Nguồn: “Joseph Stalin attacks the United Nations,” History.com (truy cập ngày 16/02/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1951, trong một tuyên bố tập trung vào tình hình chiến tranh Triều Tiên, Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin cáo buộc rằng Liên Hiệp Quốc đã trở thành “một vũ khí của chiến tranh xâm lược.” Ông cũng cho rằng dù một cuộc chiến tranh thế giới không phải là không thể tránh khỏi “ở thời điểm hiện tại,” nhưng “những kẻ hiếu chiến” ở phương Tây có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột như vậy.
Những bình luận của Stalin để trả lời các câu hỏi từ báo Pravda (Sự thật) của Liên Xô là những tuyên bố công khai đầu tiên của ông về cuộc xung đột đã kéo dài gần một năm ở bán đảo Triều Tiên, nơi Hoa Kỳ, Hàn Quốc, và các quốc gia thành viên khác của Liên Hợp Quốc đã dàn trận để chống lại các lực lượng quân đội Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cộng sản.
Đưa ra chỉ hai tuần sau khi một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Trung Quốc là một bên xâm lược, tuyên bố của Stalin đã lật ngược tình thế bằng cách cáo buộc Liên Hợp Quốc đang “chôn vùi uy tín đạo đức của tổ chức này và tự đưa mình đến kết cục tan rã.”
Stalin cảnh báo rằng “những kẻ hiếu chiến” phương Tây, thông qua những hành động hung hăng của họ ở bán đảo Triều Tiên, sẽ “làm quần chúng mụ mị với những lời dối trá, lừa gạt họ, và kéo họ vào một cuộc thế chiến mới.” Và ông tự tin dự đoán rằng bất kể thế nào thì các lực lượng Trung Quốc ở Triều Tiên sẽ giành được chiến thắng bởi vì những đội quân chống lại họ thiếu tinh thần và quyết tâm cho cuộc chiến.
Bất chấp giọng điệu khá sắc bén của Stalin, giới quan sát phương Tây đã không quá lo ngại. Các cuộc công kích của Stalin về “quân xâm lược” phương Tây đã trở nên quá quen thuộc, và một số quan chức ở Washington cũng hài lòng với khẳng định của Thủ tướng Liên Xô rằng một cuộc thế chiến không phải là không thể tránh khỏi “ở thời điểm hiện tại.”
Trên thực tế, một số người đã nghi ngờ rằng việc Stalin lên án những hành động của Liên Hợp Quốc thực ra là một lời kêu gọi đàm phán ngầm thông qua sự bảo trợ của cơ quan này. Những ý kiến của Stalin, và sự xem xét kỹ lưỡng những ý kiến này ở phương Tây, đã góp thêm những bằng chứng cho thấy trong Chiến tranh Lạnh, các cuộc “khẩu chiến” cũng quan trọng gần như bất kỳ cuộc chiến nào trên thực tế.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]