Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu lửa (Organization of Petroleum Exporting Countries), viết tắt OPEC, là một tổ chức liên chính phủ được thành lập tại Hội nghị Baghdad năm 1960. Năm nước thành viên sáng lập của OPEC là Iran, Iraq, Kuwait, Ảrập Xêút, và Venezuela. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2009, OPEC có tất cả 12 thành viên, bao gồm Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, và Venezuela. Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á từng là thành viên của OPEC từ năm 1962 đến tháng 1 năm 2009. Indonesia rút ra khỏi OPEC sau khi nước này tuyên bố trở thành nước nhập khẩu dầu lửa vào tháng 5 năm 2008. Trụ sở của OPEC đặt tại Viên, Áo và được điều hành bởi một Tổng Thư ký.
Mục tiêu hoạt động chính thức của OPEC được ghi trong Quy chế Thành lập của tổ chức này là điều phối và thống nhất chính sách khai thác dầu giữa các nước thành viên nhằm ổn định giá dầu thế giới ở mức công bằng và ổn định cho các nước sản xuất, đảm bảo nguồn cung dầu hiệu quả, kinh tế và thường xuyên cho các nước tiêu dùng, đảm bảo mức lợi nhuận công bằng cho các nhà đầu tư, qua đó bảo vệ lợi ích của các nước thành viên.
Nói cách khác, về bản chất, OPEC chính là một cartel (liên minh kinh tế) giữa các nước sản xuất dầu lửa nhằm duy trì một cơ cấu giá có thể phản ánh được lợi ích của các nước thành viên thông qua việc phối hợp định giá và xây dựng hạn ngạch sản xuất cho các nước thành viên.
OPEC được thành lập vào giai đoạn mà cán cân quyền lực trên thị trường dầu mỏ thế giới đang nghiêng về phía người tiêu dùng. Vào năm 1968, OPEC đưa ra Tuyên bố về Chính sách Dầu lửa (Declaratory Statement on Petroleum Policy), trong đó xác định hai vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các nước thành viên OPEC và các công ty khai thác dầu mỏ. Một là, OPEC muốn có thêm quyền kiểm soát đối với chính sách định giá. Các thành viên OPEC muốn nắm giữ vai trò là người định giá thay vì là người chấp nhận giá. Hai là, OPEC bác bỏ các thỏa thuận trước đây về vai trò giữa các bên trong mối quan hệ này. Các nước thành viên OPEC không muốn vai trò của họ chỉ dừng ở mức là người thu thuế từ việc nhượng quyền kinh doanh cho các công ty khai thác dầu mỏ. Cũng trong năm này, ba nước thuộc thế giới Ảrập gồm Kuwait, Libya và Ảrập Xêút đã thống nhất thành lập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa khối Ảrập (Organization of Arab Petroleum Exporting Countries), viết tắt là OAPEC, với mục đích ban đầu là tách việc sản xuất và kinh doanh dầu lửa ra khỏi chính trị sau sự kiện các nước Ảrập tuyên bố cấm vận dầu lửa năm 1967 nhằm vào Mỹ và các nước phương Tây.
Trong vòng năm năm kể từ khi OPEC đưa ra Tuyên bố về Chính sách Dầu lửa và OAPEC được thành lập, một loạt các sự kiện riêng lẻ nhưng có mối liên hệ với nhau đã diễn ra theo hướng có lợi cho các nước thành viên OPEC trong cán cân quyền lực giữa họ và các công ty khai thác và kinh doanh dầu mỏ. Các sự kiện đó bao gồm:
- Cuộc cách mạng diễn ra vào tháng 9 năm 1969 ở Lybia đã thay thế nhà nước quân chủ bảo thủ bằng một Hội đồng Tư lệnh Giải phóng (Revolutionary Command Council.)
- Quá trình cực đoan hóa OAPEC theo sau những thay đổi ở Lybia và việc OAPEC chấp thuận Algeria và Iraq làm thành viên.
- Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của các nước công nghiệp tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, vào nguồn dầu mỏ ở Trung Đông.
- Sự không ổn định của đồng đô-la Mỹ với vai trò là đồng tiền dự trữ và lưu giữ giá trị. Dầu giao dịch trên thế giới được định giá bằng đô-la Mỹ, do vậy, bất kỳ một sự suy yếu hoặc mất giá của đồng đô-la Mỹ cũng gây những ảnh hưởng bất lợi đến nguồn thu từ xuất khẩu của các nước thành viên OPEC. Nguyên nhân của việc giá dầu tăng cao trong những năm 1970, một phần, theo các nước OPEC là do sự mất giá của đồng đô-la Mỹ.
- Những căng thẳng mới trong mâu thuẫn giữa thế giới Ảrập và Israelđã báo hiệu khả năng các nước Ảrập thông qua OAPEC có thể sử dụng vũ khí dầu lửa nhằm chống lại các nước công nghiệp tiên tiến có mối quan hệ hữu hảo với Israel.
Quyền lực của OPEC trên thị trường dầu lửa thế giới lên đến đỉnh điểm vào giữa những năm 1970, và được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng dầu lửa vào cuối năm 1973 và đầu năm 1974. Đây là giai đoạn các nước thành viên OPEC chiếm quyền kiểm soát ngành công nghiệp khai thác và kinh doanh dầu mỏ thông qua các biện pháp quốc hữu hóa và tịch biên, đồng thời thao túng sản lượng dầu bán ra trên thị trường thế giới.
Công cụ chính được OPEC sử dụng để điều chỉnh sản lượng dầu bán ra thị trường của các nước thành viên chính là hạn ngạch sản xuất. Đại diện các quốc gia thành viên nhóm họp mỗi năm hai lần nhằm thiết lập chính sách sản xuất chung trong tương lai dựa trên dự báo toàn cầu về cung và cầu dầu lửa. Mỗi hội nghị OPEC đều đặt ra hạn ngạch sản xuất mới, chia theo tỷ lệ tương ứng cho các quốc gia thành viên.
Cam kết của các nước thành viên đối với hạn ngạch sản xuất không phải lúc nào cũng nhất quán, và một số nước thành viên OPEC, đặc biệt là những nước có sản lượng nhỏ, thường xuyên vượt quá hạn ngạch được phép của mình. Các thành viên có sản lượng lớn, đặc biệt là Ảrập Xêút, thường phải cắt giảm sản lượng của mình để bù cho việc sản xuất quá hạn ngạch của các thành viên khác. Việc giá dầu sụt giảm giữa những năm 1980 và cuối những năm 1990 một phần là do các thành viên thiếu cam kết trong việc tuân thủ hệ thống hạn ngạch.
Các nước thành viên OPEC không phải lúc nào cũng có thể thống nhất với nhau về sản lượng dầu và chiến lược giá cả, và bất đồng giữa các thành viên thường bắt nguồn từ những bất đồng chính trị lớn hơn. Ví dụ, kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã liên tục đòi nâng giá dầu nhưng gặp phải sự phản đối của Ảrập Xêút và các quốc gia thành viên thân phương Tây khác. Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 một phần cũng vì nước này không hài lòng với việc sản xuất quá hạn ngạch cho phép của Kuwait, khiến giá dầu quốc tế sụt giảm, gây thiệt hại cho xuất khẩu dầu của Iraq.
Bất chấp những hạn chế trong hợp tác giữa các nước thành viên, OPEC vẫn nắm giữ một vai trò quan trọng đối với thị trường dầu lửa thế giới. Mặt khác, hai cuộc khủng hoảng dầu lửa, một vào cuối năm 1973, được khơi mào bằng sự kiện các nước Ảrập cấm vận dầu lửa nhằm vào Mỹ và các nước Tây Âu, và một vào mùa đông năm 1980-1981 theo sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã phần nào tác động đến quan hệ Bắc – Nam.
Về phần các nước phát triển, Mỹ đưa ra đề nghị cần có một nhóm liên kết giữa những nước tiêu dùng làm đối trọng với OPEC. Ý tưởng này là tiền đề cho việc thành lập Tổ chức Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), viết tắt là IEA. Mặc dù dầu lửa không phải là mối quan tâm duy nhất của tổ chức này, song không thể phủ nhận đây là lý do đầu tiên dẫn đến sự thành lập IEA. IEA hiện có vai trò rộng hơn, tập trung vào ba lĩnh vực chính là an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, và bảo vệ môi trường. Nhật Bản và các nước phát triển Tây Âu (ngoại trừ Pháp) đã thành công trong việc thay đổi hình ảnh của IEA từ đối đầu sang hợp tác trong mối quan hệ giữa IEA và OPEC.
Về phần các nước đang phát triển, sáng kiến về giá của OPEC thực chất lại gây ra những tác động kinh tế mạnh nhất cho những nước nhập khẩu dầu lửa thuộc Thế giới thứ ba. Các nước này không có khả năng thực hiện các điều chỉnh theo các cách mà các nước phát triển thực hiện. Tuy nhiên, đây là những tác động trong dài hạn. Trước mắt, một hình mẫu như OPEC đã khuyến khích các nước đang phát triển xây dựng những liên minh tương tự. Song, cho đến nay chưa có một liên minh kinh tế tương tự nào đạt được những thành công như OPEC. OPEC cũng khuyến khích các nước đang phát triển chủ động đưa ra những sáng kiến và đề nghị trong khuôn khổ Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (New International Economic Order), viết tắt là NIEO. Sẽ là không chính xác nếu đánh giá quá cao vai trò của OPEC trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế chính trị thế giới. Nhu cầu cần có những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế chính trị thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa hơn. Tuy nhiên, có thể nói, cái mà OPEC đã tạo ra được cho những nhà lãnh đạo Thế giới thứ ba đó là sự tự tin vào chính họ và tin vào tính đúng đắn trong những lập luận của họ.
Ngành công nghiệp dầu mỏ ngày nay mang những đặc điểm của một mô hình đa nhân tố. Có một số nhân tố quan trọng, song không một nhân tố nào có thể một mình duy trì được sự ổn định của thị trường. Tầm quan trọng của OPEC đã suy giảm sau giai đoạn được xem là đỉnh cao của tổ chức này vào giữa những năm 1970, nhưng chưa có một tổ chức nào có đủ khả năng để thay thế nó. Sự suy giảm về tầm quan trọng của OPEC cũng đi kèm với nỗ lực chung của thế giới trong việc tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Trong cơ cấu doanh nghiệp của ngành, các công ty quốc doanh hiện giữ vai trò chủ đạo. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (US Energy Information Administration), tính đến thời điểm năm 2007, xấp xỉ 78% sản lượng dầu thế giới do 50 công ty sản xuất, 70% số sản lượng này được sản xuất bởi các công ty dầu mỏ quốc doanh.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]