Nguồn: Andrew Chubb, “Did China just clarify the nine-dash line?”, East Asia Forum, 14/07/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đằng sau những tranh cãi bề nổi, phản hồi của chính quyền Trung Quốc trước vụ kiện trọng tài liên quan đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong tuần này bao hàm nhiều chỉ dấu tích cực cho thấy Trung Quốc, dưới vỏ bọc quan điểm cứng rắn về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, đang nhẹ nhàng đưa các yêu sách biển của mình vào khuôn khổ phù hợp với UNCLOS.
Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, được đưa ra nhằm phản hồi trực tiếp trước tòa trọng tài, ngụ ý mạnh mẽ rằng thực chất Trung Quốc không hề yêu sách các quyền lịch sử đối với toàn bộ khu vực biển trong đường chín đoạn. Cách hiệu quá rộng này đối với đường chín đoạn chưa bao giờ là một quan điểm chính sách chính thức [của Trung Quốc]. Tuy vậy, cách hiểu này lại là cơ sở của các động thái đáng lo ngại nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là chương trình tuần tra và các hành động cưỡng chế dọc theo rìa của đường chín đoạn.
Bản tuyên bố gồm năm điểm, mỗi điểm giải thích một khía cạnh khác nhau về quan điểm của Trung Quốc. Tuyên bố này tái khẳng định yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích liên quan đối với các đảo trên Biển Đông, đồng thời tái nhấn mạnh các hành động của chính quyền nước này nhằm duy trì các quyền chủ quyền và lợi ích nói trên từ năm 1949.
Trung Quốc cũng xác định bốn thành tố trong các quyền và lợi ích của mình tại Biển Đông, đó là: chủ quyền đối với các đảo cùng với vùng nội thủy của chúng; các vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải dựa trên Quần đảo Trường Sa; một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và quyền đối với thềm lục địa dựa trên Quần đảo Trường Sa; và các quyền lịch sử khác. Bản tuyên bố lặp đi lặp lại việc Trung Quốc phản đối các nước khác chiếm đóng một phần Quần đảo Trường Sa nhưng lại bày tỏ cam kết của nước này đối với tự do hàng hải và lưu thông tàu thuyền quốc tế.
Đây có lẽ là tóm lược đầy đủ nhất về các yêu sách của Trung Quốc từng được đưa ra trong một văn bản chính thức. Những yêu sách kể trên không hề mới, nhưng trước đây, chúng chưa từng xuất hiện trong cùng một văn bản. Ví dụ, yêu sách về “các quyền lịch sử” đã được đưa ra trong luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc năm 1998, nhưng văn bản này lại không đề cập đến đường chín đoạn. Trong công hàm ngoại giao gửi đến Liên Hợp Quốc năm 2009, lần đầu tiên bản đồ đường chín đoạn được công bố chính thức nhưng các quyền lịch sử lại không được nhắc đến. Trong một công hàm khác gửi cho Liên Hợp Quốc năm 2011, Trung Quốc nói cụ thể rằng Quần đảo Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng lại không đề cập đến bản đồ đường chín đoạn hoặc “các quyền lịch sử”.
Theo tuyên bố mới đây này, đường chín đoạn được tạo ra với mục đích “tăng cường sự quản lí” đối với các đảo được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bản tuyên bố không hề nhắc đến “các quyền lịch sử”.
Việc loại bỏ mối liên hệ giữa đường chín đoạn và “các quyền lịch sử” của Trung Quốc tự nó sẽ không có ý nghĩa mấy nếu cả hai không được đề cập đến trong bản tuyên bố. Nhưng cả hai đều được liệt kê trong bốn thành tố tạo nên yêu sách biển của Trung Quốc, tách biệt với các yêu sách lãnh thổ thể hiện qua đường chín đoạn.
Bằng cách đề cập đến bản đồ đường chín đoạn như một minh chứng cho chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các đảo – nhưng lại không gắn nó với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và “các quyền lịch sử” mà tuyên bố cũng đề cập – bản tuyên bố cơ bản đã tách đường chín đoạn ra khỏi các yêu sách biển của Trung Quốc trong khu vực này. Mối liên hệ ngầm giữa hai điều này chính là cơ sở cho một trong các phán quyết chính của tòa chống lại Trung Quốc.
Sách Trắng của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông được công bố cùng ngày cũng đưa ra các tuyên bố có thẩm quyền khác, thậm chí còn chi tiết hơn, về các yêu sách của nước này tại Biển Đông.
Có lẽ điều quan trọng đáng kể nhất của văn bản này là cách sử dụng ngôn từ cực kì khôn khéo: đó là việc Trung Quốc dùng cụm từ Nanhai Zhudao (南海诸岛 – Nam Hải Chư Đảo) làm cơ sở cho yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Cụm từ này có nghĩa là “các đảo khác nhau trên Biển Đông” theo tiếng Quan thoại, được viết theo kiểu bính âm (pinyin) chứ không phải được dịch ra tiếng Anh, trong phiên bản tiếng Anh của Sách Trắng.
Bối cảnh là rất quan trọng. Trung Quốc từng khẳng định rõ ràng trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2011 rằng Quần đảo Nam Sa (Nansha Qundao – 南沙群島)- tức Quần đảo Trường Sa – “hoàn toàn được hưởng” vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sách Trắng không lặp lại tuyên bố này, mà thay vào đó lại sử dụng cụm từ Nam Hải Chư Đảo, một cụm từ chỉ toàn bộ các đảo xa bờ mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền trong khu vực, làm cơ sở cho các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Sự thay đổi nhỏ này giúp quan điểm của Trung Quốc không mâu thuẫn với phán quyết của tòa về việc Quần đảo Trường Sa chỉ bao gồm các đảo đá: bởi Nam Hải Chư Đảo cũng bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), là nơi mà các đảo hoặc đảo đá chưa được tòa ra phán quyết.
Đảo Phú Lâm (Woody Island) – đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Hoàng Sa có diện tích lớn gấp 4-5 lần diện tích Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) – đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Trường Sa, đồng thời có vị trí gần hơn nhiều so với đường bờ biển của cả Trung Quốc và Việt Nam. Vì lí do này, hòn đảo này có thể có sự hiện diện của con người rõ ràng hơn trong suốt lịch sử. Chính vì vậy, đảo này có khả năng cao hơn trong việc tránh được phán quyết là “đảo đá không thể duy trì được đời sống con người”, qua đó có thể giúp duy trì được yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tốt hơn.
Thậm chí, ngay cả khi Trung Quốc chỉ trích các phán quyết là “trò hề” và tuyên bố dõng dạc rằng Trung Quốc sẽ không chấp thuận, không tuân thủ và không thi hành phán quyết, các giải thích khôn khéo này sẽ làm tăng khả năng các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông có vẻ tuân thủ UNCLOS như đã trình bày ở trên.
Dĩ nhiên, điều này không hàm ý rằng họ sẽ bắt đầu vẽ các đoạn mới trên bản đồ để khiến các đề xuất này trở nên rõ ràng hơn – mà có vẻ như họ sẽ muốn tránh dạng minh họa vốn hàm ý sự xuống nước như vậy.
Nhìn chung dư luận Trung Quốc có vẻ không nhận thức được (hoặc không quan tâm đến) sự khác biệt giữa yêu sách chủ quyền (đối với các thực thể) và yêu sách đối với các vùng biển. Tuy nhiên sự khác biệt là rất quan trọng bởi vì sự thực thi quá đà các yêu sách biển của Trung Quốc – chứ không phải là các yêu sách chủ quyền lãnh thổ – đã gây ra rất nhiều căng thẳng và quan ngại từ năm 2007.
Cho đến nay, các cổng thông tin lớn ở Trung Quốc đều đưa ra các dòng tít với cùng một nội dung xoay quanh việc: “Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố các Quần đảo ở Biển Đông luôn luôn thuộc về Trung Quốc” – một tuyên bố mà tòa trọng tài UNCLOS không hề phản đối. Việc lái sự chú ý về hướng quan điểm có vẻ cứng rắn về chủ quyền lãnh thổ này là một vỏ bọc chính trị tốt để Trung Quốc có thể âm thầm làm rõ các yêu sách biển của mình, điều có thể đang diễn ra.
Andrew Chubb là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Tây Úc (University of Western Australia). Ông đang tiến hành các nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc và công luận trong chính sách đối ngoại Trung Quốc.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]