Mật ước Sykes-Picot đổ vỡ sau 100 năm tồn tại

sykespicotmap

Nguồn: Joschka Fischer, “Sykes-Picot, Middle East Underwriter, Dead at 100”, Project Syndicate, 23/05/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 16 tháng 5 năm 1916, ngay giữa Thế chiến I, Anh và Pháp đã ký một mật ước ở London. Thỏa thuận với tên gọi chính thức là Hiệp định Tiểu Á (Asia Minor Agreement), do hai nhà ngoại giao Mark Sykes và François Georges-Picot đàm phán, đã xác định số phận và trật tự chính trị ở Trung Đông kể từ đó. Nhưng chẳng bao lâu nữa điều này sẽ thay đổi.

Cách đây một thế kỷ, những cường quốc sẽ sớm giành chiến thắng ở châu Âu, quan tâm đến việc phân chia khu vực (lúc bấy giờ là phần lãnh thổ của Đế chế Ottoman), đã vẽ một “đường trên cát” (như tác giả James Barr mô tả) trải dài từ cảng Acre trên bờ Địa Trung Hải thuộc miền Nam Palestine tới Kirkuk ở phía Bắc Iraq, sát biên giới với Iran. Tất cả lãnh thổ nằm phía bắc đường kẻ, cụ thể là Libăng và Syria, sẽ thuộc về Pháp. Các lãnh thổ nằm phía nam gồm Palestine, Transjordan và Iraq sẽ thuộc về Anh, nước chủ yếu tìm cách bảo vệ lợi ích của mình dọc Kênh đào Suez, tuyến hàng hải chính dẫn tới Ấn Độ thuộc Anh (British India).

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Vương quốc Anh cũng đang đàm phán với những người Ả-rập từng ủng hộ Anh và Pháp trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ cai trị Ottoman, và người đầu tiên Anh muốn thương thuyết là thủ hiến Mecca Hussein bin Ali. Anh hứa sẽ dành Syria cho Hussein nếu quân đội đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, theo thỏa thuận Sykes-Picot, Syria lại được trao cho Pháp. Vậy là, một trong hai bên chắc chắn đã bị lừa dối và “nẫng tay trên” trong việc phân chia chiến lợi phẩm giành được, và điều hiển nhiên ngay từ đầu đó là những người Ả-rập yếu thế hơn vốn đang đấu tranh giành độc lập.

Thỏa thuận ngầm giữa Sykes và Picot sau đó dẫn tới sự hình thành các nhà nước vốn phục vụ lợi ích địa chính trị của các cường quốc thực dân châu Âu, chứ không phải các thực thể dân tộc, xã hội và tôn giáo trong khu vực. Các nước theo Thiên chúa giáo của châu Âu – những người từng bất chấp cam kết của mình đối với nền độc lập của người Ả-rập – đã áp đặt một trật tự chính trị lên khu vực Trung Đông theo đạo Hồi, và đó chính là nguồn cơn của một thế kỷ chiến tranh và xung đột.

Trong thế giới các quốc gia Ả-rập, cú sốc trước sự bội ước và sự thất bại của phong trào dân tộc vẫn còn dư âm. Nhưng Sykes và Picot đã giúp hai đồng minh lớn (Anh và Pháp) hòa giải ổn thỏa, và trật tự khu vực mà hai bên tạo ra sau nhiều thế kỷ cai trị của đế chế Ottoman đã tiếp tục tồn tại. Những ông lớn của châu Âu là Anh và Pháp đã thay thế vị trí của Sublime Porte (triều đình Ottoman), bảo đảm cho trật tự này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quốc gia ủy nhiệm trong khu vực.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò người bảo lãnh cuối cùng trong hệ thống Sykes-Picot. Tuy nhiên, với bài học rút ra sau khi can thiệp vào Iraq năm 2003 và việc “gieo rắc” hỗn loạn ở những nơi khác, Mỹ đã phải rút quân và giảm bớt sự hiện diện của mình tại khu vực. Chính điều này đã khiến hệ thống Sykes-Picot bắt đầu đổ vỡ.

Điều này lý giải vì sao các cuộc khủng hoảng lớn ở Trung Đông lại diễn ra ngay tại những khu vực trung tâm trong Thỏa thuận Sykes-Picot: Syria, Libăng và Iraq. Lúc này, “vấn đề người Kurd” lại tiếp tục nổi lên.

Chỉ Israel và Jordan có vẻ ổn định, nhưng chỉ là “có vẻ” thôi. Nếu Israel và Palestine không hòa giải với nhau, việc những thùng thuốc súng Palestine một lần nữa bùng cháy chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự ổn định của Jordan chủ yếu phụ thuộc vào lòng trung thành của quân đội, và các nhóm Ả-rập du cư (Bedouin tribes) đối với nền quân chủ, cũng như nhờ đội ngũ mật vụ xuất sắc của nước này. Song, những điều này vẫn chưa đủ tạo ra một nền tảng vững chắc, đặc biệt là khi các biến đổi to lớn đang xảy ra tại hai nước láng giếng Iraq và Syria .

Hai quốc gia này hiện đang là tâm điểm của cuộc chiến xác định lại trật tự Trung Đông hậu Sykes-Picot. Iraq và Syria từng trải qua tình trạng bất ổn kéo dài khi những nhà độc tài của đảng Ba’ath thế tục nắm quyền, đối mặt với tầng lớp dân chúng đa số trung thành với một nhánh Hồi giáo đối địch, bên cạnh một bộ phận đông đảo người Kurd, những người vẫn hằng mơ về nền độc lập.

Trật tự hậu Sykes-Picot sẽ là kết quả của cuộc chiến trong những năm tới giữa các cường quốc khu vực, trước hết là Iran và Ả-rập Xê-út, với những nhóm phụ chiến có động cơ tôn giáo của hai bên như lực lượng Hezbollah dòng Shia hay Nhà nước Hồi giáo theo dòng Sunni. Bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ phương Tây sẽ chỉ càng làm tình hình xấu đi mà thôi.

Thời đại sử dụng quân sự khi cần để duy trì kiểm soát Trung Đông của các ông lớn phương Tây không còn nữa. Không phải các thế lực bên ngoài (ví dụ như Nga), mà chính các lực lượng trong khu vực sẽ thiết lập một trật tự mới ở Trung Đông từ những gì còn sót lại của hệ thống Sykes-Picot. Đến khi các cuộc chiến ủy nhiệm như đang diễn ra ở Syria kết thúc, Thỏa thuận Sykes-Picot sẽ chỉ còn là lịch sử.

Song, trật tự mới có thể sẽ không sớm lộ diện, bởi không một nước nào trong khu vực đủ mạnh để áp đặt ý chí lên các nước khác. Nếu họ lựa chọn một cuộc đấu tranh vô nghĩa để giành quyền bá chủ, thì Trung Đông sẽ phải đối mặt với thảm kịch nhân đạo và chính trị mới. Cuối cùng, khi các bên đã hoàn toàn kiệt quệ, họ sẽ buộc phải hòa giải và thực hiện các bước đi đầu tiên theo hướng dàn xếp hòa bình trong khu vực.

Điều rõ ràng là: Một đột phá dẫn tới trật tự mới càng lâu diễn ra thì người dân càng thêm cùng cực. Quá trình “Ban-căng hóa” dai dẳng ở Trung Đông sẽ chỉ dẫn tới tình cảnh cơ cực và đau thương, tạo ra một quả bom hẹn giờ khổng lồ đối với nền hòa bình thế giới. Với những nước ngoài khu vực, họ chỉ hi vọng duy nhất một điều rằng không ai ở khu vực Trung Đông thực sự muốn điều đó xảy ra.

Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005, nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999 và sau đó là phản đối cuộc chiến ở Iraq.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Sykes-Picot, Middle East Underwriter, Dead at 100
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]