Nguồn: Ian Buruma, “Little England and Not-so-Great Britain”, Project Syndicate, 29/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Là một người con lai Anh-Hà Lan – có mẹ là người Anh, còn cha là người Hà Lan – tôi không thể không xem Brexit là chuyện cá nhân. Tuy không phải là kẻ “cuồng” châu Âu, nhưng với tôi, một Liên minh châu Âu không có Anh cũng giống như việc mất đi một cánh tay sau một tai nạn khủng khiếp.
Không phải tất cả người dân nước tôi đều phiền lòng về chuyện này. Nhà dân túy chống EU, chống Hồi giáo người Hà Lan – Geert Wilders – đã đăng dòng tweet: “Hoan hô người Anh! Giờ thì đến lượt chúng ta.” Thứ tình cảm này mới là đáng báo động và đáng quan ngại hơn so với những tác động của Brexit lên tương lai của nền kinh tế Anh. Mong muốn mang tính hủy diệt EU này có thể lây lan.
Hình ảnh Vương quốc Anh đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Trong hơn 200 năm qua, Anh phần nào là đại diện cho lý tưởng tự do và khoan dung (ít nhất là đối với nhiều người châu Âu; còn người Ấn Độ có lẽ sẽ có cái nhìn hơi khác). Người ta ngưỡng mộ nước Anh vì nhiều lý do, một trong số đó là sự cởi mở của họ trước những người tị nạn từ các chế độ phi tự do ở châu Âu lục địa. Đó là nơi mà một người đàn ông gốc Do Thái Sephardic, Benjamin Disraeli, có thể trở thành Thủ tướng, rồi sau đó, nước Anh cũng gần như một mình đối đầu Hitler vào năm 1940.
Nhà văn Hungary – Arthur Koestler, người cựu Cộng sản từng chứng kiến tất cả về các thảm họa chính trị châu Âu, và suýt chút nữa bị phát xít Tây Ban Nha xử tử – đã trốn sang Anh năm 1940. Ông đã gọi nơi đây là: “Nơi nương náu của các cựu binh ‘bị thương’ trong thời đại toàn trị.”
Thế hệ của tôi, vốn được sinh ra không lâu sau chiến tranh, và lớn lên cùng với những huyền thoại dựa trên sự thật, được phổ biến qua truyện tranh và phim Hollywood: huyền thoại về những chiếc máy bay chiến đấu Spitfires (của Anh) và Messerschmitt (của Đức) đối đầu nhau trong các trận không chiến trên bầu trời Anh, về lời thách thức của Winston Churchill (đối với phát xít Đức), và về những “chiến binh mang kèn túi Scotland” đổ bộ lên bờ biển Normandy.
Hình ảnh nước Anh đầy tự do còn được đẩy mạnh hơn nữa nhờ văn hóa của giới trẻ trong thập niên 1960 – khi mà những phi công Spitfire đã được thay thế bằng các biểu tượng mạnh mẽ của sự tự do như The Beatles, Rolling Stones, và Kinks – các ban nhạc đã “càn quét” châu Âu và Mỹ như một làn gió mới. Có một bà mẹ người Anh khiến tôi luôn mang trong mình niềm tự hào có chút ngây thơ và không xác đáng. Với tôi, dù cho nền công nghiệp Anh có đang suy yếu, tầm ảnh hưởng toàn cầu bị thu hẹp, và ngay cả nền bóng đá cũng ngày càng kém sắc, thì một chút gì đó về nước Anh vẫn luôn là điều tốt nhất với tôi.
Tất nhiên, có rất nhiều lý do giải thích tại sao 52% người dân bỏ phiếu ủng hộ “Rời đi”. Các nạn nhân của nền công nghiệp suy yếu có căn cứ hợp lý để cảm thấy mình bị thiệt thòi. Cả cánh tả và cánh hữu đều không quan tâm đến quyền lợi của giai cấp công nhân trong các thị trấn khai thác mỏ, bến cảng, hay các thành phố “ống khói” đang dần mục nát. Khi những người bị toàn cầu hóa và thị trường tài chính London bỏ lại phía sau phàn nàn rằng người nhập cư đã khiến chuyện tìm việc làm trở nên khó khăn hơn, ý kiến của họ đã nhanh chóng bị gạt bỏ và bị xem là phân biệt chủng tộc.
Nhưng điều này không thể ngụy biện cho một khía cạnh xấu xí của chủ nghĩa dân tộc Anh, khởi xướng bởi Đảng Độc lập Anh Quốc của Nigel Farage, và được khai thác bởi những người ủng hộ Brexit trong Đảng Bảo thủ, dẫn đầu là cựu Thị trưởng London Boris Johnson và Michael Gove, Bộ trưởng Tư pháp trong nội các của Thủ tướng David Cameron. Một nước Anh bài ngoại đã phát triển mạnh đặc biệt là ở những nơi ít có người nước ngoài. London, nơi mà hầu hết người nước ngoài sinh sống, đã bỏ phiếu “Ở lại” trong EU với tỉ lệ áp đảo. Trong khi đó, ở vùng nông thôn Cornwall, nơi được hưởng lợi rất nhiều từ các khoản trợ cấp của EU, lại bỏ phiếu “Rời đi.”
Điều trớ trêu gây khó chịu nhất đối với một người châu Âu ở độ tuổi và xu hướng như tôi chính là việc tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi ấy được thể hiện rất thường xuyên. Sự mù quáng chống lại người nhập cư được che giấu trong những biểu tượng rất tự do mà chúng ta ngưỡng mộ trong thời niên thiếu, kể cả các đoạn phim về Spitfires và những trích dẫn về thời kỳ đỉnh cao của Churchill.
Những kẻ cuồng tín ủng hộ Brexit (Brexiteer) – với cái đầu cạo trọc và những hình xăm quốc kỳ – cũng giống hệt những hooligan người Anh trên các sân vận động châu Âu, vốn nổi danh với thương hiệu bạo lực. Nhưng ngay cả những quý bà, quý ông tại các hạt của Little England (tác giả chơi chữ dựa trên từ Great Britain – NBT) – những người đang cổ vũ cho sự dối trá của Farage và Johnson bằng sự cuồng nhiệt chỉ từng dành cho các ngôi sao nhạc rock của Anh – cũng đáng lo ngại không kém.
Nhiều Brexiteer sẽ nói rằng không hề có mâu thuẫn nào. Những biểu tượng thời chiến đều đang ở đúng chỗ của chúng. Đối với họ, lập luận về việc rời khỏi EU cũng có tính tự do giống như hồi Thế chiến II. Theo họ, “Brussels [EU]” rốt cuộc cũng chỉ là một chế độ độc tài, và người Liên hiệp Anh (British) – hay đúng hơn là người Anh (English) – đang đứng lên đòi dân chủ. Hàng triệu người châu Âu, như họ nói với chúng ta, cũng đồng ý với họ.
Thực sự là có nhiều người châu Âu theo quan điểm này. Nhưng phần lớn họ đều là những người ủng hộ Marine Le Pen, Geert Wilders, và các nhà dân túy khác, những người kêu gọi bỏ phiếu để làm suy yếu các chính phủ dân cử và lợi dụng nỗi sợ hãi và bất bình của người dân để dọn đường cho họ lên nắm quyền.
EU không phải là một nền dân chủ; nó cũng không giả vờ như vậy. Sau quãng thời gian thảo luận dài bất tận, cuối cùng thì những quyết định của châu Âu vẫn đang được thực hiện dựa trên chủ quyền – và quan trọng hơn là bởi các chính phủ dân cử. Quá trình này thường không rõ ràng và nhiều điều còn cần phải cải thiện. Nhưng quyền tự do của người châu Âu sẽ chẳng được đáp ứng tốt hơn bằng việc phá hủy những thể chế vốn được xây dựng cẩn thận từ đống đổ nát sau cuộc chiến tranh khủng khiếp cuối cùng tại châu Âu.
Nếu Brexit gây nên một cuộc nổi dậy trên toàn châu Âu nhằm chống lại giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Anh dẫn đầu một làn sóng phi tự do ở châu Âu. Đó sẽ là một thảm kịch lớn – cho Anh, châu Âu, và cho một thế giới mà trong đó hầu hết các cường quốc lớn đều chuyển hướng sang một nền chính trị ngày càng phi tự do.
Điều trớ trêu cuối cùng là giờ đây, niềm hy vọng cuối cùng trong việc chuyển hướng dòng chảy này và giữ gìn các quyền tự do mà rất nhiều máu đã phải đổ xuống để bảo vệ lại thuộc về nước Đức, quốc gia mà thế hệ tôi khi lớn lên đã căm ghét vì họ là biểu tượng của chế độ độc tài đẫm máu. Nhưng, ít nhất là cho đến nay, người Đức đã học được những bài học từ lịch sử tốt hơn so với một con số đáng lo ngại những người Anh.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Đại học Bard. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder ở Amsterdam: “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945.”
Copyright: Project Syndicate 2016 – Little England and Not-so-Great Britain
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]