Nguồn: Jacek Rostowski, “The Great Populists”, Project Syndicate, 05/02/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Thách thức đầu tiên đối với bá quyền phương Tây sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở châu Âu là sự trỗi dậy của những nước thuộc nhóm BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – vào thập niên 2000. Tăng trưởng nhanh chóng và chiếm gần một nửa dân số thế giới, sự trỗi dậy của nhóm BRICS dường như có thể làm cán cân quyền lực bị dịch chuyển khỏi Mỹ và Tây Âu.
Ngày nay, nhóm BRICS không còn là một mối đe dọa địa chính trị lớn đến như vậy đối với châu Âu nữa. Nga, Brazil, và Nam Phi đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, và Trung Quốc cũng đang lung lay. Chỉ có Ấn Độ vẫn còn giữ được ánh hào quang. Nhưng giờ đây phương Tây tiếp tục chịu sức ép, bao gồm ngay ở trên sân nhà. Lần này, thách thức là về mặt chính trị chứ không phải kinh tế: sự trỗi dậy của những chính trị gia thích xung đột và coi thường luật pháp trong nước và quốc tế cũng như các lề thói dân chủ.
Tôi gọi những lãnh đạo như thế là các “PEKO” dựa vào bốn ví dụ điển hình nhất của loại lãnh đạo như vậy: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyep Erdogan, chính trị gia Ba Lan Jaroslaw Kaczynski và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Các PEKO không coi chính trị là việc quản lý các cảm xúc chung để đạt được những mục tiêu chính sách lớn: tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, phân chia thu nhập công bằng hơn, hay là an ninh, quyền lực, và uy thế quốc gia cao hơn. Ngược lại, họ coi chính trị như là những mưu đồ và sự thanh trừng không ngừng nghỉ nhằm bảo đảm quyền lực và quyền lợi cá nhân.
Các PEKO chia sẻ suy nghĩ của nhà cách mạng Nga Vladimir Lenin rằng “chính trị phải đứng trước kinh tế.” Đúng là họ coi trọng chính trị hơn tất cả các cân nhắc chính sách khác. Chính trị không phải là một phương tiện để đạt được mục đích, mà chính là thứ không khí họ hít thở, và các chính sách chỉ đơn thuần là các công cụ trong cuộc chiến không ngừng để bảo tồn sinh mạng (chính trị) của họ.
Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi coi các PEKO ngày nay tương đương với những “Nhà đại độc tài” (Great Dictators) của thập niên 1930. Các PEKO có thể theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng ý kiến của họ không tới mức lệch lạc như trong bối cảnh châu Âu trước Thế chiến I (điều này khác với những người phát xít ở Đức hay Tây Ban Nha).
Và chính sách kinh tế của họ cũng không hoàn toàn nhấn mạnh vai trò của nhà nước. Putin chắc chắn có hơi hướng nhấn mạnh vai trò của nhà nước, nhưng nếu Orban và Kaczynski xứng đáng nhận cái mác này, thì tổng thống Pháp Charles de Gaulle cũng vậy. Và Erdogan thực tế đã phá bỏ thứ chủ nghĩa nhà nước kiểu Kemal và đưa ra các chính sách thị trường tự do.
Sự khác biệt lớn nhất giữa những Nhà đại độc tài và các PEKO là các PEKO thường phải đối mặt với các cử tri. Đúng là nền chính trị mang tính đối đầu (hay cạnh tranh) có vai trò trọng tâm trong chiến lược sinh tồn của họ. Mỗi người trong số họ đã đạt được (hay duy trì) quyền lực bằng cách chia rẽ xã hội của họ và vận động lực lượng cử tri trung thành với mình.
Phong cách chính trị của các PEKO được nâng đỡ bởi hệ thống truyền thông hiện đại, vì cạnh tranh để đạt được khán giả nên đã đơn giản hóa và giật gân hóa các vấn đề. Những phát ngôn và lập trường đối nghịch thường được truyền thông đưa tin nhiều hơn. Điều này giúp các chính trị gia mang lập trường ngược chiều có lợi thế cực kỳ mạnh mẽ, và tạo nên sự chia rẽ cử tri mà từ đó các PEKO đắc lợi.
Chiến lược chính trị này rõ ràng là hiệu quả. Ví dụ như ở Nga, mức lương thực tế đã giảm hơn 9% vào năm 2015, và tỷ lệ gia đình người Nga không thể trang trải đủ cơm ăn và quần áo đã tăng lên từ 22% lên 39%. Dù vậy tỷ lệ ủng hộ Putin vẫn ở mức 80%.
Khác với sự trỗi dậy của nhóm BRICS, điều đem đến nhiều cái lợi cho nền kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của các PEKO là một mối đe dọa thật sự – đặc biệt khi họ bắt đầu áp dụng phong cách mang tính đối đầu của họ sang lĩnh vực ngoại giao và quản lý kinh tế toàn cầu. Các công ty quốc tế nên lo ngại về điều này. Vì đã mở rộng kinh doanh khắp thế giới trong một phần tư thế kỷ sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các công ty này đã trở nên phụ thuộc vào sự ổn định dựa vào luật lệ và hội nhập kinh tế. Vận may kinh doanh của họ sẽ phụ thuộc vào việc phát triển những chiến lược để tránh (hay ít ra là phòng hộ trước) những rủi ro mới do các PEKO gây nên.
Tệ hơn nữa, hiệu ứng PEKO dường như đã có thể lan đến trung tâm của phương Tây. Các ví dụ bao gồm các nhà dân tộc chủ nghĩa Scotland và Catalan cũng như các chính trị gia Anh đang vận động để rút Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Những người vận động cho những mục tiêu này đã coi thường đến mức gây sốc những thiệt hại kinh tế mà những điều họ vận động sẽ gây ra cho xã hội.
Tương tự như thế, trong ít nhất hai nền dân chủ lớn ở phương Tây, các ứng cử viên khát khao nhất trong việc giành được các vị trí cao nhất đang hành xử như các PEKO: đó là ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Mặt trận Quốc gia (Pháp) Marine Le Pen, người sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2017. Nếu họ thành công, thì những mối nguy cho sự ổn định toàn cầu sẽ tăng mạnh.
Jacek Rostowski là Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2013.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Great Populists
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]