Mô hình Canada về thỏa thuận thương mại là gì?

 Canada model

Nguồn:The Canadian model for trade deals“, The Economist, 28/06/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Những người ủng hộ Brexit bây giờ sẽ phải hoàn thiện kế hoạch hậu EU của họ, bao gồm cả các thỏa thuận mới về thương mại. Trong chiến dịch này, Boris Johnson nói rằng Anh Quốc có thể làm theo ví dụ của Canada và đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do với phần còn lại của thế giới, trong khi vẫn duy trì được quyền kiểm soát biên giới của mình. Nhưng mô hình Canada về thỏa thuận thương mại là gì và liệu nó có thể giúp ích cho nước Anh hay không?

Canada hiện có 15 thỏa thuận thương mại tự do. Thỏa thuận lớn và quan trọng nhất đối với quốc gia này là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 01/01/1994. Canada cũng đang đàm phán nhưng chưa ký một hiệp định với EU vốn có một vài phạm vi điều chỉnh rộng hơn NAFTA, chẳng hạn như các điều khoản về mua sắm chính phủ ở cấp địa phương cho phép các công ty từ cả hai bên đấu thầu nhiều hợp đồng hơn, đồng thời kêu gọi loại bỏ nhanh hơn các rào cản thuế quan. Hiệp định Thương mại tự do Canada-EU (CETA) cho phép Canada quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu hạn chế hơn, mặc dù tương lai của nó đang bị phức tạp hóa bởi Brexit.

CETA bao gồm nhiều yếu tố chung với NAFTA. Chúng đều là những hiệp định thương mại thay vì là liên minh thuế quan. Các thành viên duy trì mức thuế riêng biệt đối với bên ngoài và dựa trên các quy tắc xuất xứ để xác định xem một hàng hóa có đủ điều kiện hưởng ưu đãi hay không. Cả hai hiệp định đều kêu gọi bãi bỏ hầu hết thuế quan (nội khối), cho phép lưu thông tự do hàng hóa và dịch vụ, nhưng điều quan trọng là không cho tự do di cư và tự do di chuyển dòng vốn.

NAFTA có một ban thư ký nòng cốt để giải quyết tranh chấp. Công tác này được thực hiện bởi các tòa được thành lập khi cần thiết. Các đối tác NAFTA sẽ gặp nhau vào tuần này tại Ottawa, và trong nhiều năm qua họ đã cố gắng mà không thành công trong việc hài hòa hóa các quy định, điều vẫn thuộc thẩm quyền từng quốc gia. Không có đội ngũ chuyên viên riêng biệt nào để thiết lập các tiêu chuẩn chung. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007, các nhà lãnh đạo thậm chí đã phải thảo luận về việc dán nhãn theo tiêu chuẩn cho sản phẩm kẹo dẻo.

Nếu Anh quyết định sao chép mô hình Canada với EU, nó có thể đạt được sự độc lập trong hoạch định chính sách và kiểm soát biên giới mà những người ủng hộ Brexit mong muốn. Nước này cũng sẽ có thể thu về được khoản đóng góp tài chính dành cho ngân sách EU. Nhưng mô hình Canada cũng ngụ ý rằng sẽ không còn tự do di chuyển con người và dòng vốn, và Anh sẽ không có tiếng nói đối với các quy tắc của thị trường chung châu Âu. Anh cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ gặp những bất ngờ tại biên giới – như Canada và Mexico đã gặp phải sau vụ tấn công ngày 11/9 – bởi những rào cản được dựng lên vì lý do an ninh, điều sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Còn một yếu tố cuối cùng mà mô hình Canada yêu cầu: sự kiên nhẫn. Những cuộc đàm phán về CETA bắt đầu vào năm 2007 và thỏa thuận này vẫn chưa hoàn thành. Nền kinh tế của Anh có thể sẽ không có nhiều thời gian đến vậy.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]