Nguồn gốc thảm họa kinh tế của Venezuela

venez2

Nguồn: Ricardo Hausman, “Overdosing on Heterodoxy Can Kill You”, Project Syndicate, 30/05/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, người ta đã quá quen với việc ca thán các nhà kinh tế vì đã không dự đoán được thảm họa này, đưa ra các giải pháp phòng ngừa sai lệch, hoặc thất bại trong việc khắc phục khủng hoảng sau khi nó xảy ra. Người ta liên tiếp kêu gọi một tư duy kinh tế mới và điều này là thích đáng. Thế nhưng, những điều mới có thể không tốt và những cái tốt lại chưa chắc đã mới.

Dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Văn hóa Trung Quốc là một nhắc nhở về điều gì có thể xảy ra khi tất cả những quan điểm chính thống bị ném ra ngoài cửa sổ. Thảm họa hiện nay tại Venezuela là một minh chứng khác: Một quốc gia đáng lẽ phải giàu mạnh đang phải chịu đựng cuộc suy thoái trầm trọng nhất thế giới, lạm phát cao nhất và sự sa sút nặng nề các chỉ số xã hội. Người dân Venezuela dù sống trên trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng lại đang đói khát và chết dần vì thiếu thực phẩm, thuốc men.

Khi thảm họa còn âm ỉ, Venezuela đã được tán dương bởi tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh, Lãnh đạo Công Đảng Anh Jeremy Corbyn, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Mỹ và một số tổ chức khác nữa.

Vậy thế giới nên học được điều gì từ việc sa sút dẫn tới thảm họa của Venezuela? Nói ngắn gọn, Venezuela chính là điển hình về sự nguy hiểm khi bác bỏ các nguyên tắc kinh tế nền tảng.

Một trong những nguyên tắc nền tảng đó chính là ý tưởng rằng để đạt được các mục tiêu xã hội, việc sử dụng thị trường sẽ tốt hơn là áp chế nó. Xét cho cùng, thị trường về bản chất là một hình thức tổ chức tự thân thông qua đó mọi người cố gắng kiếm sống bằng cách làm những việc mà người khác thấy có giá trị. Ở hầu hết các nước, mọi người mua thực phẩm, xà phòng, giấy vệ sinh mà không vấp phải cơn ác mộng về chính sách quốc gia như tại Venezuela.

Nhưng giả sử nếu bạn không thích các kết quả do thị trường mang lại thì sao? Các học thuyết kinh tế tiêu chuẩn đề xuất ý tưởng rằng bạn có thể tác động lên các kết quả đó qua việc đánh thuế một số giao dịch, chẳng hạn như thuế khí thải nhà kính, hoặc đưa tiền (trợ cấp) cho một vài nhóm người nhất định, trong khi để mặc thị trường tự điều tiết.

Một quan điểm truyền thống khác, có từ thời Saint Thomas Aquinas, cho rằng giá cả nên “công bằng”. Nền kinh tế đã cho thấy đó thực sự là một ý tưởng rất tệ, bởi vì giá cả là một hệ thống thông tin tạo ra động lực cho người cung cấp lẫn khách hàng nhằm quyết định thứ gì cần sản xuất hoặc mua với số lượng bao nhiêu. Việc khiến giá cả phải “công bằng” đã triệt tiêu chức năng trên của thị trường, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng thiếu hụt thường xuyên.

Tại Venezuela, Luật về Chi phí và Giá cả Công bằng là một lý do khiến người nông dân không trồng trọt. Vì lý do này, các công ty chế biến nông sản đóng cửa. Nói chung, việc kiểm soát giá dẫn tới tình trạng hàng hóa bị đưa vào chợ đen. Từ đó Venezuela, quốc gia có hệ thống kiểm soát giá rộng nhất thế giới, cũng có mức lạm phát cao nhất – đi kèm với đó là việc cảnh sát phải luôn nỗ lực để tống giam các nhà bán lẻ vì đầu cơ tích trữ hàng hóa, thậm chí phải đóng cửa đường biên giới để ngăn buôn lậu.

Định giá hàng hóa (một cách hành chính) là con đường ngắn nhất dẫn tới thất bại. Con đường dài hơn dẫn tới kết cục đó là trợ giá hàng hóa để mức giá thấp hơn chi phí sản xuất.

Những khoản trợ cấp gián tiếp như thế có thể nhanh chóng tạo ra một mớ hỗn độn khổng lồ về kinh tế. Tại Venezuela, việc trợ giá khí đốt và điện lớn hơn cả ngân sách dành cho giáo dục và y tế gộp lại; trợ cấp tỷ giá hối đoái cũng rất lớn. Với mức lương tối thiểu mỗi ngày tại Venezuela, bạn chỉ có thể mua được 227 gram thịt bò hoặc 12 quả trứng, nhưng tới 1.000 lít khí đốt hoặc 5.100 kWh điện (đủ năng lượng cho cả một thị trấn nhỏ). Với số tiền từ việc bán một đôla theo tỷ giá của chợ đen, bạn có thể mua được hơn 100 đô la theo tỷ giá cao nhất của Nhà nước.

Dưới những điều kiện như thế, bạn không thể mua được hàng hóa hoặc đôla với mức giá của Nhà nước. Hơn nữa, do Chính phủ không thể trợ giá liên tục cho các nhà cung cấp để giữ giá thấp, sản lượng sẽ giảm, tương tự như tình trạng đã xảy ra với ngành điện và y tế của Venezuela cũng như các lĩnh vực khác.

Việc trợ giá gián tiếp cũng không hợp lý bởi vì người giàu mua sắm nhiều hơn người nghèo do đó giành được nhiều trợ cấp này hơn. Điều này là nền tảng cho một kinh nghiệm chính thống lâu đời rằng nếu bạn muốn thay đổi kết quả của thị trường, tốt hơn là nên trợ cấp cho người dân trực tiếp bằng tiền mặt.

Một kinh nghiệm truyền thống khác cho rằng việc tạo ra cấu trúc động lực đúng đắn và đảm bảo các kỹ năng cần thiết để điều hành các doanh nghiệp nhà nước là rất khó. Do đó Nhà nước chỉ nên có một vài công ty trong các lĩnh vực chiến lược hoặc trong các hoạt động mà thị trường thường thất bại.

Venezuela đã xem thường các kinh nghiệm trên và tiếp tục chiến dịch công hữu hóa. Cụ thể, sau khi cựu Tổng thống Hugo Chavez tái đắc cử vào 2006, ông đã công hữu hóa các nông trại, siêu thị, ngân hàng, công ty viễn thông, năng lượng, các công ty dịch vụ và sản xuất dầu mỏ, các công ty sản xuất thép, xi măng, cà phê, sữa chua, bột giặt và thậm chí là công ty sản xuất ly thủy tinh. Năng suất đã sụt giảm trong tất cả các ngành này.

Các chính phủ thường gặp khó khăn trong việc cân bằng ngân sách, dẫn đến việc thiếu nợ quá nhiều và các vấn đề về tài chính. Tuy nhiên, sự cẩn trọng về tài khóa lại là một trong những nguyên tắc bị tấn công thường xuyên nhất của kinh tế học chính thống. Nhưng Venezuela đã cho chúng ta thấy được điều gì sẽ xảy ra nếu sự thận trọng về tài khóa bị xem thường và thông tin về ngân sách được xem như bí mật nhà nước.

Venezuela sử dụng đợt bùng nổ về giá dầu mỏ năm 2004-2013 để tăng gấp 5 lần nợ công nước ngoài, thay vì tiết kiệm phòng ngừa tình huống xấu. Cho tới năm 2013, việc vay nợ quá mức của Venezuela khiến thị trường tín dụng quốc tế cấm cửa nước này, buộc chính quyền nước này phải in tiền. Điều này khiến đồng tiền mất giá 98% so với mức chỉ 3 năm trước đó. Khi giá dầu giảm vào năm 2014, Venezuela không đủ sức chịu đựng tác động nữa, với việc sản xuất trong nước và năng lực nhập khẩu sụp đổ, dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các học thuyết chính thống phản ánh các bài học đạt được một cách đau thương của lịch sử – tổng kết những gì mà chúng ta xem là đúng. Nhưng không phải tất cả các bài học đó đều đúng. Tiến bộ đòi hỏi phải nhận ra các sai sót, điều mà đến lượt nó lại đòi hỏi tư duy phi chính thống. Nhưng sự học hỏi trở nên khó khăn khi có khoảng cách thời gian dài giữa hành động và hậu quả, giống như khi chúng ta cố điều chỉnh nhiệt độ nước khi đang tắm dưới vòi hoa sen. Khi thời gian phản ứng chậm, việc tìm tòi tư duy phi chính thống là cần thiết, nhưng nên làm hết sức cẩn trọng. Còn nếu tất cả tư duy chính thống bị ném ra ngoài cửa sổ, bạn sẽ gặp phải thảm họa giống như cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trong quá khứ và tình cảnh Venezuela hiện nay.

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Overdosing on Heterodoxy Can Kill You
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]