mà chế độ hiện tại không sẵn lòng chấp nhận.

Một lý do khác là sự hình thành một khối chống cải cách ngày càng mạnh mẽ. Một số người còn muốn đảo ngược các tiến trình cải cách đã và đang diễn ra, khi mà chúng đã làm cho “chiếc bánh kinh tế” lớn đáng kể (tức là tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thịnh vượng hơn là tái phân phối sự giàu có – NHĐ). Nhưng hàng ngũ quan chức cũng như giới tinh hoa nói chung lại cảm thấy hài lòng hơn với việc giữ nguyên trạng, bởi cải cách từng phần là người bạn tốt nhất của tư bản thân hữu (crony capitalism).

Thế còn về mặt xã hội nói chung? Lý thuyết hiện đại hóa tiên đoán rằng sự phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội, từ đó dẫn đến một sự thay đổi chính trị. Với GDP bình quân đầu người ở mức 7.000 đô la, liệu Trung Quốc có cưỡng lại được tính logic của lập luận này hay không? Nhiều người tin rằng là có, vì quốc gia này là một ngoại lệ. Họ lập luận rằng tính chính danh về mặt chính trị tại Trung Quốc có được là nhờ vào việc chính quyền đem đến nhiều lợi ích cho xã hội hơn là việc nó bảo vệ những quyền lợi của các tầng lớp trong đó. Nhiều doanh nhân được kết nạp Đảng, sinh viên thì bị sao nhãng bởi chủ nghĩa dân tộc, nông dân và công nhân thì chỉ quan tâm đến sự công bằng về mặt vật chất. Tuy nhiên, thứ cá biệt ở Trung Quốc không phải là xã hội hay văn hóa mà chính là nhà nước.

Ở Trung Quốc, cũng như ở nhiều nơi khác, sự phát triển kinh tế đã dẫn đến những mâu thuẫn: nông dân thì đòi phải giảm thuế, công nhân thì đòi có nhiều sự bảo hộ lao động hơn, sinh viên muốn thành lập các nhóm hoạt động xã hội, doanh nhân bắt đầu muốn làm từ thiện, các cơ quan truyền thông thì bắt đầu muốn đẩy mạnh mảng phóng sự điều tra, và các luật sư thì chú trọng hơn vào việc bảo vệ nhân quyền. Những hành động mang tính tập thể trở nên phổ biến, và hiện Trung Quốc đang có hơn một triệu các tổ chức phi chính phủ ở địa phương. Và Internet là một thách thức lớn đối với chế độ, bằng cách kết nối những con người bình thường lại với nhau, và với cả giới trí thức.

Tuy nhiên, những mưu cầu thực tiễn tương tự như trên lại cần nhiều kỹ năng tổ chức và các luận đề tư tưởng thì mới trở thành những yêu sách chính trị. Và ít ra chúng cần phải có những không gian chính trị nhất định để có thể tự hoàn thiện và phát triển, tuy nhiên những khoảng không này gần như không hề tồn tại ở Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã học được điều gì từ phong trào dân chủ năm 1989 (tức Sự kiện Thiên An Môn – NHĐ) và sự sụp đổ của Liên Xô, thì đó là bài học về việc “một đốm lửa nhỏ có thể châm ngòi cho một đám cháy lớn.” Bằng nguồn lực khổng lồ, chính quyền đã dần dần tạo nên một bộ máy tinh vi, hiện diện ở khắp mợi nơi và cực kỳ hiệu quả trong việc “duy trì ổn định.” Điều này đã ngăn chặn thành công vế thứ hai của lý thuyết hiện đại hóa trở thành hiện thực. Hệ thống đảm bảo an ninh quốc nội này được thiết kế để bắt được bất cứ tín hiệu nào từ phía đối lập, dù thực tế hay tưởng tượng, hay còn trong trứng nước. Ngăn chặn quan trọng hơn nhiều so với đàn áp – trên thực tế, việc đàn áp các cuộc biểu tình một cách bạo lực được nhìn nhận là một dấu hiệu thất bại. Sức mạnh của nhà nước Trung Quốc không phải được đo bằng một hàm răng sắc nhọn mà thông qua những ngón tay nhanh lẹ của nó.

Ngôn luận bị kiểm duyệt, trong báo chí và cả trên Internet, nhằm ngăn chặn việc phổ biến bất cứ thứ gì được coi là “mối hiểm họa.” Mọi hành động đều bị theo dõi sát sao. Ngay cả những hành động phi chính trị cũng có thể bị coi là nguy hiểm. Năm 2014, Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) – một nhà hoạt động pháp lý, người đứng đầu một chiến dịch đấu tranh cho các cơ hội giáo dục bình đẳng cho con cái của những người di cư từ nông thôn (ra thành phố), bị kết án 4 năm tù với tội danh “gây rối trật tự công cộng.” Hội họp công khai bị hạn chế, và ngay cả việc hội họp tại gia cũng có thể bị coi là có vấn đề. Vào tháng 5 năm 2014, một số học giả và luật sư đã bị quản thúc sau khi tham dự một buổi tưởng niệm cho phong trào dân chủ 1989 tại một tư gia. Ngay cả việc ký tên vào một bản thỉnh nguyện thư cũng có thể bị trừng phạt.

Quan trọng không kém là sự nổi lên của đường lối quần chúng (mass line) – tức sự định hướng dư luận của chính quyền – về nhu cầu sống còn của Trung Quốc là duy trì sự ổn định. Một mạng lưới giám sát an ninh được thành lập khắp cả nước bằng cách tăng cường quân số của bộ máy an ninh quốc gia cũng như thành lập một mạng lưới bên ngoài bộ máy hành chính chính thức bao gồm dân quân tuần tra, trợ lý giao thông, và những người giám sát các khu dân cư. Hàng trăm ngàn “tình nguyện viên an ninh” hoặc “đầu mối đưa tin” đã được tuyển dụng trong số những người lái xe taxi, nhân viên vệ sinh, người trông xe, và cả những người bán hàng rong, nhằm báo cáo với chính quyền về “những người hay hoạt động khả nghi.” Mỗi khu dân cư ở Bắc Kinh được cho là có khoảng 2.400 “tổ trưởng (cho mỗi) tổ dân cư” trong đó, những người có nhiệm vụ để ý từng phút bất kỳ sự bất thường nào trong địa hạt của họ, để có thể bán tin cho chính quyền với giá 2 NDT cho một mẩu tin. Hệ thống này theo dõi những tên tội phạm và những kẻ khủng bố cùng với những người gây rối chính trị, nhưng những người bất đồng chính kiến chắc chắn cũng là một trong những đối tượng chính của nó.

Ở Trung Quốc ngày nay, các đại ca giang hồ (Big Brother) có mặt ở khắp mọi nơi. Họ là một phần của mạng lưới an ninh quốc gia vừa mạnh và vừa tinh vi như một mạng nhện, hiện diện ở khắp mọi nơi và vô dạng như nước. Những ai đủ thông minh để lảng tránh chính trị hoàn toàn thì hầu như sẽ không hề cảm nhận thấy nó. Ngược lại, nếu như họ vượt qua làn ranh thì ngay lập tức sẽ nhận được những phản ứng tức thời của các thành viên thế giới ngầm này. Nếu một phản ứng thái quá kiểu “giết gà bằng dao mổ bò” xảy ra thì nó cũng hoàn toàn được chấp thuận bởi dẫu sao cố gắng ngăn chặn một phiền toái thoát ra khỏi lòng bàn tay của chính quyền cũng là một điều tốt.

Hệ thống này thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự một cách xuất sắc. Nhưng nó cũng hạn chế cơ hội cho bất cứ một sự phát triển xã hội dân sự nào ở Trung Quốc đương đại chứ chưa nói đến một xã hội chính trị. Và cho dù sự bất bình xã hội có dâng cao đến đâu thì cán cân quyền lực cũng nghiêng hẳn về phía chính quyền hơn là về phía xã hội. Các phong trào xã hội, cũng giống như thực vật, cần không gian để phát triển. Và nếu như không có khoảng không này thì cả phong trào và cây cỏ đều sẽ lụi tàn.

Người khổng lồ bị chôn vùi

Việc thiếu những động lực từ bên trên cũng như từ phía dưới đã khiến công cuộc cải cách ở Trung Quốc bị chững lại, và thậm chí có thể thụt lùi. Giới lãnh đạo hiện nay vẫn tiếp tục khoa trương về cải cách, và họ quả thực cũng đưa ra được một số sáng kiến cải cách. Nhưng chúng, như người Trung Quốc vẫn nói, chỉ như là những trận “sấm lớn mà mưa nhỏ.”

Đáng kể nhất là chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Triệt hạ 74 quan chức cấp tỉnh trong vòng 2 năm qua, kèm theo đó là hàng trăm ngàn quan chức cấp thấp hơn, chiến dịch này quả thật là rất ấn tượng. Trong ba thập niên trước khi ông nắm quyền, chỉ có tổng cộng 3 quan chức cấp trung ương bị mất chức do tham nhũng. Nhưng chỉ trong 3 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã khiến cho 5 quan chức quốc gia ngã ngựa. Nhưng không nên xem chiến dịch chống tham nhũng này là một chương trình cải cách. Thay vì khuyến khích tự do thông tin hay tổ chức nhiều phiên tòa xét xử độc lập và lập nên một cơ quan chống tham nhũng có thực quyền thì chiến dịch này được điều khiển và kiểm soát bởi giới chóp bu và đặc trưng bởi tính bí mật, sự tàn nhẫn, và mang nhiều toan tính chính trị. Vu Kỳ Nhất (Yu Qiyi), kỹ sư thuộc một tập đoàn nhà nước bị bắt vì cáo buộc tham nhũng đã chết do bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn vào năm 2013. Chu Văn Bân (Zhou Wenbin), cựu Hiệu trưởng Đại học Nam Xương, nói rằng ông cũng đã từng bị tra tấn trong một cuộc thẩm vấn vào đầu năm 2015. Điều này gợi lại những chiến dịch “cải tạo” của những người theo chủ nghĩa Mao khi xưa (mặc dù ít tàn bạo hơn) hay thậm chí là các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc thời phong kiến Trung Quốc. Những chiến dịch này đã củng cố được tính tập quyền và tăng cường tính chính danh của các nhà lãnh đạo có sức cuốn hút đặc biệt với cái giá là nhiều quan chức.

Nhiều cải cách nhỏ đã thúc đẩy một số lĩnh vực tiến lên phía trước, tuy nhiên không cải cách nào là một bước chuyển mình. Đại hội Đảng lần thứ 18, được tổ chức vào cuối năm 2012, đã nhấn mạnh việc cải cách hệ thống tư pháp, nhưng cho đến giờ, chưa có gì ngoài việc cơ cấu lại bộ máy hành chính được tiến hành. Một nghị quyết của Ủy ban Trung ương vào cuối năm 2014 đã cam kết rằng sẽ đẩy mạnh “sự độc lập và công bằng hơn trong hoạt động truy tố và xét xử,” tuy nhiên nó lại định nghĩa nguyên tắc đầu tiên của cải cách pháp lý là nhằm “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Các quan chức của Đảng thường gật đầu đồng ý với sự quan trọng của “vấn đề dân chủ trong thảo luận,” và đầu năm nay, Đảng đã thông qua một kế hoạch nhằm “củng cố dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thảo luận,” nhưng hiện không rõ là dân chủ trong thảo luận liệu có ý nghĩa gì không khi thiếu vắng những biện pháp trừng phạt việc không phản hồi của các thể chế.

Có nhiều tuyên bố được lặp đi lặp lại về vấn đề cải cách những luật lệ và quy định áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình này lại diễn ra rất chậm và thiếu minh bạch, với minh chứng là cách mà Dự án Thư viện nông thôn Lập Nhân (Liren), một dự án khuyến khích việc tự học ngoài giờ lên lớp ở vùng nông thôn Trung Quốc, đã bị ép phải ngừng hoạt động. Lĩnh vực kinh tế đã được chứng kiến nhiều cải cách đích thực, như việc giảm rào cản khi cấp giấy phép kinh doanh và việc bắt đầu thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng nhiều người lại không xem những nỗ lực này là đáng kể, khi mà sự độc quyền kinh tế của nhà nước trong một số lĩnh vực vẫn không thể bị thách thức. Và trong các chính sách xã hội, việc nới lỏng chính sách một con dù đã thể hiện sự tiến bộ, nhưng vẫn chưa đủ để tạo nên sự khác biệt.

Đằng sau sự trì trệ trong công cuộc cải cách hiện nay chính là sự bế tắc về mặt ý thức hệ. Cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc trong suốt hơn 30 năm, đã tự cho phép nó được tiếp tục tồn tại và cải cách. Nhưng nó luôn ẩn chứa bên trong một mâu thuẫn nội tại, khi mà hệ thống pháp lý khách quan cần có của một nền kinh tế thị trường lại là mối đe dọa tiềm tàng cho sự lãnh đạo chủ quan của Đảng, vốn ưa thích việc tự mình đóng vai trò là vị trọng tài cuối cùng cho các vấn đề xã hội. Và trong những năm gần đây, một câu hỏi cấp bách lớn hơn được đặt ra là: Thứ gì quan trọng hơn, những nhu cầu của một nền kinh tế thị trường hay những nhu cầu của Đảng Cộng sản?

Trên thực tế, những nhu cầu của Đảng là tối thượng. Nhưng chính quyền đã không thể phát triển được một hệ tư tưởng mạch lạc, thức thời nhằm biện minh cho điều đó. Chủ nghĩa Mác là chưa đủ. Chính quyền ngày càng viện dẫn những triết lý của Nho giáo về việc đề cao một nhà nước nhân trị bên trong một trật tự phân chia ngôi thứ. Nhưng việc kết hợp hai hệ thống lý luận này lại với nhau là không dễ dàng gì khi mà trên danh nghĩa Đảng Cộng sản vẫn đi theo hệ tư tưởng Mác-Lênin, vốn đấu tranh cho sự công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội, còn đạo Khổng thì lại chú trọng đến hệ thống thứ bậc.

Những gì Tập Cận Bình thể hiện thường là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Chúng có mặt ở mọi nơi ở Trung Quốc, bao gồm “Thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hòa hợp, tự do, bình đẳng, công bằng, pháp quyền, ái quốc, tận tâm, liêm chính, hữu nghị.” Chúng giống một danh sách chắp vá hơn là thể hiện một tầm nhìn thống nhất. Nó phản ánh sự lo lắng nhiều hơn là sự tự tin, và đó chính là cơ sở để nói rằng: thực tại mà không có một nền tảng ý thức hệ làm nền thì rất yếu và không bền vững.

Bốn kịch bản cho tương lai

Trung Quốc sẽ đối mặt với bốn viễn cảnh về tương lai của họ. Viễn cảnh thứ nhất, cũng chính là kịch bản mà Đảng cầm quyền ưa thích, là đất nước sẽ trở thành một “Singapore quy mô lớn” (Singapore on steroids), như cách mà chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Elizabeth Economy đã viết. Nếu chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành triệt để và bền vững, Đảng Cộng sản sẽ được sinh ra trong một hình hài mới, một Đảng có thể lãnh đạo Trung Quốc một cách hiệu quả và nhân ái. Các cải cách về mặt chính sách sẽ được tiếp tục, tiềm năng kinh tế quốc gia sẽ được giải phóng, và kết quả là một nền kinh tế năng suất cao sẽ đảm bảo tính chính danh và quyền lực của biến thể Đảng mới này.

Tuy nhiên một tương lai như thế lại khó có thể trở thành hiện thực vì nhiều lý do. Thứ nhất, Singapore dẫu sao thì cũng ít chuyên chế hơn so với Trung Quốc đương đại; nó đa đảng và tự do chính trị hơn. Sự cạnh tranh chính trị ở đó không phải là hoàn toàn công bằng, tuy nhiên các Đảng đối lập vẫn đủ sức chiếm 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào năm 2011. Đối với Trung Quốc, để bắt chước mô hình thành công của Singapore, nó cần phải cởi mở đáng kể hơn về mặt chính trị, thậm chí là có thể sẽ phải trở thành một nền dân chủ đa nguyên, một kịch bản mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề muốn mạo hiểm thực hiện. Ngoài ra, Singapore chỉ là một nước nhỏ, do đó chi phí để giám sát bộ máy hành chính cũng tương đối nhỏ. Ngược lại, Trung Quốc lại là một nước có diện tích khổng lồ và do đó Đảng Cộng sản phải rất khó khăn trong việc cai trị một lãnh thổ rộng lớn như thế, cũng như giám sát một bộ máy chính quyền nhiều cấp từ trên xuống dưới.

Kịch bản thứ hai và cũng là kịch bản dễ thành hiện thực nhất, ít nhất là trong ngắn hạn, đó là hiện trạng hiện tại sẽ vẫn được duy trì. Dù cho có vấn đề gì xảy ra thì việc gìn giữ mô hình “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” không phải là một điều mệt mỏi cho chính quyền. Từ nhân khẩu học đến đô thị hóa đến toàn cầu hóa đến cuộc cách mạng thông tin, các yếu tố cấu trúc đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn đang tồn tại và sẽ tiếp tục hoạt động trong nhiều năm nữa, và do đó chính quyền có thể tiếp tục hưởng lợi từ chúng.

Nhưng không phải là mãi mãi: một chính quyền mà tính chính danh của nó dựa vào sự hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, sẽ phải tiếp tục cố gắng duy trì một mức tăng trưởng cao để có thể bảo đảm ngôi vị của mình. Với tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm dần qua nhiều năm, nỗi sợ về việc khó có thể tiếp tục giữ vững chế độ đang ngày càng gia tăng. Bong bóng nhà đất, sản xuất dư thừa, bất ổn tài chính, nhu cầu nội địa thấp, và tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng chính là những điểm yếu trầm trọng. Lấy ví dụ, sự bùng nổ của bong bóng nhà đất có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ nền kinh tế và dư chấn của nó sẽ lan sang cả lĩnh vực chính trị, khi mà các chính quyền địa phương mất đi một nguồn thu chính để có thể chi trả chi phí cho các dịch vụ công và bảo đảm an ninh nội địa.

Điều này có thể sẽ châm ngòi cho kịch bản thứ ba: dân chủ hóa thông qua cơn khủng hoảng. Một kịch bản như thế tất nhiên là không dễ chịu gì. Với nền kinh tế bị tổn thương và các yêu sách chính trị ngày càng gia tăng, các mâu thuẫn sẽ trở nên ngày càng sâu sắc thay vì dịu đi, và khi những quả bom do chính tay chế độ hiện tại cài đặt (khủng hoảng dân số, ô nhiễm và tàn phá môi trường, căng thẳng sắc tộc) phát nổ thì các vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Kết quả lúc này có thể sẽ là sự quay trở lại của một số hình thái chuyên chế khi mà cả đất nước chùn chân trước sự hỗn loạn của tiến trình dân chủ hóa.

Kịch bản thứ tư – tiến trình dân chủ hóa theo tuần tự và được kiểm soát – sẽ là điều tốt nhất cho Trung Quốc, nhưng tiếc thay lại khó có thể xảy ra. Một nền lãnh đạo sáng suốt ở Bắc Kinh có thể bắt đầu thực hiện từng bước một ngay từ bây giờ để đặt nền móng cho một quá trình chuyển mình như thế, với việc bầu cử đa đảng phái được xem là bước cuối cùng của quá trình chuyển mình này, hay nói cách khác là điểm cuối con đường. Việc từ từ thừa nhận sự độc lập của hệ thống tư pháp, củng cố quyền lực của Quốc hội Trung Quốc để đối phó với các vấn đề tài khóa, khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự, và thực hiện cạnh tranh trong nội bộ Đảng là những biện pháp có thể mở đường cho một cuộc chuyển mình êm đềm, và nếu cùng với chúng là những cải cách trong các chính sách liên quan đến vấn đề quản lý dân số, sắc tộc, và môi trường, thì nó có thể giúp Trung Quốc tránh khỏi nhiều bi kịch trong tương lai. Tuy nhiên, một cuộc chuyển mình được chuẩn bị sẵn và có kiểm soát như thế đòi hỏi một liên minh bao gồm những chính trị gia cấp tiến trong giới lãnh đạo, nhưng điều đó lại không tồn tại trong bối cảnh hiện nay và có rất ít khả năng là sẽ xuất hiện sớm.

Đối với những thế lực bên ngoài, những việc mà họ có thể làm (để tác động đến tương lai của Trung Quốc) là rất hạn chế. Các áp lực ngoại sinh thường có xu hướng làm bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa phòng thủ hơn là thúc đẩy quá trình tự do hóa trong nước. Đối với một quốc gia có kích thước lớn và chiều dài lịch sử như Trung Quốc thì quá trình dân chủ hóa phải được bắt đầu từ bên trong. Nhưng sự thật là những cường quốc lớn trên thế giới, thường là những nước dân chủ tự do, lại tạo ra một sức kéo ý thức hệ – và vì vậy, cách tốt nhất mà phương Tây có thể giúp Trung Quốc thực hiện thành công một cuộc cách mạng chính trị cuối cùng là hãy duy trì sức mạnh, sự tự do, nền dân chủ, và sự thành công của chính mình.

Youwei là bút danh của một học giả ẩn danh người Trung Quốc.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]