Kevin Rudd nói về nước Úc và trật tự thế giới mới

Print Friendly, PDF & Email

643827-kevin-rudd

Nguồn: Maurits Elen, “Interview: Kevin Rudd”, The Diplomat, 18/02/2016.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cựu Thủ tướng Australia bàn về sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung và vai trò của nước Úc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Kevin Rudd là chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á (ASPI). Trước đó, với tư cách Thủ tướng (2007-2010, 2013) và Ngoại trưởng Úc (2010-2012), ông Rudd đã rất tích cực trong vai trò lãnh đạo chính sách đối ngoại khu vực và toàn cầu; ông được cho là một ứng cử viên khả dĩ cho vai trò Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ông bắt đầu sự nghiệp trong vai trò một nhà ngoại giao và một học giả kỳ cựu về Trung Quốc, ông thông thạo tiếng Quan thoại. The Diplomat mới đây đã phỏng vấn vị cựu thủ tướng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và trật tự thế giới đang thay đổi.

The Diplomat: Một trật tự thế giới lưỡng cực đang ló dạng, với Hoa Kỳ ở phương Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Sự chuyển tiếp này mang lại những thách thức nào?

Tương lai của trật tự thế giới là vấn đề trung tâm của quan hệ quốc tế. Giới lý luận chiến lược tại Bắc Kinh và Washington hiểu điều này. Nhưng việc hài hòa hóa các khái niệm về trật tự của Trung Quốc với các khái niệm phương Tây vốn rất khác nhau vẫn là một thách thức cơ bản. Bắc Kinh vẫn chưa làm rõ kế hoạch chi tiết cho tương lai của trật tự toàn cầu, nhưng bản phác thảo của họ thì rõ ràng. Bằng ngôn ngữ gay gắt khác thường, Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc đã tham gia vào “một cuộc đấu tranh để định hình trật tự quốc tế” hồi năm 2014. Tập nhấn mạnh “tính đa cực”, điều được hiểu là một sự chuyển đổi thoát khỏi “khoảnh khắc đơn cực” ngắn ngủi của Hoa Kỳ. Chúng ta vẫn chưa sống trong một trật tự thế giới lưỡng cực như từng tồn tại trong thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng mối nguy của việc trật tự thế giới chia thành hai phe là thực tế và đang lớn dần lên. Một sự chuyển giao quyền lực về lâu dài từ Tây sang Đông thách thức hầu hết các định kiến của ​​phương Tây lâu nay. Trên hết, nó thách đố khả năng Washington và Bắc Kinh cộng tác với nhau để duy trì, củng cố và cải cách trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc chống lại các thế lực đang tìm cách làm nó bị xói mòn.

The Diplomat: Một trong những điều đầu tiên ngài làm trên cương vị Thủ tướng Úc là ký Nghị định thư Kyoto. Hồi cuối tháng 12, Hiệp định chống biến đội khí hậu Paris được ký tạo nên một ví dụ tốt về khả năng các cường quốc toàn cầu có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai chung như thế nào. Trong những lĩnh vực cụ thể nào ngài nghĩ là Hoa Kỳ và Trung Quốc cần chung tay để định hình một thế kỷ 21 ổn định hơn?

Quan hệ đối tác Mỹ-Trung phát triển giúp cho Hiệp định Paris trở nên khả dĩ, và định hình kết quả cuối cùng của hiệp định. Từ cuối năm 2014, Hoa Kỳ và Trung Quốc theo đuổi các bước hợp tác ngày càng cao để giảm lượng khí thải của họ, và qua đó gửi tín hiệu cho các nước khác rằng họ xem xét chuyện biến đổi khí hậu rất nghiêm túc. Do quy mô của nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng năng lực dẫn đầu các cách tân của họ, mở rộng quan hệ đối tác Mỹ-Trung là một trong những điều quan trọng nhất nhằm đối phó với thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu. Họ có thể làm điều đó bằng cách cộng tác để tháo gỡ các rào cản sở hữu trí tuệ đối với chia sẻ công nghệ, thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, và liên tục đẩy mạnh mục tiêu giảm lượng khí phát thải của họ.

The Diplomat: Giấc mơ Mỹ, và gần đây hơn là Trung Quốc mộng, đã được mọi người biết đến. Ngài từng nói về một giấc mơ cho cả nhân loại. Viễn tượng của ngài về giấc mơ này là gì và nó liên quan đến Trung Quốc ra sao?

Tinh thần của giấc mơ Mỹ thì mọi người biết rõ rồi, Trung Quốc mộng mới bắt đầu nổi lên, và việc Trung Quốc cùng Hoa Kỳ có thể cộng tác với nhau để đạt được “Giấc mơ cho mọi người” ra sao sẽ rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Bắc Kinh và Washington định hình tương lai của họ như thế nào không chỉ tác động đến hai nước này. Nó tác động đến tất cả chúng ta, theo những cách chắc chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến: không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, cá chúng ta ăn, chất lượng các đại dương, ngôn ngữ chúng ta nói trong tương lai, công việc chúng ta làm, hệ thống chính trị chúng ta chọn, và tất nhiên, vấn đề quan trọng về chiến tranh và hòa bình nữa.

Chúng ta có thể phác thảo thế nào về một cơ sở cho một tương lai chung giữa hai nước? Tôi lập luận đơn giản thế này: chúng ta có thể làm điều đó trên cơ sở khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực mang tính xây dựng cho mục đích chung. Một khuôn khổ như vậy cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc phải thực tế về những gì họ bất đồng và kiềm chế để các vấn đề đó không châm ngòi cho xung đột, hoặc gây tổn hại cho mối quan hệ song phương. Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể giải quyết mọi khác biệt trong ngắn hạn, họ vẫn có thể mang tính xây dựng trong các can dự song phương, khu vực và toàn cầu. Nếu họ có thể làm điều đó, họ sẽ có thể thực hiện được “một giấc mơ cho cả nhân loại.”

The Diplomat: Theo quan điểm của ngài, Úc phải làm thế nào để đáp ứng lại các động lực giữa các cường quốc đang chuyển đổi ở châu Á-Thái Bình Dương? Úc có thể đóng vai trò của một nhân tố ổn định hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không? Ngài xác định vai trò của nước Úc ra sao trong một trật tự thế giới lưỡng cực?

Đối với câu hỏi đầu, vai trò của nước Úc tốt nhất là đại diện cho phương Đông ở phía Tây và cho phương Tây ở phía Đông. Sự biến đổi địa chính trị lớn nhất kể từ Thế Chiến II đang diễn ra ngay ngưỡng cửa nước Úc. Về quan hệ Mỹ-Trung, nước Úc chớ mong đóng vai trò như một trung gian hòa giải trong quan hệ song phương của hai nước. Thay vào đó, Úc nên tìm cách giảm thiểu tối đa các lĩnh vực cạnh tranh chiến lược trong các hành động ngoại giao của bản thân, ví dụ bằng cách hành động như một cầu nối cho ngoại giao quốc phòng để xây dựng lòng tin, sự tín nhiệm và tính minh bạch. Về câu hỏi sau, hãy còn sớm để nói về một trật tự thế giới lưỡng cực. Tính lưỡng cực chắc chắn là đặc trưng của  trật tự thế giới thời Chiến tranh Lạnh, với sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị khổng lồ tập trung ở Washington, Moscow cùng phe phái của mỗi bên. Điều này không đúng vào năm 2016, vốn đang hướng tới tính đa cực nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế. Chính vai trò của mỗi nước cẩn trọng, gồm cả nước Úc, sẽ giúp đảm bảo trật tự thế giới không quay lại cấu trúc lưỡng cực và logic tổng bằng không của Chiến tranh Lạnh.

The Diplomat: Úc đã ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ khởi xướng. Úc cũng tham gia cuộc đàm phán tương đối ít được biết đến hơn là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc đã được xem là nước đầu tàu của RCEP. Sự tham gia của Úc vào cả hai hiệp định thương mại nói lên lập trường gì của Úc ở châu Á-Thái Bình Dương khi có vẻ có một sự cạnh tranh giữa TPP và RCEP?

Sự phân đôi các khối thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương là một thách thức quan trọng đối với sự hội nhập khu vực. Theo truyền thống, tự do hoá thương mại là một lực lượng thúc đẩy sự thống nhất trong nền chính trị thế giới. Hiện nay, sự nảy nở các chương trình nghị sự thương mại thay thế, bao gồm TPP và RCEP, làm tăng nguy cơ khiến châu Á rạn nứt hơn nữa về kinh tế và, chung cuộc, về địa chính trị. Vì lý do này, Viện Chính sách Hội châu Á mà tôi đứng đầu đang soạn thảo các đề xuất để đảm bảo khu vực này không bị các lực lượng kinh tế ly tâm làm tan rã. Nước Úc, cũng như các cường quốc bậc trung khác của khu vực, có lợi ích rõ rệt trong việc đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra. Đó không phải là một sự lựa chọn giữa TPP và RCEP. Đó là sự lựa chọn giữa hội nhập với phân ly kinh tế.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]