Nguồn: “Joseph Stalin dies”, History.com (truy cập ngày 4/3/2016).
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1953, Joseph Stalin, lãnh đạo của Liên Xô từ năm 1924, đã qua đời tại Moskva.
Cũng giống như người đồng nhiệm cánh hữu của mình là Hitler, người sinh ra ở Áo, Joseph Stalin không được sinh ra tại đất nước nơi ông cai trị với một bàn tay sắt. Ioseb Dzhugashvili đã được sinh ra vào năm 1889 tại Gruzia, lúc đó là một phần của đế quốc Nga cũ. Là con trai của một người nghiện rượu vốn thường xuyên đánh đập ông một cách không thương tiếc và người mẹ làm nghề giặt quần áo và hết sức mộ đạo, Stalin đã học tiếng Nga, thứ ngôn ngữ mà ông nói với một chất giọng rất nặng suốt cuộc đời mình, tại một trường học do nhà thờ Chính thống giáo vận hành. Trong khi đang học để làm một linh mục ở Chủng viện Thần học Tiflis, Stalin bắt đầu bí mật đọc các tác phẩm của Karl Marx và các nhà tư tưởng cách mạng cánh tả khác. Lịch sử “chính thức” của đảng cộng sản nói rằng ông đã bị đuổi khỏi chủng viện cho sự nổi loạn về trí thức này; nhưng trong thực tế, có thể ông bị đuổi là do sức khỏe kém.
Năm 1900, Stalin trở nên tích cực hoạt động cách mạng, tham gia vào các cuộc biểu tình và đình công của công nhân. Stalin tham gia vào cánh theo hướng quân sự hơn của phong trào Dân chủ Xã hội Mác-xít, tức phe Bolshevik, và trở thành học trò của nhà lãnh đạo phe này, tức Vladimir Ilich Lenin. Stalin đã bị bắt bảy lần từ năm 1902 đến năm 1913, và đã bị tù và lưu đày.
Bước ngoặt lớn đầu tiên của Stalin đến vào năm 1912, khi Lenin, lúc đó sống lưu vong tại Thụy Sĩ, đưa ông vào Ủy ban Trung ương đầu tiên của Đảng Bolshevik – lúc đó đã là một thực thể tác biệt khỏi Đảng Dân chủ Xã hội. Năm sau nữa, Stalin (cuối cùng đã bỏ tên Dzugashvili và lấy tên mới là Stalin, trong tiếng Nga nghĩa là “thép”) đã xuất bản một bài báo về vai trò của chủ nghĩa Mác đối với số phận của nước Nga. Năm 1917, thoát khỏi tình trạng lưu đày ở Siberia, ông đã liên kết với Lenin và tiến hành cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân chủ của tầng lớp trung lưu vốn đã lật đổ chế độ Sa hoàng trước đó. Stalin tiếp tục leo lên trong Đảng, từ ủy viên phụ trách vấn đề dân tộc sang làm Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng – một vai trò vốn giúp ông thực hiện sự tiếp quản độc tài, cũng như tiến hành kiểm soát đảng và đất nước Liên Xô mới.
Trong thực tế, sau khi Lenin qua đời năm 1924, Stalin đã bắt đầu củng cố cơ sở quyền lực của mình, tiến hành các vụ xét xử công khai nhằm thanh trừng các kẻ thù và đối thủ, thậm chí cho ám sát cả Leon Trotsky khi ông đang lưu vong ở Mexico. Stalin cũng từ bỏ Chính sách Kinh tế Mới (NEP) của Lenin, chính sách bao gồm một mức độ phân cấp (phi tập trung hóa) ngành công nghiệp. Stalin đã yêu cầu và giành được quyền kiểm soát tuyệt đối của nhà nước đối với nền kinh tế, cũng như đời sống người dân Liên Xô, cho đến khi sự cai trị độc tài toàn trị của ông đối với đế chế Nga mới trở nên tuyệt đối.
Sau khi Thế chiến II bùng nổ, Stalin đã cố gắng liên minh với Adolf Hitler, và bất chấp những hậu quả chính trị của việc một người cộng sản ký một liên minh với một tên phát xít, hai bên đã ký một hiệp ước bất tương xâm cho phép mỗi nhà độc tài được cai trị tùy thích trong khu vực ảnh hưởng tương ứng của mình. Stalin sau đó tiến hành sáp nhập các bộ phận lãnh thổ của Ba Lan, Romania, và Phần Lan, và chiếm Estonia, Latvia và Litva. Vào tháng 5 năm 1941, ông đã tự phong mình làm chủ tịch của Hội đồng Ủy viên Nhân dân; giờ đây ông là người đứng đầu chính thức của chính phủ mà không còn chỉ đơn thuần là người đứng đầu của đảng. Một tháng sau đó, Đức xâm lược Liên Xô, tiến quân nhanh chóng trong giai đoạn đầu. Khi quân Đức đến gần, Stalin vẫn ở thủ đô, chỉ đạo một chính sách phòng thủ kiên cường và tự mình kiểm soát chiến lược của Hồng quân.
Trong quá trình chiến tranh, Stalin đã tham dự các hội nghị lớn của phe Đồng Minh, bao gồm những hội nghị ở Tehran (1943) và Yalta (1945). Ý chí sắt đá và kỹ năng chính trị khéo léo đã cho phép ông thể hiện vai trò đồng minh trung thành, trong khi không bao giờ từ bỏ tầm nhìn của mình về một đế chế Xô-viết mở rộng sau chiến tranh. Trong thực tế, sau khi Đức đầu hàng tháng Tư năm 1945, Stalin đã giám sát việc tiếp tục chiếm đóng và thống trị nhiều nước Đông Âu, bất chấp “lời hứa” tổ chức các cuộc bầu cử tự do ở những nước này.
Stalin đã không trở nên mềm mỏng hơn khi về già; ông tiếp tục tiến hành một triều đại của khủng bố, thanh trừng, hành quyết, và lưu đày đối với nhiều người tại các trại Gulag (một hệ thống các trại cưỡng bức lao động ở phương bắc giá lạnh), và tiến hành chính sách đàn áp ở Liên Xô sau chiến tranh, dập tắt mọi bất đồng chính kiến và bất cứ điều gì thể hiện ảnh hưởng của nước ngoài, nhất là Tây Âu. Trước sự thở phào nhẹ nhõm của nhiều người, ông qua đời vì một cơn đau tim nặng vào ngày 5 tháng 3 năm 1953. Cho tới ngày nay, Stalin được nhớ đến như là người đã cứu dân tộc mình khỏi sự cai trị của phát xít, và cũng là kẻ giết người hàng loạt của thế kỷ, người đã chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 8 đến 10 triệu người dân nước mình.
Xem thêm:
- Lý giải sự tàn bạo của Stalin
- Hitler và Stalin: “Liên minh ma quỷ”?
- Thảm họa nhân tạo xưa và nay: Từ Stalin tới Chavez
- Khrushchev mới là người giết chết chủ nghĩa cộng sản
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]