Djibouti: Điểm hẹn của các siêu cường

Print Friendly, PDF & Email

20160409_map503

Nguồn: The superpowers’ playground, The Economist, 09/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Huyền & Vũ Hồng Trang

Cứ đến 2 giờ chiều, cuộc sống bắt đầu dừng lại tại đất nước Châu Phi nhỏ bé mang tên Djibouti. Mặt trời thiêu đốt trên cao khiến người dân phải về nhà tránh nắng, ngoại trừ một số ít người nằm tận hưởng bóng râm trên các lối đi được xây từ thời thuộc địa, nhai lá qat (một loại lá gây kích thích – NBT) để rồi chìm vào trạng thái ngà ngà say.

Trong cái nóng dễ đưa người ta vào giấc ngủ, sẽ là điều dễ hiểu nếu cho rằng thời gian đã bỏ quên đất nước có kích thước chỉ bằng tiểu bang New Jersey này. Tuy nhiên sự ổn định yên bình dù nằm ở khu vực Sừng Châu Phi đầy biến động lại khiến quốc gia chỉ với 875.000 dân này trở thành nơi tập trung của các siêu cường.

Quốc kỳ Mỹ phấp phới trên đường băng nơi các chuyến bay quân sự và dân sự hạ cánh:  Trại Lemmonier là căn cứ quân sự thường thực duy nhất của Mỹ tại Châu Phi với 4.500 binh lính và các nhà thầu, những người thực hiện sứ mệnh chống lại al-Qaeda ở Yemen và al-Shabab ở Somalia.

Tiền đồn này, được thuê với giá 60 triệu đô la Mỹ một năm, sử dụng chung một đường băng với sân bay quốc tế. Tuy nhiên, sau vụ rơi máy bay vào khu dân cư năm 2011,  các máy bay không người lái của họ ngày nay đều cất cánh từ một sân bay trong sa mạc cách đó 8 dặm.

Djibouti cũng là nơi có sự hiện diện quân sự lớn nhất của Pháp ở nước ngoài (Pháp vẫn duy trì thỏa thuận bảo đảm quốc phòng cho thuộc địa cũ này); căn cứ bên ngoài lãnh thổ duy nhất của Nhật Bản; của binh lính Tây Ban Nha và Đức thuộc lực lượng chống cướp biển của EU, những người đang trú quân tại các khách sạn Kempinski và Sheraton hào nhoáng. Cũng có cả tin đồn rằng Ả-Rập Xê-út và Ấn Độ, giống như Nga, cũng đang quan tâm đến việc thiết lập tiền đồn tại đây.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng căn cứ hải ngoại đầu tiên của mình không đâu khác ngoài Djibouti, nơi họ sẽ trả khoản tiền thuê khiêm tốn hàng năm vào khoảng 20 triệu đô la Mỹ. Đó được cho là một trung tâm hậu cần cho các hoạt động chống cướp biển và sơ tán công dân từ các điểm nóng như Yemen, nằm chỉ cách eo biển Bab el-Mandeb 20 dặm.

Một số quan chức phương Tây lo ngại rằng có thể Trung Quốc đang nung nấu những kế hoạch lớn hơn. Trong tương lai, việc các nước bất đồng với nhau nhưng cùng tiến hành các chiến dịch quân sự từ cùng một không gian chung chật chội có thể gây bất tiện.

Dù vậy, đất nước sa mạc nhỏ bé này không muốn chỉ là sân chơi của các siêu cường; họ có tham vọng trở thành Dubai hoặc Singapore tại cửa ngõ của Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Robleh Djama Ali, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Cơ quan chuyên trách Cảng biển và Khu vực tự do Djibouti cho biết: “Chúng tôi không có bất cứ điều gì khác ngoài địa thế”.

20160409_MAM963
Vị trí địa lý của Djibouti

Có lẽ việc thiếu tài nguyên thiên nhiên của nước này là ngẫu nhiên, nhưng vị trí đắc địa của nó, nằm giữa Eritrea, Ethiopia và Somalia, thì không phải là tình cờ. Pháp muốn có một cảng biển để cạnh tranh với Aden, thuộc địa của Anh ở bờ bên kia Biển Đỏ. Gần đây, cảng này càng trở nên được nhắm tới nhiều hơn.

Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã đưa quân đội Mỹ tới khu vực này. Cướp biển Somalia đã mang thêm binh sĩ EU tới. Cuộc chiến Ethiopia-Eritrea từ năm 1998 đến 2000 đã khiến Ethiopia không còn được tiếp cận các cảng biển thông qua nước láng giềng Eritrea nữa. Hiện tại, 90% lượng nhập khẩu của Ethiopia là qua Djibouti, chiếm 90% lượng lưu thông qua các cảng biển nước này.

Tăng trưởng hai con số của Ethiopia trong thập niên qua đã làm thay da đổi thịt cho Djibouti. Khoảng 9,5 tỷ đô la Mỹ từ các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng đang được triển khai, bao gồm việc xây thêm 4 cảng biển, 2 sân bay quốc tế mới, 2 đường ống dẫn dầu, và một tuyến đường sắt đến Ethiopia (như các bộ trưởng hứa hẹn, tuyến đường sắt sẽ được khai trương trong vòng vài tuần tới). Các dự án trị giá 9,7 tỷ đô la khác vẫn chưa được cấp vốn. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của điều này, cần tính tới việc GDP của Djibouti chỉ là 1,6 tỷ đô vào năm 2014.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Djibouti, phần lớn thông qua các khoản vay ưu đãi. Các quan chức không tiết lộ  chính xác khoản nợ với Trung Quốc, nhưng cả IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Phi đều cảnh báo về số nợ công của họ, theo dự đoán sẽ tăng vọt từ mức 60,5% GDP năm 2014 lên 80% vào năm 2017. Bộ trưởng Tài chính Ilyas Moussa Dawaleh tỏ ra không hề nao núng: “Những gì chúng tôi đang nhận được từ Trung Quốc quan trọng hơn từ bất kỳ đối tác lâu dài nào khác”.

Sự bùng nổ kinh tế không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Các cảng biển chiếm tới 70% GDP, nhưng chỉ tạo ra vài nghìn việc làm. Liên Hợp Quốc ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở mức 60%, cho dù ông Dawaleh tuyên bố con số thực ra chỉ bằng một nửa (Số liệu của Djibouti luôn rất chắp vá).

Nạn mù chữ đang ở mức 45%. Tình trạng thiếu việc làm được bù đắp bởi các hệ thống hỗ trợ truyền thống; một người đi làm có thể chu cấp cho cả một gia đình lớn. Vì vậy, cũng có thể nói chỉ cần thuê một công chức, chính phủ đã có thể mua được lòng trung thành của 30 người.

Bất đồng chính kiến đang diễn ra âm ỉ. Các nhân vật thuộc phe đối lập khẳng định cảnh sát đã giết chết 19 người tại một buổi lễ tôn giáo vào tháng 12 năm 2015 (Chính phủ công bố chỉ có 7 người thiệt mạng).

Vào đầu tháng 3, Tòa án tối cao Anh Quốc đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng của chính phủ Djibouti đối với ông Abdourahman Boreh, một doanh nhân giàu có, đồng thời là cánh tay phải của Tổng thống Ismael Omar Guelleh, cho tới khi ông Boreh chất vấn kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ 3 của vị tổng thống hồi năm 2011.

Djbouti sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 8 tháng 4, nhưng việc tái cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông Guelleh là kết quả đã được dự tính trước; phe đối lập, một liên minh cồng kềnh gồm bảy đảng, đã cử ra hai ứng viên để cạnh tranh cho vị trí này.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]