Nguồn: Peter Singer, “Direct Democracy and Brexit”, Project Syndicate, 07/07/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các cuộc trưng cầu ý dân nên đóng vai trò gì trong một nền dân chủ? Vấn đề này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết sau kết quả trưng cầu ý dân ở Vương quốc Anh với tỷ lệ 52% quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu so với 48% muốn ở lại – và cũng đột ngột chấm dứt sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Anh David Cameron.
Những người phản đối “Brexit” cho rằng các cuộc trưng cầu ý dân không được hiến pháp Anh công nhận, Quốc hội phải đưa ra quyết định cuối cùng và kết quả này nên được loại bỏ. Họ có đúng không?
Ngoài những gì chúng ta nghĩ về việc Anh rời EU, ta có thể đặt thêm hai câu hỏi khác, một câu hỏi chung và một câu hỏi cụ thể về Brexit. Thứ nhất, công dân của một nền dân chủ được đưa ra quyết định trực tiếp trong một cuộc trưng cầu ý dân đến mức độ nào, thay vì thông qua những đại biểu do họ bầu ra? Cụ thể hơn, những nhà lập pháp Anh có nên xem xét việc công nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/06 hay không?
Về câu hỏi chung, lập luận mạnh mẽ nhất cho dân chủ trực tiếp là nó dựa trên tư tưởng dân chủ và chỉ chịu một sự hạn chế về tính khả thi. Vào thời kỳ xa xưa, các thành bang nhỏ là những nền dân chủ trực tiếp; nhưng ở những quốc gia rộng lớn, khi thông tin liên lạc còn chậm, việc bầu ra các đại biểu để quyết định nhiều vấn đề cần được thảo luận và biểu quyết là rất cần thiết.
Ngày nay các cuộc thảo luận có thể được thực hiện trên báo chí, TV hoặc trên mạng nên hạn chế đó không còn, và theo cách nghĩ này, nền dân chủ trực tiếp nên đóng vai trò mặc định hoặc ít nhất là được sử dụng thường xuyên hơn nữa. Với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn nền dân chủ đại diện và trao cho mỗi công dân một lá phiếu để biểu quyết về mọi vấn đề mà hiện đang được các cơ quan lập pháp quyết định. Đó không phải là cách trung thực nhất để áp dụng lý tưởng dân chủ bằng cách trao cho mỗi công dân quyền được lên tiếng hay sao?
Ngoài ra còn có một lập luận thực tế hơn về dân chủ trực tiếp: nó ngăn cản tác động của tiền bạc lên các kết quả chính trị. Dĩ nhiên là tiền vẫn mua được quảng cáo nhưng không mua được các nhà lập pháp như thường xảy ra trong các nền dân chủ đại diện. Ví dụ như ở Mỹ, nhóm vận động hành lang của các trang trại đã cản trở Quốc hội hay nghị viện các tiểu bang thông qua các đạo luật bảo vệ súc quyền nhằm ngăn chặn các hình thức nuôi nhốt gia súc cực đoan nhất. Nhưng khi bang California tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2008 về việc tất cả các loài gia súc gia cầm có nên được hưởng khoảng trống đủ để đi lại và duỗi cánh hay không, 63% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ biện pháp này.
Đạo luật về gia súc gia cầm ở bang California là một trong những ví dụ tốt nhất về việc sử dụng trưng cầu ý dân để vượt qua các trở ngại nhằm có được kết quả như ý và chính đáng. Nhưng bang California cũng cho ta một trong những ví dụ tốt nhất về tính may rủi khi để cử tri quyết định những vấn đề mà họ không hiểu được toàn diện về tác động kinh tế từ kết quả trưng cầu ý dân.
Vào năm 1978, cử tri của bang đã thông qua Đề xuất 13 về giảm thuế tài sản và hạn chế tăng thuế này trong tương lai, đồng thời đòi phải có sự ủng hộ của đa số 2/3 số nghị sĩ ở hai viện của cơ quan lập pháp thì mới được tăng thuế hoặc định đoạt số thuế được tăng . Hệ quả mà nhiều người chỉ ra đó là sự thiếu hụt nguồn vốn để duy trì chất lượng dịch vụ của bang, bao gồm cả hệ thống giáo dục từng một thời dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên vấn đề sâu sắc hơn là liệu chúng ta có muốn mức độ dân chủ như dân chủ trực tiếp mang lại hay không? Người ủng hộ dân chủ đại diện nổi tiếng nhất sẽ không đồng ý.
Vào năm 1774, Edmund Burke, vừa được bầu vào Quốc hội và đại diện cho Bristol, đã nói với các cử tri rằng mặc dù nguyện vọng của họ rất quan trọng với ông và ông tôn trọng ý kiến của họ nhưng ông sẽ không hi sinh ý kiến khách quan, các phán đoán chín chắn hay lương tâm tiến bộ của mình vì họ. Ông đã nói một câu hay được trích dẫn lại “Nghị sĩ của quý vị nợ quý vị không chỉ sự chăm chỉ mà cả các nhận định của anh ta; và thay vì phục vụ, anh ta sẽ phản bội quý vị, nếu anh ta hi sinh các nhận định của mình chỉ vì quan điểm của quý vị.”
Burke là một người bảo thủ luôn cho rằng nhiệm vụ của các đại biểu là tiến hành các nhận định của chính họ dựa trên niềm tin rằng họ là những người hiểu biết và thông thái hơn, cũng như sẽ kiềm chế sự quá đà của các cử tri. Cuộc trưng cầu ý dân với kết quả Brexit khiến quan điểm này có vẻ càng hợp lý.
Nhân tố tạo ra khác biệt lớn nhất đối với cách các cử tri bỏ phiếu chính là trình độ giáo dục của họ. Chỉ có 29% các cử tri có trình độ đại học chọn rời EU. Đáng lẽ ra với những vấn đề phức tạp như Brexit, những người có chuyên môn nên có tiếng nói lớn hơn trong việc ra quyết định và để các nghị sĩ được độc lập lựa chọn chính là cách để thực hiện điều này.
Với vấn đề cụ thể là các nghị sĩ nên làm gì nếu xét đến kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, Burke sẽ lập luận rằng họ nên bỏ phiếu dựa trên quan điểm khách quan, phán đoán chín chắn và lương tâm tiến bộ. Nếu họ làm đúng như vậy, nước Anh vẫn là thành viên của EU.
Lập luận của Burke không phải là lựa chọn dành cho Cameron bởi vì nếu là Burke, ngay từ đầu ông đã chẳng đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như thế này. Còn Cameron, người tổ chức trưng cầu ý dân với mục đích chế ngự sự phản kháng trong lòng Đảng Bảo thủ, giờ không thể tuyên bố kết quả trưng cầu ý dân chỉ là để tham khảo. Mặc dù ông đã vận động ở lại EU, nhưng Cameron và các đồng sự phải tôn trọng kết quả cuộc bỏ phiếu.
Tuy vậy, các nghị sĩ Quốc hội khác thì không bị ràng buộc như thế. Lắng nghe ý kiến của công chúng là rất tốt. Có lẽ điều này nên được tiến hành thường xuyên hơn nữa (và sẽ không cần đến một quy trình tốn kém như cuộc trưng cầu ý dân tại Anh). Nhưng chấp thuận một quyết định của một đại bộ phận cử tri tương đối hạn hẹp (hầu hết những người này ít hiểu biết hơn những công dân bình thường về vấn đề mình biểu quyết) lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Peter Singer là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Direct Democracy and Brexit
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]