Nguồn: Ngaire Woods, “Why Don’t We Trust Our Leaders?”, Project Syndicate, 03/08/2016
Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ở những nền dân chủ tiến bộ ngày nay, lãnh đạo chính trị đang ngày càng trở thành một khả năng mở ai cũng có thể tham gia tranh giành. Các cử tri, rõ ràng đã quá mỏi mệt với tình trạng hiện tại, muốn thay đổi ở tầng lớp trên, khiến thậm chí các chính trị gia dòng chính của các chính đảng lớn cũng phải vật lộn để bổ nhiệm những lãnh đạo mà họ muốn.
Tại Anh, nỗ lực bãi nhiệm nhà lãnh đạo Jeremy Corbyn của các nghị sĩ Công Đảng đã bị cản trở. Tại Nhật, Hiroya Masuda, người được Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đề bạt cho vị trí thống đốc thành phố Tokyo, đã thất bại thảm hại trước Yuriko Koike. Còn ở Mỹ, Đảng Cộng hòa muốn bất kỳ ai trừ Donald Trump được đề cử làm ứng viên tổng thống, nhưng phần thắng vẫn về tay Trump. Và trong khi Đảng Dân chủ đang được đại diện bởi ứng viên sáng giá nhất của họ, Hillary Clinton, thì đối thủ cùa bà, Bernie Sanders, đã chống trả mạnh mẽ hơn những gì mọi người mong đợi.
Thông điệp dành cho giới chính trị gia dòng chính là rất rõ ràng: chúng tôi không còn tin tưởng quý vị nữa. Nhưng một vài nhà lãnh đạo thực sự được người dân tin tưởng lại mang đến một hiểm họa vô cùng rõ ràng – cho chính những người ủng hộ họ, cho đất nước họ và toàn thế giới.
Trump – với sự ngưỡng mộ của ông dành cho các nhà độc tài, cùng thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính một cách trắng trợn, sự thiếu hiểu biết các vấn đề, và tính khí thất thường – đứng đầu danh sách này. Những người dẫn đầu chiến dịch đưa nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu – cụ thể là những đảng viên Đảng Bảo thủ như Boris Johnson (hiện là ngoại trưởng Anh) và Nigel Farage, lãnh đạo dân túy cánh hữu của Đảng Anh quốc Độc lập – cũng bị mất uy tín nghiêm trọng khi liều lĩnh đe dọa tương lai của cả Vương quốc Anh lẫn Liên minh Châu Âu.
Nếu các nhà lãnh đạo dòng chính muốn thay đổi suy nghĩ của cử tri, họ cần suy ngẫm thật cẩn thận về ý nghĩa thật sự của lãnh đạo. Ở đây, việc nhắc lại những quan điểm của đại tướng Hoa Kỳ George C. Marshall, người đã suy ngẫm về chủ đề này trong thời gian xây dựng lại quân đội Hoa Kỳ vào những năm 1940, là vô cùng thích đáng.
Marshall lập luận rằng khả năng lãnh đạo không nằm ở tài hùng biện, mà ở tố chất. Cụ thể, các lãnh đạo phải thể hiện 3 đức tính cốt lõi nhằm giành được sự tin tưởng để dẫn dắt một cách hiệu quả: tính mục đích, chí công vô tư, và năng lực.
Tính mục đích, theo quan niệm của ông, có nghĩa là đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Phong cách lãnh đạo này vẫn còn tồn tại. Một ví dụ sáng giá ở đây là Jo Cox, nghị sĩ Anh trẻ tuổi đã bị giết hại trong chiến dịch Brexit, người mà khả năng lãnh đạo trong việc đấu tranh cho quyền lợi của dân nhập cư đã được cả đối thủ của bà công nhận.
Nhưng, trong nhiều trường hợp, chính trị đã trở thành vấn đề quảng bá cá nhân – một cuộc đua tranh giành xếp hạng. Trong nền văn hóa của các ngôi sao ngày nay, các chính trị gia buộc phải là những “nhân vật” cá tính. Họ vận động tranh cử như người tham gia trong các chương trình truyền hình thực tế. Trump, với ngoại hình gây cười và bản lý lịch trong ngành giải trí, có lẽ là đại diện tiêu biểu nhất của xu hướng chuyển dịch này. (Tờ The Huffington Post thậm chí đã phát hành một chuyên đề về chiến dịch tranh cử của Trump trong chuyên mục giải trí vào mùa hè rồi.)
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ điều này có thể dẫn đến sự thắng cử của những nhà lãnh đạo không đủ khả năng. Nó còn có nghĩa là, một khi đã được bầu, ngay cả những nhà lãnh đạo đủ tư cách cũng gặp khó khăn trong việc loại trừ yếu tố cá nhân ra khỏi những quyết định của họ, và thay vào đó phục vụ đất nước một cách công tâm.
Mầm họa của sự trượt dài này đã được vạch trần trong một văn bản vừa được tiết lộ trong Cuộc điều tra của Ủy ban Chilcot. Văn bản này do cựu thủ tướng Tony Blair gửi cho cựu tổng thống Mỹ George W. Bush trước thềm Chiến tranh Iraq. “Tôi sẽ về phe anh, sao cũng được”, văn bản đã mở đầu như vậy. Ông ấy đang nói đến việc dẫn dắt đất nước mình tiến vào chiến tranh. Thế nhưng văn phong của ông thể hiện rằng sự thân thiết cá nhân của ông với Bush bằng cách nào đó đã lấn lướt trách nhiệm của ông trong vai trò Thủ tướng.
Lãnh đạo với mục đích chung, hơn là tính cá nhân, có liên hệ chặt chẽ với tính chí công vô tư mà Marshall đã cho là cốt lõi. Một khi đã nắm quyền, các nhà lãnh đạo cần hành động với sự công bằng và chân thật. Họ phải cưỡng lại cám dỗ sử dụng quyền lực vì những lợi ích của cá nhân và gia đình họ, hoặc nhóm sắc tộc của họ, và từ chối sự lôi cuốn, dù có mạnh mẽ đến mức nào, của việc dành cho bạn bè, nhà tài trợ và người vận động hành lang những đặc quyền và sự bảo vệ.
Duy trì sự công bằng là một điều không hề dễ dàng, nhưng nó hoàn toàn có thể. Năm 2011, Tổng thống nước Cộng hòa Cape Verde là Pedro Pires đã được trao tặng Giải thưởng Ibrahim vì những thành tựu lãnh đạo của ông tại châu Phi, vì đã đưa đất nước của ông trở thành “một hình mẫu của dân chủ, ổn định và sự phồn vinh gia tăng.” Pires rời nhiệm kỳ với đôi bàn tay trắng, không có đến một ngôi nhà riêng; ông đã làm việc vì nhân dân, chứ không vì sự giàu có của bản thân mình.
Tiêu chuẩn thứ ba của một nhà lãnh đạo giỏi – thực lực – không chỉ đề cập đến khối lượng kiến thức mà họ sở hữu. Như Marshall đã lưu ý, nó còn bao hàm khả năng học hỏi từ sai lầm cũng như chuẩn bị cho bản thân người lãnh đạo và những người xung quanh họ trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Theo đó, việc Chilcot lên án sự thiếu chuẩn bị của Anh trong cuộc Chiến tranh Iraq và những hậu quả của nó là hoàn toàn xác đáng. Tương tự là sự thiếu kế hoạch hành động sau cuộc trưng cầu dân ý của những người cổ xúy cho Brexit.
Đã đến lúc cần làm sống lại khả năng lãnh đạo tốt. Các cử tri cần nhìn thấy được những ứng viên có mục đích, sự công bình và thực lực. Nếu không, họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu chống lại những chính trị gia dòng chính mà họ tin rằng đã làm họ thất vọng – cho dù điều đó có nghĩa là bầu chọn cho sự hỗn loạn tại châu Âu hay cho một kẻ ái kỷ tại Mỹ.
Ngaire Woods là Hiệu trưởng Trường Blavatnik về Quản trị chính quyền và là Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Oxford.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Why Don’t We Trust Our Leaders?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]