Lý do phán quyết Tòa Trọng tài ràng buộc với Trung Quốc

scs11

Nguồn: Jerome A. Cohen, “Like it or not, UNCLOS arbitration is legally binding for China”, East Asia Forum, 11/07/2016.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Truyền thông quốc tế đã dồn sự chú ý vào phán quyết ngày 12/07/2016 vốn được mong đợi từ lâu trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Các chiến dịch tuyên truyền và vận động ngoại giao dồn dập vừa qua của Trung Quốc càng làm vụ kiện được chú ý hơn. Tranh chấp liên quan đến ít nhất 15 vấn đề, trong đó nhiều điểm mang tính kỹ thuật chuyên sâu. Nhưng điểm cơ bản của vụ kiện – là phán quyết có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines hay không – khá rõ ràng. Tuy vậy, dường như vẫn còn nhiều hiểu nhầm xung quanh vấn đề này.

Chúng ta nên hiểu rằng đây không phải là quyết định của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đặt tại La Haye như nhiều báo chí đưa tin. Cơ quan này hỗ trợ hành chính cho phiên tòa trọng tài được thành lập trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để giải quyết vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Phán quyết sẽ được đưa ra bởi tòa trọng tài UNCLOS, bao gồm năm chuyên gia hàng đầu thế giới về luật biển.

Tuy bất cứ kết quả nào cũng có thể bị gạt bỏ tùy ý với lý do “còn tranh cãi”, nhưng nếu hiểu một cách đầy đủ thì chắc chắn rằng bất chấp việc Bắc Kinh không ngừng phản đối tính hợp pháp của tòa – kể cả phê phán năng lực và sự công minh của các trọng tài viên – Trung Quốc sẽ vẫn bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi phán quyết của tòa.

Trung Quốc cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo, bãi đá và vùng nước xung quanh trong Biển Đông (biển Nam Trung Hoa). Họ từ chối bị ràng buộc bởi phán quyết được dự đoán của tòa với lý lẽ rằng phán quyết này liên quan đến các vấn đề chủ quyền lãnh thổ (nước nào sở hữu các đảo đang tranh chấp nào) và phân định ranh giới biển (cách thức giải quyết các yêu sách mâu thuẫn về đường biên giới trên biển) và rằng Trung Quốc không bao giờ công nhận mọi phán quyết do một bên thứ ba nào đưa ra về các vấn đề này.

Lập luận này của Trung Quốc là sai lầm. Tòa đã chỉ rõ rằng quyết định của họ không nhằm phân xử các vấn đề nói trên mà chỉ để giải quyết các câu hỏi quan trọng khác liên quan đến việc diễn giải và áp dụng UNCLOS, và do đó nằm trong thẩm quyền ra quyết định của tòa. Bằng cách phê chuẩn Công ước, vốn quy định việc bắt buộc phải tham gia giải quyết tranh chấp và các bên tham gia phải tuân thủ phán quyết bất kể kết luận như thế nào, Trung Quốc rõ ràng đã đồng ý chấp nhận phán quyết của phiên tòa lần này.

Ví dụ, tòa có thể mở rộng ý nghĩa của Điều 121 (3) quan trọng của Công ước bằng cách làm rõ và áp dụng các tiêu chí để xác định việc liệu một hòn đảo, dù thuộc về nước nào, có được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa, cũng như vùng lãnh hải rộng 12 hải lý vốn được quy định cho mọi hòn đảo hay không.

Tòa cũng có thể làm rõ mối liên hệ giữa Công ước với các yêu sách biển tồn tại từ trước khi Công ước ra đời. Cụ thể là tòa có thể quyết định liệu “đường 9 đoạn” mơ hồ của Trung Quốc – xuất hiện lần đầu trên một bản đồ chính phủ Trung Quốc sau Thế chiến II và trước khi thành lập chính quyền Cộng sản hiện tại – có thể được coi là “quyền lịch sử” vẫn có hiệu lực bất chấp việc quốc gia đó gia nhập UNCLOS hay không.

Công ước quy định về việc trả lời những câu hỏi như vậy thông qua một nhóm độc lập, không thiên vị gồm năm chuyên gia với tư cách thành viên và trình tự xét xử của họ được quy định rất chi tiết. Họ không cần thêm bất cứ sự cho phép nào từ các quốc gia đã phê chuẩn Công ước và là bị đơn trong một vụ kiện mà tòa thụ lý.

Khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước và chấp nhận bị ràng buộc bởi bất kỳ quyết định nào bắt nguồn từ phán quyết bắt buộc do một bên thứ ba đưa ra, sự đồng ý này là hành động thực hiện chủ quyền tự nguyện của Trung Quốc và là một cam kết hiệp ước quốc tế nghiêm túc mà nước này phải tôn trọng và tuân thủ bất kể phán quyết được đưa ra từ quá trình xét xử sẽ như thế nào.

Tất nhiên, do Trung Quốc lập luận rằng về thực chất, các vấn đề do vụ kiện trọng tài nêu ra liên quan đến các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định biển – mà nếu vậy sẽ nằm ngoài thẩm quyền của phiên tòa – thì nước này có quyền trình bày các lý lẽ đó trước tòa. Nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia quá trình xét xử của tòa, đơn phương khẳng định là do họ tự coi các lập luận của mình là chính xác về mặt pháp lý, họ không cần trình bày để tòa có thể ra một phán quyết khách quan. Dù vậy, tòa đã cố gắng hết sức để xem xét các lập luận pháp lý của Trung Quốc.

Hãy nghĩ xem thế giới sẽ có một hệ thống luật pháp ra sao nếu một quốc gia vốn đã đồng ý sẽ chấp nhận phán quyết bắt buộc của một bên thứ ba – như các quốc gia từng cam kết như vậy trong hơn 90 điều ước quốc tế – lại có thể dễ dàng chối bỏ lời hứa chính thức của họ về tuân thủ hiệp ước trong khi vẫn nằm trong hệ thống đó và có thể miệt thị quyết định của một tòa án độc lập có thẩm quyền. Các điều khoản trong UNCLOS rõ ràng nghiêm cấm cách hành xử rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế như vậy.

Hiển nhiên Trung Quốc đang điên cuồng tìm cách tránh bị quy tội là kẻ vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù theo những người ủng hộ nước này đã chỉ ra, chính Hoa Kỳ trong một tranh chấp với Nicaragua cách đây ba thập niên cũng đã phớt lờ một phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế sau khi tòa bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ rằng tòa thiếu thẩm quyền xét xử. Hành động đáng tiếc đó của chính quyền Reagan vẫn tiếp tục làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay. Sự miễn cưỡng của Washington trong việc chấp nhận phán quyết khách quan về tranh chấp của một bên thứ ba hẳn là một lý do giải thích tại sao đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS, một điều đáng thất vọng.

Các lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm, những người rõ ràng là gần đây mới nhận thức được sự phản đối rộng khắp đối với lập trường pháp lý của họ trong vấn đề Biển Đông, đã nỗ lực giảm thiểu tác hại đến Trung Quốc. Những người phát ngôn của họ đã dùng đủ loại lý lẽ không thuyết phục để biện minh cho việc chính phủ nước này không tôn trọng các cam kết của họ đối với UNCLOS. Một số ít thậm chí còn lập luận rằng với việc phủ nhận những hành động bị họ tự coi là sai lầm của tòa, Trung Quốc mới là người đích thực bảo vệ luật pháp quốc tế.

Thay vì cố đảo ngược luật pháp quốc tế, tốt hơn là Trung Quốc nên bắt đầu tiến hành đàm phán song phương với Philippines trên cơ sở phán quyết có tính ràng buộc của phiên tòa.

Jerome A. Cohen là Giám đốc Viện Luật pháp Hoa Kỳ – châu Á, giáo sư luật tại Đại học New York và nghiên cứu viên thỉnh giảng cấp cao về châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]