Tác giả: Lê Thành Lâm
Thuật ngữ Trục ác quỷ được Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra trong Thông điệp Liên bang vào ngày 29 tháng 1 năm 2002 nhằm chỉ các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố và có ý định sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm CHDCND Triều Tiên, Iraq và Iran. Một cách sâu rộng hơn, chính quyền Bush còn muốn khẳng định rằng những quốc gia kể trên có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các đồng minh của Mỹ và hòa bình thế giới. Từ đây, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để mở rộng danh sách các quốc gia trong Trục ác quỷ. Trong bài diễn văn ngày 6 tháng 5 năm 2002, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John K. Bolton đã tuyên bố Lybia, Syria và Cuba cũng có dấu hiệu tài trợ khủng bố hoặc đang thúc đẩy các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đe dọa nước Mỹ.
Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào nước Mỹ đã gây thiệt hại cho nước này trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và quân sự. Sau sự kiện này, Chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa mang tính toàn cầu và nước Mỹ nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Do đó, thuật ngữ Trục ác quỷ đã thể hiện sự rõ sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bush sau sự kiện khủng bố ngày 11/9. Nó thể hiện thái độ cứng rắn hơn của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và việc thay đổi thể chế ở những quốc gia này.
Khái niệm “Trục” |
Thuật ngữ “trục” lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà độc tài người Ý Mussolinin (1883-1945) vào ngày 1 tháng 11 năm 1936 để miêu tả mối quan hệ giữa Phát xít Ý và Đức quốc Xã được thành lập bởi Hiệp ước Tháng Mười năm 1936. Sau khi Hiệp ước Ba bên giữa Đức, Ý, Nhật được ký ngày 27 tháng 9 năm 1940, thuật ngữ ‘Trục cường quốc’ được sử dụng trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai để chỉ mối liên kết giữa 3 nước thuộc phe Phát xít cùng với các đồng minh ở Đông Âu, Bungari, Hungary, Rumani và Slovakia. |
Vì sao ba quốc gia là CHDCND Triều Tiên, Iran và Iraq bị Mỹ liệt vào danh sách Trục ác quỷ?
Triều Tiên, nước được cho là đang phát triển chương trình làm giàu uranium và đã vi phạm điều khoản ký kết năm 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên về việc Mỹ đồng ý giúp Triểu Tiên xây dựng nhà máy phản ứng nước nhẹ và cung cấp 500.000 tấn dầu nguyên chất hàng năm để Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Điều này càng làm tăng mối nghi ngờ của Mỹ về việc Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài việc sở hữu tên lửa Scud và No Dong, Triều Tiên còn phát triển tên lửa tầm xa Taepo Dong-2 có khả năng bắn tới các mục tiêu ở nước Mỹ. Điểu này rõ ràng đe dọa an ninh của Mỹ. Theo Tổng thống George W. Bush, một nguyên nhân nữa là việc Triều Tiên đang vi phạm nhân quyền khi tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự bất chấp sự nghèo đói đang giết chết nhiều người dân nước này. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Chỉ có một mối liên hệ duy nhất với chủ nghĩa khủng bố được đưa ra là việc Triều Tiên tiếp tục cung cấp chỗ trú ẩn cho những thành viên của lực lượng Hồng quân Nhật Bản (Japanese Communist League – Red Army Faction) đã tham gia cướp chiếc máy bay của Nhật Bản trên đường tới Triều Tiên năm 1970. Tuy nhiên với 6 thành viên chủ chốt còn lại, lực lượng này khó có thể đe dọa được nước Mỹ.
Giới chức quân sự Mỹ cho rằng Iran hiện vẫn đang sở hữu kho vũ khí hóa học đã được sản xuất từ thời chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988). Ngoài ra, Iran còn đang tìm kiếm các nguyên liệu công nghệ sinh học vừa sử dụng cho mục đích dân sự vừa có khả năng ứng dụng vào các cuộc chiến tranh sinh học, thậm chí có thể sản xuất ra vũ khí sinh học. Mặc dù Iran tuyên bố rằng việc làm giàu uranium là để cung cấp nguyên liệu cho các lò phản ứng vì mục đích hòa bình của nước này, cả Mỹ và châu Âu đều tin rằng quá trình làm giàu uranium của Iran nhằm đáp ứng việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, một số nhóm khủng bố được tài trợ bởi Iran như Hezbollah, Hamas, hay phong trào Hồi giáo Jihad ở Palestine chủ yếu tập trung các cuộc tấn công khủng bố chống lại Israel chứ không nhằm vào Mỹ.
Trường hợp của Iraq dường như khó khăn hơn Iran và Triểu Tiên khi chính quyền Saddam Hussein công khai chống đối Mỹ và ủng hộ những lực lượng khủng bố trong nước. Chính quyền Bush cũng nghi ngờ Iraq đang phát triển vũ khí sinh hóa học như khuẩn than, khí độc thần kinh và vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn, Mỹ cho rằng nước này đang mưu toan trở thành một cường quốc khu vực ở Trung Đông. Tham vọng này cùng với thái độ chống đối Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh của Mỹ. Ngoài ra, Iraq còn là nơi Mặt trận Tự do Ảrập, Mặt trận Tự do Palestine (PLF) và Tổ chức Abu Nidal (ANO) có cơ sở ở Baghdad. Giống như các nhóm được tài trợ bởi Iran, các nhóm này nhằm chống lại Israel và không lấy Mỹ làm mục tiêu tấn công trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lo sợ về một trục ác quỷ được hình thành và khả năng đe dọa an ninh nước Mỹ của Iraq, chính quyền Bush đã phát động cuộc tấn công của liên minh quân sự vào Iraq tháng 3 năm 2003 để tiêu diệt và lật đổ chế độ Saddam Hussein.
Như vậy, theo nhận định của chính quyền Bush ba nước này đều có liên quan hoặc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù một vài nhóm khủng bố tại những nước này không nhằm mục tiêu tấn công trực tiếp vào nước Mỹ hoặc một số cuộc tấn công đã nổ ra trước đó gần 20 năm nhưng lo sợ về một cuộc tấn công khủng bố mới có thể xảy ra, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn liệt kê các nước này vào Trục ác quỷ.
Thuật ngữ Trục ác quỷ đã nhanh chóng trở nên phổ biến, tạo ra sự cảnh báo về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và khiến phong trào chống khủng bố toàn cầu được đẩy lên cao. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng bị chỉ trích bởi các nhà chính trị châu Âu và nhiều nước khác. Những người theo chủ nghĩa đa phương lo lắng rằng Mỹ đang tiến đến Chủ nghĩa đơn phương. Những người chỉ trích gay gắt hơn cho rằng Tổng thống Bush là mối đe dọa tới hòa bình thế giới khi đưa ra thuật ngữ này. Cuộc chiến ở Iraq cùng với những lo ngại về một cuộc chiến có thể xảy ra ở Iran và những căng thẳng trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên những năm gần đây đã làm dấy lên những lo ngại rằng cái mác “Trục ác quỷ” có thể tiếp tục đe dọa các mối quan hệ hữu nghị và tính dân chủ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Nhiều người cho rằng Trục ác quỷ là một cách thể hiện rằng chính quyền Bush sẽ không tha thứ cho ý đồ đen tối của bất kỳ quốc gia bất hảo (rogue state) nào. Khái niệm quốc gia bất hảo đã được chính quyền Bush đưa ra trước vụ khủng bố ngày 11/9 để ám chỉ những quốc gia cung cấp vũ khí sinh hóa học và vũ khí hạt nhân cho những tên khủng bố. Nó gợi ra hình ảnh về một quốc gia có thái độ bài ngoại, kiêu ngạo, đàn áp và hay gây hấn với các quốc gia khác, bất chấp các quy tắc của xã hội quốc tế, và là một sự đe dọa đến hòa bình quốc tế. Việc đề cập đến một quốc gia bất hảo còn là một cách biện minh cho một số lựa chọn chính sách cũng như kêu gọi sự ủng hộ của công chúng cho một số hành động chống lại các nhà nước khác. Như vậy, Trục ác quỷ có thể được xem như là một bước phát triển từ khái niệm quốc gia bất hảo.
Như vậy, thuật ngữ Trục ác quỷ thực chất được xem như là sự thanh minh cho việc mở rộng cuộc chiến chống khủng bố của của Tổng thống Bush, đặc biệt là cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, và gây áp lực lên các quốc gia chống đối Mỹ. Bởi vậy, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã không nhận được sự ủng hộ của Nga và cả các đồng minh truyền thống của Mỹ như Pháp và Đức. Do đó, thông điệp Liên bang của Tổng thống Bush cùng với thuật ngữ Trục ác quỷ được đưa ra đã vô tình làm giảm sự cảm thông và đoàn kết của cộng đồng quốc tế với chính quyền Mỹ sau sự kiện ngày 11/9. Tuy nhiên , kể từ sau thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Bush, thuật ngữ này đã không còn phổ biến trong quan hệ quốc tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]