ASEAN phải xem lại cơ chế ‘đồng thuận’ của mình

Print Friendly, PDF & Email

amm49

Nguồn: Tang Siew Mun, “Asean must reassess its ‘one voice’ decision-making”, TODAY, 25/07/2016

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Không có gì ngạc nhiên khi các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông gây tranh cãi ngày hôm qua tại cuộc họp hàng năm của họ.

Các điềm báo trước đã rõ ràng. Tháng trước, tại một cuộc họp đặc biệt với Trung Quốc tại Côn Minh, những rạn nứt trong ASEAN đã bị lộ rõ sau khi nhóm này rút một bản tuyên bố có chứa lời lẽ mạnh mẽ phê phán hành vi lấn lướt của Trung Quốc khi áp đặt các yêu sách của mình trong vùng biển chiến lược này do Bắc Kinh đã vận động các đồng minh trong nhóm ngăn chặn tuyên bố.

Tuy nhiên, lần này tác động lớn hơn nhiều khi sự việc xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi một Tòa Trọng tài tại La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện chống lại các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Rõ ràng, thế giới đang theo dõi xem liệu các bộ trưởng ASEAN sẽ có thể đưa ra được một tiếng nói chung về tầm quan trọng của việc tôn trọng phán quyết và tuân theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hay không.

Một lần nữa, Campuchia được báo chí nhắc đến một cách rộng rãi là thủ phạm chính trong việc ngăn chặn sự đồng thuận của ASEAN về vấn đề này. Bóng ma của Phnom Penh đã hiện lên ám ảnh ASEAN lần nữa. Khi Campuchia là Chủ tịch ASEAN vào năm 2012, nước này đã phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào một thông cáo chung các bộ trưởng ngoại giao. Kết quả là, ASEAN đã phải chịu sự bẽ bàng khi lần đầu tiên trong lịch sử không thể đưa ra được một thông cáo chung.

Lịch sử hiện nay có vẻ như sẽ được lặp lại, trừ khi các ngoại trưởng ASEAN và các quan chức cấp cao của họ bằng cách nào đó có thể đạt được lập trường chung ngày hôm nay hoặc ngày mai. Tuy nhiên, sẽ là một chiến lược thích hợp hơn cho ASEAN nếu chịu đựng sự mất mặt khi không đưa ra được một thông cáo chung thay vì phải chấp nhận một phiên bản “xuống nước” về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN sẽ không thể bị bắt làm con tin bởi những lợi ích hẹp hòi của một thành viên nào đó.

Chắc chắn là sự thống nhất của  ASEAN sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng, nhưng điều này là một viên thuốc đắng đáng nuốt. Đồng thời, các diễn tiến gần đây đã nêu lên câu hỏi về phương hướng và tương lai chiến lược của ASEAN, khi tổ chức này không thể tiến hành được các cuộc thảo luận đáng tin cậy hoặc đưa ra được một lập trường về một vấn đề quan trọng mà nhiều người coi là một điểm nóng ngay trong sân nhà của tổ chức này.

Như các sự kiện tại Phnom Penh, Côn Minh và Viêng Chăn đã chỉ ra, những gì hiệu quả đối với năm thành viên gốc của ASEAN ngày càng không hiệu quả đối với nhóm 10 thành viên hiện giờ. Dù Trung Quốc là mẫu số chung của tất cả những “diễn tiến” này, ASEAN nên coi lại nội bộ của mình trước khi đổ trách nhiệm cho bên ngoài. Ở khía cạnh này, thật nản lòng khi dù khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các nước ASEAN nhưng Campuchia lại không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và không nhìn thấy khung cảnh chiến lược lớn hơn.

Campuchia không thể tiếp tục bỏ qua sự thất vọng ngày càng tăng của các thành viên ASEAN khác vì kiểu hành vi phá rối này của mình.

Mặc dù ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, nhưng vẫn có sự hiểu ngầm – và bắt buộc – rằng các nước phải có một mức độ trách nhiệm tập thể và hỗ trợ lẫn nhau nào đó.

ASEAN là một “hiệp hội”, không phải là một câu lạc bộ giải trí. Campuchia cần phải hiểu rằng ngăn chặn ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc sẽ gây tổn thất lớn cho khả năng tồn tại của ASEAN trong vai trò bất kỳ dạng phương tiện nào để giải quyết các nhu cầu và thách thức trong khu vực. Campuchia phải quyết định tương lai của mình thuộc về ASEAN hay người hàng xóm lớn hơn, giàu có hơn của họ. ASEAN cũng nên xem xét liệu tương lai của mình có tốt hơn khi có hay không có Campuchia làm thành viên.

Hiện nay, không có quy định nào trong Hiến chương ASEAN – “tài liệu quy tắc hoạt động” của tổ chức khu vực này – nói về việc rút lui hay khai trừ một thành viên. Nhưng “Cambrexit” (Campuchia rút ra khỏi ASEAN) không thể mãi là một câu hỏi không có lời đáp nếu Campuchia tiếp tục phá hoại lợi ích chung của cả nhóm.

Đồng thời, rõ ràng là mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN vượt ra ngoài Campuchia, mặc dù Phnom Penh là người thoải mái nhất với việc sử dụng quyền phủ quyết của mình trong ASEAN.

Để tự cứu mình, ASEAN cần phải giải quyết các tác động tiêu cực của việc ra quyết định dựa trên đồng thuận. Quyền phủ quyết của bất kỳ nước thành viên nào sẽ phải bị loại bỏ. Thể chế hoá quy tắc “ASEAN trừ nước X” – một công thức cho sự tham gia linh hoạt thay vì một sự đồng thuận đầy đủ toàn khối – trong các vấn đề chính trị sẽ giúp kiểm soát “con ngựa thành Trojan” và giúp cải thiện tính hiệu quả cũng như cơ chế ra quyết định của ASEAN.

Đây là một trận chiến mà Asean phải chiến đấu và chiến thắng. Lựa chọn thay thế – giả vờ “giữ thể diện” và bộ mặt thống nhất – sẽ khiến ASEAN bị chế giễu và đối diện tương lai mù mịt. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ dẫn dắt cuộc chiến này?

Tang Siew Mun là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore. Những quan điểm trong bài là của riêng tác giả.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]