Nguồn: Elizabeth Drew, “Understanding America’s Electoral College”, Project Syndicate, 08/08/2016
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Bất cứ ai đang theo dõi cuộc đua tổng thống Hoa Kỳ cần phải hiểu rằng các cuộc thăm dò dư luận quốc gia không cung cấp một bức tranh chính xác về diễn biến của cuộc bầu cử này. Do sự tồn tại của Đại cử tri đoàn ở Mỹ, vấn đề cuối cùng không phải là ai thắng được nhiều phiếu nhất trên cả nước, mà là ai chiến thắng ở các tiểu bang nào.
Mỗi tiểu bang được trao một số lượng phiếu đại cử tri nhất định, tùy thuộc vào quy mô dân số của tiểu bang đó. Ứng cử viên nào vượt ngưỡng 270 phiếu Đại cử tri sẽ thắng cử tổng thống.
Ở hầu hết các tiểu bang, ứng cử viên nào giành được 50,1% số phiếu phổ thông sẽ được trao 100% số phiếu Đại cử tri của tiểu bang đó. (Chỉ Maine và Nebraska không tuân theo nguyên tắc “winner takes all” – người chiến thắng được tất cả; hai tiểu bang này chia tỉ lệ phiếu bầu Đại cử tri đoàn theo các hạt bầu cử). Kết quả là, những lá phiếu của hàng triệu cử tri cuối cùng không được tính. Nếu bạn là một người ủng hộ Đảng Cộng hòa ở New York hay California, các tiểu bang chịu sự chi phối của Đảng Dân chủ, hoặc là một người ủng hộ Đảng Dân chủ tại tiểu bang Wyoming hay Mississippi, các tiểu bang thiên về Đảng Cộng hòa, bạn có thể quên đi lá phiếu bầu tổng thống của bạn.
Một kết quả đặc thù của hệ thống đặc biệt này là một ứng cử viên có thể giành đa số phiếu phổ thông ở tầm quốc gia nhưng lại thất bại tại Đại cử tri đoàn, bởi thua trong gang tấc ở các tiểu bang đông dân và giành chiến thắng ở một số tiểu bang nhỏ hơn. Điều này không thường xuyên xảy ra, nhưng bất cứ khi nào nó diễn ra, nước Mỹ lại trải qua cơn đỉnh điểm của cuộc tranh cãi về cơ chế dường như phi dân chủ này. Trong trường hợp gần đây nhất, Al Gore đã giành được đa số phiếu phổ thông hồi năm 2000, nhưng George W. Bush lại là người thắng cử tổng thống.
Do Đại cử tri đoàn, các cử tri bỏ phiếu bầu của họ không phải cho một ứng cử viên mà cho một danh sách các Đại cử tri, là các nhà hoạt động trong đảng, bao gồm cả bạn bè và đồng minh của ứng cử viên, những người sẽ ủng hộ sự lựa chọn của họ. Vai trò của các Đại cử tri chỉ gồm một nghi thức ngắn gọn; họ gặp nhau tại thủ phủ tiểu bang của họ và bỏ lá phiếu. Tuy nhiên, chúng ta đã biết trước kết quả của cuộc bỏ phiếu đó, bởi vì kết quả bầu cử tổng thống đã được thông báo vào thời điểm kết thúc cuộc bầu cử về việc ai giành chiến thắng ở tiểu bang nào.
Lúc này, số phiếu trên toàn quốc là vô nghĩa. Quốc hội triệu tập và chỉ “kiểm đếm” các lá phiếu Đại cử tri; nhưng chính điều này cũng chỉ mang tính hình thức. (Cuộc đua tổng thống giữa ông Bush và ông Gore bất thường ở chỗ cho đến tận ngày 12 tháng 12, hơn một tháng sau cuộc bầu cử thì mới được giải quyết xong, khi Tòa án Tối cao, trong một quyết định mang tính đảng phái và gây nhiều tranh cãi, đã bỏ phiếu với tỉ lệ 5-4 để kết thúc việc kiểm phiếu lại ở Florida, qua đó trao chức tổng thống cho Bush.)
Đây là thời điểm mà tình huống có thể trở nên phức tạp, và mánh khóe có khả năng phát sinh: Nếu không ai thắng 270 phiếu Đại cử tri, cuộc bầu cử được chuyển tới Hạ viện, nơi mà mỗi phái đoàn tiểu bang có một phiếu duy nhất, bất kể số lượng cử tri mà phái đoàn đó đại diện là bao nhiêu. Dù là Wyoming (có dân số 585.000 người) hay California (có dân số 39 triệu người), mỗi tiểu bang cũng chỉ có một phiếu bầu. Và các đoàn đại biểu không bị ràng buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên đã giành được nhiều phiếu nhất ở tiểu bang của họ.
Sau đó, sau khi Hạ viện bầu tổng thống, Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống, với việc mỗi thượng nghị sĩ nhận được một phiếu bầu. Trên lý thuyết, Quốc hội Mỹ có thể bầu ra một tổng thống và một phó tổng thống từ hai đảng khác nhau.
Hệ thống mê cung cho việc bầu tổng thống này phản ánh sự do dự của những người sáng lập nước Mỹ về nền dân chủ dựa trên người dân. Họ nghi ngờ rằng đám đông lộn xộn – tức công chúng – có thể đưa ra quyết định của họ dựa trên thông tin sai lệch hoặc sự thiếu hiểu biết về các vấn đề. Cuộc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh vào tháng Sáu – chống lại những lời khuyên của các chuyên gia và các đồng minh – dường như xác nhận mối quan ngại này.
Ngay từ đầu, các nhà lập quốc của nước Mỹ đã nhận thức được mối nguy hiểm của chính phủ được bầu từ các cuộc bỏ phiếu toàn dân. Alexander Hamilton lo ngại về việc trao quyền lực cho người dân vì “họ hiếm khi phán xét hay quyết định đúng”. Lo ngại về một sự “dân chủ quá mức”, các nhà lập quốc đã đặt những thể chế trung gian vào giữa ý chí của người dân và các quyết định của chính phủ. Mãi đến năm 1913, các thượng nghị sĩ vẫn được bầu bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang chứ không phải do các cử tri trực tiếp bầu. Và các nhà lập quốc cũng đã cho chúng ta Cử tri đoàn.
Hệ thống này có một tác động rất lớn tới chiến dịch đua tranh chức tổng thống trên thực tế, vì nó quyết định những nơi các ứng cử viên dành nhiều thời gian và tiền bạc của họ. Chỉ có khoảng mười tiểu bang được coi là các tiểu bang “dao động” (swing state), tức các tiểu bang có thể bầu cho một trong hai đảng; còn phần còn lại được coi là các tiểu bang “an toàn” cho đảng này hay đảng kia.
Tất nhiên, đôi khi các tiền lệ chính trị có thể là sai lầm và một tiểu bang nào đó sẽ không đi theo truyền thống của nó. Nhưng mười tiểu bang “chiến trường” này chính là những tiểu bang cần theo dõi để có manh mối về kết quả của cuộc bầu cử. Chúng thể hiện kết quả cuối cùng rõ hơn các cuộc bỏ phiếu cấp quốc gia.
Ví dụ, California và New York thường bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ đến mức lý do duy nhất các ứng cử viên xuất hiện tại hai bang này là để quyên góp tiền. Ngược lại, bang Ohio, viên ngọc trên vương miện của các tiểu bang “dao động” vì theo truyền thống không ứng cử viên Đảng Cộng hòa nào có thể thắng cử tổng thống mà không giành chiến thắng ở đó, lại được các ứng cử viên đến thăm thường xuyên. Các tiểu bang khác được coi là quan trọng nhất đối với chiến thắng của cả hai đảng là Florida và Pennsylvania.
Vì các tiểu bang đông dân như vậy, cùng với một số tiểu bang khác, thông thường có khuynh hướng bầu cho Đảng Dân chủ nên Đảng Dân chủ có một lợi thế sẵn có trong Đại cử tri đoàn. Vì vậy, nhiều người tin rằng Donald Trump có ít lựa chọn hơn trong việc giành được 270 phiếu Đại cử tri.
Có lẽ vì thế Đại cử tri đoàn về tổng thể không phải là một ý tưởng kỳ lạ như vậy.
Elizabeth Drew là cộng tác viên thường xuyên của The New York Review of Books, là tác giả của bài viết, gần đây nhất trên Tạp chí Washington Journal, “Reporting Watergate and Richard Nixon’s Downfall” (Tường thuật vụ Watergate và cú ngã ngựa của Richard Nixon).
Copyright: Project Syndicate 2016 – Understanding America’s Electoral College
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]