Trút gánh nặng khỏi Thế Hệ Facebook

facebgen

Nguồn: Mohamed A. El-Arian, “Unburdening the Facebook Generation”, Project Syndicate, 18/07/2016.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một lần nữa, những người trẻ tuổi lại phải chịu thiệt thòi về chính trị. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit của nước Anh một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các thế hệ, xuất hiện từ quan điểm chính trị, cho tới mức thu nhập, và chủng tộc.

Gần 75% cử tri Anh tuổi từ 18-24 đã bầu “Ở lại” Liên minh châu Âu, để rồi bị áp đặt lựa chọn “Rời bỏ” bởi những cử tri già hơn. Và đây chỉ là một trong nhiều cách mà tương lai kinh tế của thế hệ mới và con cái của họ bị định đoạt bởi những người khác.

Tôi đã gần 60 tuổi, và tôi lo rằng thế hệ của chúng ta sẽ được ghi nhớ trong thế giới hiện đại – một cách thật  xấu hổ và đáng buồn – là thế hệ đã không hiểu về kinh tế.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tới gần, chúng ta say sưa với đòn bẩy tài chính, ngày càng cảm thấy cần phải sử dụng tín dụng để hưởng mức sống vượt quá khả năng chi trả và chấp nhận quá nhiều rủi ro đầu cơ tài chính. Chúng ta dừng đầu tư vào các động cơ tăng trưởng thực sự, để cho cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống giáo dục tụt hậu, và bỏ bê các chương trình đào tạo và tái trang bị cho công nhân.

Chúng ta để ngân sách bị bắt làm con tin bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, điều đã gây ra sự phân mảnh trong hệ thống thuế, và không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này dẫn tới một định hướng phản tăng trưởng không công bằng trong bộ máy kinh tế. Và chúng ta cũng đã chứng kiến sự bất bình đẳng tăng rõ rệt, không chỉ về thu nhập và của cải, mà còn về cả cơ hội. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đáng lẽ ra nên là hồi chuông cảnh tỉnh. Vậy mà không. Thay vì sử dụng cuộc khủng hoảng để xúc tiến thay đổi, chúng ta về bản chất đã bị hạ gục để rồi lại tiếp tục làm vậy.

Cụ thể, chúng ta đơn giản là đã đổi từ tín dụng và nợ của các tổ chức tư thành của các tổ chức công. Chúng ta đổi một hệ thống ngân hàng ôm hàng đống nợ để đổi lấy những lần bơm thanh khoản thí nghiệm bởi một cơ quan quản lý tiền tệ quá tích cực. Trong quá trình đó, chúng ta đặt gánh nặng quá lớn lên các ngân hàng trung ương, gây rủi cho sự tín nhiệm, tự chủ chính trị, cũng như ổn định tài chính  trong tương lai của chúng.

Sau cuộc khủng hoảng, chúng ta đã chuyển nợ từ bảng cân đối tài chính của các ngân hàng lên người đóng thuế, cả hiện tại và tương lai, và chúng ta lại thất bại trong việc sửa chữa sai sót của khu vực tài chính đã được chúng ta giải cứu. Chúng ta đã để cho bất bình đẳng trở nên tệ hơn, và đứng nhìn khi quá nhiều thanh niên Châu Âu héo hon vì thất nghiệp, gây ra hiểm họa về việc chuyển từ trạng thái thất nghiệp tới không thể tuyển dụng được.

Tóm lại, chúng ta đã làm quá ít để tiếp sinh lực cho những động cơ tăng trưởng đồng bộ bền vững, vì vậy cũng làm giảm sản lượng tiềm năng và đe dọa tới thành quả kinh tế trong tương lại. Và chúng ta càng làm cho những sai lầm này trở nên trầm trọng hơn khi không thể hành động vì sự ổn định trong dài hạn, đặc biệt vì sự cố kết của hành tinh và xã hội.

Kinh tế èo uột tất sẽ dẫn đến chính trị rối ren, khi ngày càng nhiều dân chúng mất niềm tin vào tổ chức chính trị, tầng lớp quản lý doanh nghiệp, và ý kiến chuyên gia. Sự phân mảnh chính trị, bao gồm sự nổi lên của các phong trào bên lề và chống chính quyền chính thống, đã khiến việc tạo ra các phản ứng chính sách về kinh tế còn khó khăn hơn.

Để thêm dầu vào lửa, giờ chúng ta đang cho phép một cuộc điều tiết phản kháng lại những sáng tạo công nghệ vốn phá hủy những ngành công nghiệp lâu đời nhưng không hiệu quả, và mang lại sự kiểm soát cuộc sống và phúc lợi tốt hơn cho người dùng. Sự hạn chế gia tăng với các công ty như Airbnb và Uber đã ảnh hưởng rất mạnh lên giới thanh niên, cả trên phương diện người sản xuất hay tiêu thụ.

Nếu chúng ta không sớm thay đổi, những thế hệ tiếp nối sẽ đối mặt với những xu hướng kinh tế, tài chính và chính trị tự gia cố, điều sẽ gây khó khăn cho họ với tăng trưởng quá thấp, quá nhiều nợ, sự thổi phồng giá trị tài sản một cách nhân tạo, mức bất bình đẳng đáng báo động, và sự phân cực đảng phái chính trị. May thay, chúng ta đã nhận thức được vấn đề đang xảy ra, lo lắng về những hậu quả của nó, và hiểu được cách làm thế nào để mang lại những thay đổi mấu chốt.

Với vai trò của sáng tạo công nghệ, hầu hết được dẫn dắt bởi giới thanh niên, chỉ một sự tái định hướng nhỏ cũng có thể có một ảnh hưởng giàu ý nghĩa và nhanh chóng lên nền kinh tế. Thông qua một cách tiếp cận chính sách toàn diện hơn, chúng ta có thể biến chu kỳ tồi tệ của kinh tế đình trệ, bất động xã hội, và thị trường hỗn loạn thành một chu kỳ tốt đẹp của tăng trưởng bao trùm, ổn định tài chính thật sự, và sự cố kết chính trị lớn hơn. Điều đặc biệt cần thiết là những tiến bộ đồng thời về cải cách cấu trúc hỗ trợ tăng trưởng, quản lý cầu tốt hơn, giải quyết vấn đề nợ quá mức, và cải thiện các khuôn khổ chính sách khu vực và toàn cầu.

Dù rất được khao khát, những thay đổi đó chỉ thành hiện thực nếu chúng ta đặt những áp lực mang tính xây dựng lớn hơn lên các chính trị gia. Nói đơn giản, rất ít chính trị gia sẽ coi trọng những thay đổi hứa hẹn mang lại những lợi ích lâu dài nhưng đem lại những bất ổn ngắn hạn. Và những cư tri lớn tuổi ủng hộ họ sẽ chống lại bất cứ sự giảm bớt quyền lợi có ý nghĩa nào đối với họ – và thậm chí xoay qua ủng hộ các chính trị gia dân túy và các giải pháp sơ sài một cách nguy hiểm như Brexit khi họ nhận thấy mối đe dọa đối với lợi ích của mình.

Thật buồn khi giới thanh niên đã trở nên quá mức dễ dãi khi nói đến vấn đề tham gia chính trị, đặc biệt là về các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chính họ và con cái họ. Dù gần ba phần tư những cử tri trẻ tuổi (tham gia bỏ phiếu) đồng ý với chiến dịch “Ở lại” của nước Anh, nhưng chỉ một phần ba tổng số cử tri thanh niên tham gia bỏ phiếu. Ngược lại, mức độ tham gia của những cư tri trên 65 tuổi lại lớn hơn 80%. Không có gì ngạc nhiên khi sự vắng mặt của những người trẻ tuổi ở các cuộc bầu cử đã đặt quyền quyết định vào tay những cử tri già hơn, những người có sự ưu tiên và động lực khác hẳn, dù có là tự nhiên.

Giới thanh niên đã giành được tiếng nói đáng kể hơn nhiều trong cách họ kết nối, di chuyển, thu thập và phổ biến thông tin, tập hợp nguồn lực, tương tác với doanh nghiệp, và nhiều thứ nữa. Giờ đây họ phải tìm kiếm một tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc chọn ra những đại diện chính trị cho mình và khiến họ chịu trách nhiệm giải trình. Nếu họ không làm vậy, thế hệ của tôi sẽ – hầu hết là vô tình- tiếp tục vay mượn nhiều hơn nữa từ tương lai của họ.

Mohamed A. El-Erian  hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama. Trước đây ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của PIMCO. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Cuốn When Markets Collide của ông đã được tờ Financial Times/Goldman Sachs bình chọn là Cuốn sách của Năm và được tờ The Economist bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Unburdening the Facebook Generation
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]