Cuộc đảo chính kỳ lạ của Thổ Nhĩ Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

turkcoup

Nguồn: Dani Rodrik, “Turkey’s Baffling Coup”, Project Syndicate, 17/07/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Các cuộc binh biến tại Thổ Nhĩ Kỳ – dù thành công hay thất bại – đều theo một xu hướng có thể lường trước được ở nước này. Các nhóm chính trị – điển hình là những nhóm theo chủ nghĩa Hồi giáo – vốn bị các quân nhân nước này xem là đi ngược lại với tư tưởng về một nhà nước Thổ Nhĩ Kì thế tục của Kemal Atatürk, đang ngày càng nắm nhiều quyền lực. Căng thẳng leo thang thường đi kèm với bạo lực trên đường phố. Sau đó quân đội can thiệp và thực hiện thứ mà họ khẳng định là quyền hiến định nhằm khôi phục lại trật tự cũng như các nguyên tắc của một nhà nước thế tục.

Lần này thì lại khác. Nhờ vào một loạt các vụ xét xử nhắm vào các sĩ quan theo tư tưởng thế tục, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã có thể cơ cấu lại hệ thống quân đội và đưa người của mình vào những vị trí trọng yếu. Dù Thổ Nhĩ Kỳ đang chấn động do hàng loạt các vụ tấn công khủng bố và phải đương đầu với nền kinh tế đang đi xuống, nhưng không hề có mảy may bất ổn nào trong quân đội hay sự chống đối nào với Erdogan. Trái lại, với việc Erdogan gần đây hòa giải với Nga và Israel cùng với mong muốn giảm dần vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến tại Syria, lẽ ra giới chóp bu quân đội nước này phải thở phào nhẹ nhõm.

Một điều cũng khó hiểu không kém là cách hành động gần như là nghiệp dư của những người thực hiện đảo chính, dù họ có thể bắt giữ vị tổng tư lệnh quân đội nhưng dường như không nỗ lực thực sự nhằm bắt giữ Erdogan hay bất kì chính khách cấp cao nào. Các kênh truyền hình lớn vẫn được phép hoạt động hàng giờ, và khi các binh sĩ xuất hiện tại trường quay, sự kém cỏi của họ gần như trở nên buồn cười.

Máy bay nã đạn vào thường dân và tấn công tòa nhà quốc hội – một hành động không hề giống với tác phong của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trừ ở các khu vực nổi dậy của người Kurd. Mạng xã hội đầy những hình ảnh về những người lính không may (và có vẻ họ cũng chẳng biết mình đang làm gì) bị kéo ra khỏi xe tăng và bị đám đông quần chúng tước vũ khí (có khi còn tệ hơn nữa). Đây là những cảnh tượng mà tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình sẽ bắt gặp tại một quốc gia dù ghét các cuộc binh biến nhưng vẫn luôn dành tình cảm cho các quân nhân.

Erdogan nhanh chóng đổ lỗi cho vị đồng minh cũ và kẻ thù hiện tại, giáo sĩ đang lưu vong Fethullah Gülen, người đang dẫn đầu một phong trào Hồi giáo lớn từ ngoại ô thành phố Philadelphia (Hoa Kỳ). Có nhiều nguyên nhân rõ ràng khiến chúng ta phải thận trọng trước cáo buộc này, nhưng khẳng định này của Erdogan cũng không hoàn toàn phi lý. Chúng ta biết rằng Gülen có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong quân đội (nếu không thì các động thái của chính phủ chống lại các sĩ quan cấp cao sẽ đã không thể nào được thực hiện). Quân đội thực chất là thành trì cuối cùng trong ảnh hưởng của Gülen tại Thổ Nhĩ Kỳ do Erdogan đã tiến hành thanh trừng những người ủng hộ Gülen trong giới cảnh sát, tư pháp và truyền thông.

Chúng ta cũng biết rằng Erdogan đã chuẩn bị một bước đi lớn nhằm chống lại những người ủng hộ Gülen trong quân đội. Một số ít quân nhân đã bị bắt giữ vì đã làm giả các bằng chứng trong các vụ xét xử trước đó, và cũng có những đồn đoán về một cuộc thanh trừng quy mô lớn đối với các sĩ quan ủng hộ Gülen đang được trù bị trong cuộc họp của Hội đồng Quân sự Tối cao vào tháng tới.

Vậy là những người ủng hộ Gülen có động cơ, và thời điểm của vụ đảo chính càng củng cố thêm cho khả năng liên can của họ. Điều cực kì trớ trêu là cuộc đảo chính của những người theo chủ nghĩa thế tục mà Erdogan đã lo ngại từ lâu cuối cùng lại bắt nguồn từ những đồng minh một thời của ông – những người đã từng giúp Erdogan thêu dệt hàng loạt âm mưu đảo chính chống lại ông.

Nhưng một cuộc binh biến đẫm máu lại rất khác so với phương thức hoạt động (modus operandi) truyền thống của phong trào Gülen, vốn ưa chuộng các âm mưu hậu trường hơn là các hành động vũ trang hay bạo lực trắng trợn. Vụ đảo chính có thể là một nỗ lực một mất một còn cuối cùng, vì phong trào Gülen có nguy cơ đánh mất thành trì cuối cùng của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi những gì đã xảy ra vẫn chưa rõ ràng thì việc những diễn biến khó lường nếu xảy ra trong vài tuần tới cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Những hệ quả trước mắt lại khá rõ ràng hơn. Âm mưu đảo chính sẽ càng tăng cường sức mạnh của Erdogan và châm ngòi cho một cuộc săn lùng những người ủng hộ Gülen trên quy mô lớn hơn nữa. Hàng ngàn quân nhân sẽ bị tước quân hàm, có khi bị giam giữ hay truy tố mà không nhất thiết phải theo luật hoặc dựa trên giả định họ vô tội. Đã có những lời kêu gọi đáng báo động về việc khôi phục án tử hình đối với những người đảo chính (Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình để có thể gia nhập EU – NBT), điều các diễn tiến gần đây cho thấy là một mục tiêu rất rộng đối với Erdogan. Vài vụ quần chúng tấn công các binh sĩ bị bị bắt giữ là điềm báo về việc chủ nghĩa Jacobin cực đoan sẽ đe dọa toàn bộ quy trình bảo vệ pháp lý công bằng còn lại tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đảo chính cũng không tốt cho nền kinh tế. Sự hòa giải chỉ mang tính bề nổi gần đây của Erdogan với Nga và Israel có vẻ được thúc đẩy bởi mong muốn khôi phục lại dòng vốn đầu tư nước ngoài và du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc này, những hi vọng như thế có thể sẽ khó trở thành hiện thực. Cuộc đảo chính thất bại cho thấy sự chia rẽ chính trị của nước này còn sâu sắc hơn những gì mà những người theo dõi bi quan nhất nghĩ tới. Điều này khó lòng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư hay khách du lịch.

Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, cuộc đảo chính thất bại lại tạo điều kiện thuận lợi cho Erdogan. Như cách nói của Erdogan khi vẫn còn chưa rõ liệu ông có khôi phục được quyền lực hay không, “cuộc nổi loạn này là một món quà từ Đấng Tối cao bởi vì đó sẽ là lý do để thanh tẩy quân đội của chúng ta.” Giờ cuộc đảo chính đã thất bại, việc thay đổi hiến pháp mà ông vẫn luôn mong muốn lâu nay để tăng cường quyền lực tổng thống và tập trung quyền lực về tay mình sẽ càng “thuận buồm xuôi gió”.

Thất bại của cuộc đảo chính sẽ càng củng cố chủ nghĩa chuyên chế của Erdogan và cũng chẳng tốt đẹp gì đối với nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu cuộc đảo chính thành công, tai họa đối với triển vọng của nền dân chủ ấy thậm chí còn khắc nghiệt hơn với những hệ quả lâu dài. Vì lẽ đó, ít nhất chúng ta vẫn còn có vài lý do để vui mừng.

Dani Rodrik là Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông là tác giả cuốn “The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy” và gần đây nhất là cuốn “Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science”.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Turkey’s Baffling Coup
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]