Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Globalization and its New Discontents”, Project Syndicate, 05/08/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Mười lăm năm trước, tôi có viết một cuốn sách nhỏ với nhan đề “Toàn cầu hóa và những mặt trái” (Globalization and its Discontents) bàn về sự phản đối ngày càng gay gắt đối với các cải cách theo hướng toàn cầu hóa ở những nước đang phát triển. Điều này có vẻ khó hiểu vì người dân ở các nước đang phát triển được giảng giải rằng toàn cầu hóa sẽ làm tăng thêm sự thịnh vượng chung. Vậy thì tại sao nhiều người lại chống đối quá trình này?
Hiện tại, những người phản đối toàn cầu hóa tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã được gia nhập bởi hàng chục triệu người ở những nước phát triển. Nhiều khảo sát ý kiến, trong đó có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ của Stanley Greenberg và các cộng sự tại Viện Roosevelt, cho thấy rằng thương mại là một trong những nguyên nhân chính gây bất mãn cho phần lớn người Mỹ. Ở Châu Âu, người dân cũng có quan điểm tương tự.
Làm thế nào mà một điều được các nhà lãnh đạo – cũng như các nhà kinh tế – tuyên bố rằng sẽ khiến tất cả mọi người được sung túc hơn lại bị chỉ trích như thế?
Một câu trả lời thỉnh thoảng được các nhà kinh tế tân tự do, những người ủng hộ những chính sách này, đưa ra là mọi người đang sống sung túc hơn. Nhưng người dân lại không hề nhận ra điều này. Sự bất mãn của họ là vấn đề dành cho những bác sĩ tâm lý chứ không phải dành cho những nhà kinh tế.
Nhưng dữ liệu về thu nhập chỉ ra rằng những nhà tân tự do mới chính là những người cần liệu pháp tâm lý. Phần đông dân số ở các nước tiên tiến có cuộc sống không được tốt lắm: tại Mỹ, 90% người dân phải trải qua giai đoạn trì trệ lương kéo dài 1/3 thế kỉ. Thu nhập trung bình của lao động nam toàn thời gian thực chất thấp hơn (do điều chỉnh theo lạm phát) 42 năm trước. Thu nhập thực của những người tầng lớp thấp dưới đáy chỉ bằng với thu nhập của 60 năm trước.
Các tác động của những tổn thương và những thay đổi trong kinh tế mà rất nhiều người Mỹ đang phải trải qua thậm chí còn có thể thấy trong các thống kê y tế. Ví dụ, hai nhà kinh tế Anne Case và Angus Deaton – người đoạt giải Nobel năm nay – đã chỉ ra rằng tuổi thọ của nhiều nhóm người Mỹ da trắng đang suy giảm.
Tình hình ở Châu Âu có vẻ tốt hơn chút ít – nhưng vẫn chỉ là chút ít.
Cuốn sách mới của Branko Milanovic với nhan đề “Bất bình đẳng Toàn cầu: Cách tiếp cận Mới cho Thời đại Toàn cầu hóa” (Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization) mang lại một số cái nhìn sâu sắc về người thắng kẻ bại khi xét về thu nhập trong vòng hai thập niên từ 1988 đến 2008. Những người được lợi là những nhà tài phiệt chỉ chiếm 1% dân số thế giới và tầng lớp trung lưu ở những nền kinh tế mới nổi. Những người thua thiệt nhất – chỉ được lợi một ít hoặc không được gì – là những người dưới đáy xã hội cũng như tầng lớp trung lưu và dân lao động tại các nước phát triển. Toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là một trong nhiều nguyên nhân.
Theo giả định về các thị trường hoàn hảo (vốn là nền tảng cho các phân tích của kinh tế học tân tự do), thương mại tự do sẽ khiến lương của lao động kỹ năng thấp trên thế giới bằng nhau. Trao đổi hàng hóa là biện pháp thay thế cho sự dịch chuyển của con người. Việc nhập hàng hóa từ Trung Quốc – những mặt hàng đòi hỏi rất nhiều lao động kỹ năng thấp – sẽ làm giảm nhu cầu đối với lao động kỹ năng thấp ở Châu Âu và Mỹ.
Lực đẩy này mạnh mẽ đến nỗi nếu như không tính chi phí vận chuyển và nếu Mỹ và Châu Âu không có các nguồn lợi thế so sánh khác như công nghệ, thì cuối cùng lao động Trung Quốc sẽ tiếp tục di cư sang Mỹ và Châu Âu cho đến khi chênh lệch về tiền lương bị xóa bỏ hoàn toàn. Không có gì bất ngờ khi những nhà tân tự do chẳng bao giờ quảng cáo về hậu quả của tự do hóa thương mại như cách mà họ từng tuyên bố – mà nhiều người có thể cho là nói dối – rằng tất cả mọi người đều hưởng lợi.
Thất bại của toàn cầu hóa trong việc thực hiện những hứa hẹn của các chính khách dòng chính chắc chắn đã làm mai một lòng tin và sự tín nhiệm đối với tầng lớp lãnh đạo chính thống. Và những gói cứu trợ hào phóng của chính phủ dành cho các ngân hàng vốn đã gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong khi bỏ mặc hầu hết những người dân thường để họ phải tự bảo vệ mình, càng làm củng cố quan điểm rằng thất bại này không chỉ đơn thuần liên quan đến những đánh giá sai lầm về kinh tế.
Ở Mỹ, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa thậm chí còn phản đối việc hỗ trợ những người trực tiếp bị thua thiệt từ toàn cầu hóa. Rộng hơn nữa, những nhà tân tự do, chắc chắn đã lo ngại về những tác động mang tính khuyến khích bất lợi, nên đã phản đối các biện pháp phúc lợi giúp bảo vệ những người thua thiệt (do toàn cầu hóa).
Nhưng họ không thể có cả hai điều này: nếu muốn toàn cầu hóa mang lợi ích đến cho hầu hết các thành viên trong xã hội thì nó phải đi kèm các biện pháp bảo vệ xã hội (cho người bị thua thiệt vì toàn cầu hóa). Người Scandinavia đã nhận ra điều đó từ lâu; đó là một phần của khế ước xã hội nhằm duy trì một xã hội mở – mở với toàn cầu hóa và những thay đổi công nghệ. Những nhà tân tự do ở những nơi khác vẫn chưa nhận ra điều đó – và hiện nay, trong các cuộc bầu cử tại Mỹ và Châu Âu, họ đang phải chịu sự trừng phạt.
Dĩ nhiên toàn cầu hóa chỉ là một phần nguyên nhân của những gì đang diễn ra; đổi mới công nghệ là một phần khác. Nhưng tất cả những sự cởi mở và biến động này được xem là khiến chúng ta giàu hơn, và những nước phát triển đáng lẽ nên đưa ra những chính sách bảo đảm lợi ích sẽ được phân phối rộng khắp.
Thay vào đó, họ thúc đẩy các chính sách tái cấu trúc thị trường theo cách làm tăng thêm bất bình đẳng thu nhập và làm mai một nền kinh tế nói chung; tăng trưởng thật sự đã chậm lại bởi vì luật chơi đã được viết lại nhằm nâng cao lợi ích của các ngân hàng và các tập đoàn – những kẻ giàu mạnh – bỏ mặc lợi ích của những người còn lại. Khả năng mặc cả của người lao động đã suy yếu; ở Mỹ, các luật cạnh tranh đã không theo kịp thời đại; còn những luật hiện hành không được thực thi đầy đủ. Tài chính hóa vẫn diễn ra nhanh còn quản trị tập đoàn ngày càng tệ.
Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách gần đây của mình “Viết lại các Quy tắc cho nền Kinh tế Mỹ” (Rewriting the Rules of the American Economy), luật chơi cần phải được sửa đổi lần nữa – và phải bao hàm các biện pháp để chế ngự toàn cầu hóa. Hai hiệp định lớn mà Tổng thống Obama đang thúc đẩy – Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và 11 nước vùng vành đai Thái Bình Dương, và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ – là những bước đi sai lầm.
Thông điệp chính của cuốn “Toàn cầu hóa và những Mặt trái” là: vấn đề không phải là do toàn cầu hóa, mà là do cách người ta quản lý quá trình này. Thật không may là cơ chế quản lý này đã không thay đổi. 15 năm sau, những sự bất mãn mới đã mang thông điệp này đến với các nền kinh tế phát triển.
Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel Kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và từng là Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Quyển sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là quyển Xây dựng Xã hội Học tập: Phương pháp Mới để Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ Xã hội.
Xem thêm: Tại sao người Mỹ da trắng đang tự hủy hoại bản thân?
Copyright: Project Syndicate 2016 – Globalization and its New Discontents
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]