10/06/1940: Na Uy đầu hàng phát-xít Đức

quisling

Nguồn: Norway surrenders to Germany”, History.com (truy cập ngày 10/6/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1940, sau hai tháng kháng cự một cách tuyệt vọng, những binh lính còn sống người Na Uy và người Anh cuối cùng giúp phòng thủ Na Uy đã bị quân Đức áp đảo, và nước này buộc phải đầu hàng Đức Quốc xã.

Hai tháng trước đó, vào ngày 9 tháng Tư, Phát-xít Đức đã phát động cuộc xâm lược vào Na Uy, chiếm được một số địa điểm chiến lược dọc theo bờ biển Na Uy. Trong giai đoạn ban đầu của cuộc xâm lược, lực lượng phát xít Na Uy dưới quyền Vidkun Quisling đã đóng vai trò làm “đạo quân thứ năm” cho quân xâm lược Đức, chiếm giữ các trung tâm đầu não của Na Uy, lan truyền các tin đồn sai sự thật, và đánh chiếm các căn cứ quân sự và các địa điểm khác.

Vidkun Quisling từng là bộ trưởng quốc phòng Na Uy giai đoạn 1931-1933, và vào năm 1934 đã rời đảng cầm quyền nhằm thành lập đảng Nasjonal Samling, tức Đảng Thống nhất Quốc gia, học theo Đảng Quốc xã của Adolf Hitler. Mặc dù Na Uy tuyên bố trung lập lúc Thế chiến II bùng nổ nhưng Đức Quốc xã coi việc chiếm đóng Na Uy là một điều cần thiết về mặt chiến lược và kinh tế.

Vào mùa xuân năm 1940, Vidkun Quisling sang Berlin để gặp bộ tự lệnh của Đức Quốc xã và lên kế hoạch giúp Đức chinh phục đất nước mình. Ngày 9 tháng Tư, các lực lượng hỗn hợp của Đức đã tấn công vào Na Uy mà không báo trước, và tới ngày 10 tháng 6 Hitler đã chinh phục được Na Uy và khiến các lực lượng Đồng Minh phải tháo chạy khỏi nước này.

Mặc dù Quisling là người đứng đầu của đảng chính trị duy nhất được Đức Quốc xã cho phép hoạt động, nhưng sự chống đối ông ta ở bên trong Na Uy lớn tới mức phải đến tháng 2 năm 1942 ông ta mới có thể chính thức thành lập một chính phủ bù nhìn ở Oslo. Dưới quyền kiểm soát của Ủy viên Quốc xã là Josef Terboven, Quisling đã thiết lập một chế độ đàn áp, ra tay tàn nhẫn với những người chống lại nó.

Tuy nhiên, phong trào kháng chiến của Na Uy đã sớm trở thành phong trào hiệu quả nhất trong tất cả các phong trào ở phần châu Âu mà Đức Quốc xã chiếm đóng, và thẩm quyền của Quisling nhanh chóng suy yếu. Sau sự đầu hàng của Đức vào tháng 5 năm 1945, Quisling đã bị bắt, bị kết tội phản quốc và xử bắn. Tên của ông ta đã được dùng làm từ chỉ “kẻ phản bội” trong một số ngôn ngữ khác nhau.

Hình: Chân dung Vidkun Quisling.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]