Tướng Lê Đức Anh: Đưa VN thoát vòng xoáy nước lớn

Print Friendly, PDF & Email

k6_2_wofg

LTS: Năm 2016 được xác định có ý nghĩa đặc biệt đối với kinh tế – xã hội khi Việt Nam là thành viên trong Khối Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC). Từ những ý kiến nhận định sáng suốt của Đại tướng-nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại thời điểm hơn 40 năm trước, thư ký của ông, Đại tá Khuất Biên Hòa đã viết về câu chuyện “Ý tưởng gia nhập Asean – khởi điểm hành trình đến AEC hôm nay”.

Trong vòng xoáy các nước lớn

Trước thềm Đại hội Đảng VI, tại đại hội Đảng toàn quân từ ngày 13-18/10/1986, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng thay cho Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn vừa đột ngột qua đời. Vừa nhậm chức, ông lập tức lên thị sát biên giới phía Bắc, rồi trở vào Nam Trung Bộ thám sát tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa và quân cảng Cam Ranh. Lúc này, nhận định về vị thế “VN đang bị cuốn vào các vòng xoáy các nước lớn” trong tâm trí ông càng rõ.

Sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh có điều kiện để trình bày một cách đầy đủ với Bộ Chính trị về những nhận định và đề xuất ý tưởng của mình.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị hẹp tại Nhà con rồng – Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng tại Hoàng thành Thăng Long tháng 2/1987, ông đã trình bày toàn bộ báo cáo phân tích và nhận định về tình hình thế giới, trong nước, biên giới, đồng thời đưa ra ý tưởng phải tìm cách để đưa VN “thoát ra khỏi vòng xoáy ba nước lớn” là Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ:

30/4/1975, ta giải phóng miền Nam. Sau đó 5 tháng, từ 19 đến 23/10/1975, cấp cao Mỹ-Trung đã gặp nhau ở Bắc Kinh và ngay sau đó ở Washington, thỏa thuận 5 điểm với nội dung chủ yếu là: Mỹ sẽ viện trợ quân sự cho Trung Quốc trị giá một tỷ USD, đồng thời mở cửa thị trường và hỗ trợ kinh tế cho Trung Quốc. Đổi lại, sau 18 tháng chuẩn bị, Trung Quốc sẽ dùng tập đoàn Pôn Pốt đánh VN từ hướng Tây Nam. Bên cạnh đó, Mỹ-Trung dùng các nước thứ ba bao vây VN từ các hướng khác…

Mâu thuẫn Xô-Trung có từ những năm 50, rõ nhất từ sau Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân, mùa Thu 1960 ở Matxcơva – từ mâu thuẫn về quan điểm, đường lối, đã trở thành mâu thuẫn đối kháng và ngày càng gay gắt.

Sau khi có “Hiệp định hợp tác toàn diện Xô-Việt”, Liên Xô một mặt đưa Hải quân và Không quân tới đóng và hoạt động ở quân cảng Cam Ranh, lập cầu hàng không vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến đấu cho Việt Nam, một mặt thiết lập “đoàn cố vấn quân sự” từ cấp sư đoàn bộ binh và trung đoàn binh, quân chủng kỹ thuật trở lên.

Họ cũng yêu cầu ta bỏ “cơ chế Đảng ủy” trong Quân đội, đồng thời đưa cả 19 sư đoàn bộ binh lên áp sát biên giới Việt-Trung. Chưa hết, họ còn đề nghị ta thành lập Quân đoàn thứ 10. Nếu làm như vậy quân số thường trực sẽ lên tới một triệu sáu. Không một nền kinh tế nào có thể nuôi nổi, huống hồ ta vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm. Có thể hình dung, trong “Đội hình tiến công” của Liên Xô, quân cảng Cam Ranh như một mũi dao, còn bộ đội Việt Nam áp sát biên giới như một tên lính xung kích.

Khi mâu thuẫn Trung – Xô chuyển thành mâu thuẫn đối kháng (trước đã có, bây giờ tăng lên), rồi xuất hiện xu hướng liên kết Mỹ – Trung chống Liên Xô bằng “con bài Việt Nam” đã khiến ta rơi vào vòng xoáy giữa các mối mâu thuẫn giữa các nước lớn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy này mà vẫn giữ được độc lập dân tộc?

Sau khi phân tích tình hình, đại tướng đã đề xuất ba bước đi cơ bản và cần thiết: Thứ nhất, hoạt động tích cực để “tháo ngòi nổ xung đột biên giới” tiến tới lập lại quan hệ bình thường hóa với Trung Quốc; Thứ hai, tháo gỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ để tiến tới thiết lập quan hệ bình thường với Hoa Kỳ như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và hai Cố vấn Trường Chinh và Phạm Văn Đồng; Thứ ba, tìm đường gia nhập ASEAN.

Theo Đại tướng, nếu đạt được 2 mục tiêu đầu ta sẽ thoát ra khỏi vòng xoáy mâu thuẫn, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nước lớn nói trên. Tiếp đó, khi vào được ASEAN sẽ là bước đi để chúng ta thoát khỏi vòng xoáy ba nước lớn một cách bền vững.

Địa chính trị Việt Nam

Sau thất bại chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã câu kết với Trung Quốc, dùng Pôn Pốt ở Campuchia trả thù ta và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Việt Nam với khu vực. Kế hoạch này đã thất bại.

Trong khi Mỹ chưa có chính sách mới đối với Việt Nam là thời cơ để ta có thể tiến hành phá bao vây cấm vận. Nhiều lãnh đạo của các nước ASEAN lệ thuộc Mỹ và Trung Quốc. Nếu ta tìm cách gia nhập ASEAN để nâng tinh thần độc lập tự chủ của họ lên, họ sẽ dần cảm thấy không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ nữa.

Lúc đó cũng có ý kiến băn khoăn, liệu vào ASEAN ta có lôi kéo được họ không hay ta lại bị họ lôi kéo? Và, liệu họ có chịu không? Vì nếu xét ở khía cạnh kinh tế họ sẽ không chịu mình đâu…

Đại tướng phân tích: “Nếu chỉ vì mục đích kinh tế thì khó, vì ta đang nghèo. Nhưng ta có hai cái “giàu” là giàu về chính trị và về địa lý, giàu về tiềm năng con người. Ban đầu về kinh tế có thể ta chưa có lợi gì, nhưng về chính trị thì ta có thế của một nước độc lập có chủ quyền, mà nền độc lập của ta không phải nói suông, cả dân tộc ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu và trí tuệ mới có được. Lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì anh nào cũng có. Ta vào thì họ sẽ có chỗ dựa về chính trị để họ vươn lên vì từ trước đến nay họ thường xuyên bị nước lớn chi phối. Họ cần ở ta là cần về chính trị trước tiên, mà ta lại có “vốn lớn” về chính trị. Trong khối ASEAN hiện tại một số nước trước đây rất “căng” với ta, gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi. Sẽ có những nước ủng hộ ta. Ta sẽ đặt chân vào ASEAN từ cánh cửa của những nước như vậy.

Ông nói thêm, nhưng những bước đi đầu tiên phải hết sức bí mật và thận trọng. Nếu ta không vào thì Mỹ và một số nước lớn sẽ tiếp tục phá ta, thậm chí tiếp tục dùng một số nước ASEAN để phá ta. Khi ta vào được thì họ không phá được ta mà ngược lại, ta sẽ là chỗ dựa về chính trị để các nước ASEAN vươn lên.”

Phân tích thấu đáo của Đại tướng đã được đồng tình cao. Cố vấn Phạm Văn Đồng nói: “Việc này bên Ngoại giao làm là đúng chức năng, Bộ Quốc phòng phải phối hợp. Việc lớn này cả Đảng và Nhà nước cùng làm mới xong”. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tiếp lời: “Bây giờ các anh cứ quyết, tôi xin làm ngay!”. Cố vấn Trường Chinh  đề nghị “giao cho anh Lê Đức Anh làm cái đoạn “mở đầu”. Mọi người cùng nhất trí…

Ngăn Liên Xô đưa đầu đạn hạt nhân vào Cam Ranh

Song song với việc thực thi kế hoạch “Tháo ngòi nổ cuộc xung đột Biên giới phía Bắc” và đạt tới thành công, Đại tướng Lê Đức Anh đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản Hiệp định giữa Việt Nam ký kết cùng Liên Xô.

Nhận thấy không có điều khoản nào nói Liên Xô được đưa đầu đạn hạt nhân vào Cam Ranh. Sau khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý, Đại tướng đã làm việc với Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam, yêu cầu không đưa đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm quân sự vào khu vực cảng Cam Ranh. Người Nga nhận thấy nếu không đưa được tàu ngầm mang đầu đạn H vào Cam Ranh, thì mục tiêu không đạt được nên đã đồng ý rút khỏi Hiệp định sớm 4 năm, bộ đội Hải quân và Không quân Nga cũng rút khỏi Cam Ranh.

Ngay sau khi Nga rút, Việt Nam đã kí với ASEAN Hiệp định “Khu vực Đông Nam Á là khu vực phi hạt nhân”. Các nước ASEAN rất đồng tình và thấy rõ Việt Nam có thiện chí. Đây chính là bước ngoặt quan trọng để sau đó Việt Nam từng bước đạt được những lộ trình quan trọng và cơ bản của 3 mục tiêu đã đề ra, sau cùng là chính thức gia nhập Hiệp hội ASEAN:

Tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định lập lại quan hệ bình thường.

Tháng 7/1993, Tổng thống Bill Clinton đã mở đường cho các tổ chức tài chính quốc tế gồm IMF, WB bắt đầu cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Tháng 2/1994, Mỹ tuyên bố chấm dứt cấm vận sau 19 năm. Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức lập quan hệ bình thường, lập văn phòng ngoại giao.

Ở vị trí Chủ tịch Nước, ngày 29/4/1994, Đại tướng Lê Đức Anh đã thăm Indonesia và gặp Tổng thư kí khối ASEAN. Tại cuộc gặp này, ông đã chia sẻ ý định gia nhập ASEAN của Việt Nam và nhận được ủng hộ. Sau đó, các cuộc viếng thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các thành viên Chính phủ đã diễn ra. Cuối cùng chúng ta đã trở thành thành viên của ASEAN vào ngày 28/7/1995.

***

Nhìn lại ý tưởng hội nhập khởi đầu đưa ra từ Đại hội VI đến cuối nhiệm kì Đại hội VII, đặc biệt nhiệm kỳ 91-97 là giai đoạn Việt Nam đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại đã được triển khai thận trọng, nghiêm túc và thu được kết quả quan trọng.

Ta đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam – kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau – hợp tác cùng có lợi.

Thành quả của công tác đối ngoại và kết quả của công cuộc đổi mới đất nước đã thực sự nâng tầm vị trí Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩu hiệu “Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới” đã trở thành hiện thực. Từ đây, ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ, khai thác được thế mạnh của từng quốc gia, từng tổ chức quốc tế vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước của ta. AEC ngày hôm nay, là thành tựu, thành quả của một bước tiến dài trong ý tưởng – kế hoạch – thực thi mục tiêu độc lập, phát triển, tiến bộ của con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tá Khuất Biên Hòa, Thư ký của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Nguồn: Tuần Việt Nam