Việt Nam 1967: Hệ lụy từ ‘Sự kiện Vịnh Bắc Bộ’

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mark Atwood Lawrence, “America’s Case of ‘Tonkin Gulfitis’,” The New York Times, 07/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 22 tháng 5 năm 1967, Tổng thống Lyndon B. Johnson nhận được tin đáng lo ngại từ Trung Đông. Chính phủ Ai Cập đã đóng cửa eo biển Tiran, tuyến đường thủy hẹp nối Biển Đỏ với Israel, qua đó chặn đường vận tải biển của Israel. Động thái này đã làm leo thang đáng kể căng thẳng Ả Rập-Israel và đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh.

Bản năng của Johnson là hành động táo bạo để tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Ông đề xuất tập hợp một lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu để hộ tống các tàu Israel qua eo biển và buộc Ai Cập phải xuống nước. Nhưng ông nhanh chóng phát hiện ra vấn đề.

Thứ nhất, Quốc hội, vốn thận trọng với các cuộc can dự quân sự mới khi gần nửa triệu người Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam, dường như chắc chắn sẽ phản đối ý tưởng đó. Quốc hội mắc “hội chứng Vịnh Bắc Bộ” rất nặng, Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara cảnh báo. Nói cách khác, nhiều nhà lập pháp tin rằng bốn năm trước Thượng viện đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi cho phép tổng thống tiến hành chiến tranh ở Việt Nam sau khi các tàu chiến Mỹ bị tấn công ở Vịnh Bắc Bộ. Cuộc chiến ở Đông Nam Á đã sa lầy vào một bế tắc khó gỡ, và nước Mỹ dường như hoàn toàn không cần đến một thách thức quân sự khó khăn nào nữa ở xa bờ.

Ý tưởng của Johnson còn một vấn đề khác: Hành động táo bạo rất có thể sẽ kích động các đồng minh Ả Rập của Ai Cập trả đũa bằng cách chặn dòng dầu mỏ đến Hoa Kỳ và các đồng minh. Một lệnh cấm vận như vậy chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho các nền kinh tế phương Tây, nhưng Johnson và các trợ lý của ông còn một lý do cụ thể hơn để lo ngại: Hoạt động quân sự ở Việt Nam phụ thuộc vào dòng dầu mỏ – gần 200.000 thùng mỗi ngày – từ Trung Đông.

Cuối cùng, kế hoạch của Johnson phá sản, một phần vì tình hình rối ren của Mỹ cách đó nửa vòng trái đất. Hai tuần sau, một cuộc chiến lớn đã nổ ra giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập.

Sự kiện này đã minh họa sống động cho một khía cạnh trong trải nghiệm của Mỹ ở Việt Nam vốn thu hút sự chú ý trong nhiều năm nhưng trở nên đặc biệt rõ với các nhà hoạch định chính sách vào năm 1967: Sức mạnh và nguồn lực của Mỹ bị làm cho cạn kiệt ở Việt Nam đồng nghĩa với việc Washington có ít ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, và quân sự để định hình sự kiện ở các nơi khác trên thế giới – vấn đề không nhỏ ở một thời điểm mà bất ổn đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Đông, Mỹ Latinh, và Nam Phi, những khu vực mà người Mỹ xem là hết sức quan trọng trong việc theo đuổi Chiến tranh Lạnh.

Không cần nhiều trí tưởng tượng để thấy Chiến tranh Việt Nam có những ảnh hưởng to lớn ở Đông Nam Á, lên nước Mỹ, và thậm chí lên cả mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, hầu hết đều tự lánh mình khỏi cuộc chiến của Mỹ. Ít rõ ràng hơn nhiều là sự tổn hại đối với vai trò của Mỹ ở những khu vực ngày càng được biết đến với tên gọi là Thế giới thứ Ba.

Ảnh hưởng rõ ràng nhất của Chiến tranh Việt Nam, như trong giai đoạn trước cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1967, là làm giảm khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ. Một phần vấn đề là sự khan hiếm các lực lượng vào thời điểm Mỹ ngày càng bị phân tán giữa tình hình leo thang ở Việt Nam và những cam kết lâu dài là bảo vệ Tây Âu và Hàn Quốc. “Dù chúng ta giàu có và nhiều quyền lực,” Stuart Symington, một đảng viên Dân chủ có ảnh hưởng trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, khẳng định vào tháng 5 năm 1967, nước Mỹ vẫn có “rất ít cơ hội” để duy trì đủ lực lượng cho các cam kết hiện tại, chưa nói đến việc giải quyết “các rắc rối mới ở một số nơi khác trên thế giới.”

Quan trọng không kém là sự công nhận ngày càng lớn ở Nhà Trắng và Quốc hội rằng tranh cãi gia tăng về cuộc chiến ở Việt Nam khiến họ không thể nghĩ đến các sáng kiến táo bạo mới ở nước ngoài, dù là sáng kiến quân sự hay ngoại giao đơn thuần. Rồi còn có vấn đề khác nữa là làm sao tìm được nhân viên và chuyên gia để dành cho các nơi khác trên thế giới ở thời điểm Việt Nam đã thu hút hết sự chú ý của chính quyền.

Những người biểu tình chống chiến tranh cho rằng việc giảm hoạt động ở nước ngoài có thể là một bước đi đúng hướng, và chắc chắn họ có lý. Bằng mọi phép đo, Hoa Kỳ, bị sức mạnh vật chất và chính trị của mình kéo vào một cảm giác tự tin sai lầm, đã dàn trải quá mức các năng lực to lớn của mình vào giữa những năm 1960. Khi thực tế này lộ diện, việc từ bỏ cam kết năm 1961 của John F. Kennedy là “trả bất kỳ giá nào, gánh bất kỳ gánh nặng nào” để duy trì các nguyên tắc của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới có lẽ là tất yếu, dù có hay không có cuộc xung đột ở Việt Nam.

Nhưng nhìn lại, rõ ràng là việc đột ngột quay lưng với chủ nghĩa hành động và chủ nghĩa lý tưởng ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, và châu Mỹ Latinh đã tạo ra một trong những bi kịch ít được chú ý đến của Chiến tranh Việt Nam.

Dễ thấy nhất, cuộc chiến này đã ngăn các nhà lãnh đạo Mỹ gánh vác trách nhiệm dẫn đầu trong việc giải quyết những vấn đề lớn phát sinh sau năm 1965, bao gồm sự leo thang nhanh chóng của những căng thẳng Ả Rập-Israel. Nếu không có Chiến tranh Việt Nam, liệu chính quyền Johnson có thể có khả năng ngăn chặn cuộc chiến, hoặc giúp thiết kế một giải pháp có thể đưa khu vực theo hướng hòa bình hơn trong dài hạn hay không? Liệu nước Mỹ có thể xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn ở khu vực Nam Phi, nơi chính quyền Johnson gần như bị động trước những căng thẳng chủng tộc gia tăng đã gieo rắc hạt giống chủ nghĩa cực đoan hay không? Ở Nam Á, liệu chính quyền Johnson có thể có nhiều ảnh hưởng hơn để xoa dịu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, vốn đã bùng nổ thành một cuộc chiến mở năm 1965 và vẫn sôi sục kể từ đó hay không? Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào trả lời được những câu hỏi này, nhưng chúng vẫn trêu ngươi chúng ta.

Điều chắc chắn hơn là Chiến tranh Việt Nam đã làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên khắp thế giới các nước đang phát triển bằng cách đưa các chính phủ cũng như công chúng đến chỗ mất lòng tin vào nước Mỹ trong vai trò một người thúc đẩy phát triển và dân chủ đầy tham vọng. Trong lúc bom Mỹ rải xuống miền Bắc Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Ấn Độ, Ai Cập, Algeria, và nhiều quốc gia thuộc địa cũ khác đã lên án Washington vì tiến hành một cuộc chiến tàn bạo với một dân tộc khao khát giành độc lập, và họ đã tiến gần hơn đến khối Cộng sản. Đến những năm 1970, phần lớn thế giới Á-Phi đã dịch chuyển khỏi mối quan hệ tương đối nồng ấm của đầu những năm 1960 và trở nên công khai thù địch với Hoa Kỳ. Cái mất của Hoa Kỳ là cái được của Liên Xô.

Washington đã tìm cách củng cố vị thế của mình trong một thế giới ngày càng thù địch bằng cách thiết lập, hoặc trong nhiều trường hợp hơn, là thắt chặt quan hệ với Iran, Ả Rập Saudi, Indonesia, Brazil, Nam Phi, và các cường quốc khu vực khác mà Mỹ có thể tin tưởng là sẽ phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ để đổi lại sự ủng hộ chính trị và viện trợ quân sự của mình. Cách tiếp cận này là hợp lý đối với các nhà lãnh đạo ngày càng nhận thức được những giới hạn của quyền lực Mỹ, và vào năm 1969 chính quyền Nixon đã hệ thống hóa sự phụ thuộc vào các chế độ đáng tin cậy của mình thành “Học thuyết Nixon.” Vấn đề là các đối tác của Mỹ thường là các chế độ chuyên chế cánh hữu, dùng viện trợ của Mỹ để duy trì quyền lực của mình và cưỡng ép người dân của chính họ.

Đến giữa những năm 1970, những xu hướng này đã hội tụ thành một cơn bão vấn đề vô cùng tồi tệ đối với Washington. Chủ nghĩa chống Mỹ đã đạt đến những tầm cao mới ở nhiều nơi, và các phong trào xã hội mới trong lòng nước Mỹ và trên thế giới đã thách thức sụ phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các đối tác không đứng đắn như quốc vương Iran và tướng Augusto Pinochet ở Chilê. Cuba của Fidel Castro, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và các phong trào cấp tiến khác đã được tiếp thêm năng lượng từ chiến thắng của lực lượng cộng sản ở Việt Nam và phát động những cuộc nổi dậy chống lại lợi ích của phương Tây. Mỹ sẽ phải vật lộn với những diễn biến này trong nhiều năm sau đó, và đất nước này chưa bao giờ khôi phục được tầm ảnh hưởng mà nó đã nắm giữ ở phần lớn Thế giới thứ Ba trong đầu những năm 1960.

Mark Atwood Lawrence dạy lịch sử tại Đại học Texas ở Austin. Cuốn sách mới nhất của ông là The Vietnam War: A Concise International History (Oxford University Press, 2008).

Hình: Tàu khu trục USS Maddox, được cho là bị  tàu phóng ngư lôi của hải quân Bắc Việt Nam tấn công trong “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.

Xem thêm: Các bài khác trong series Vietnam 1967

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]