Mâu thuẫn giữa Hồi giáo và chủ nghĩa thế tục ở Pháp

burkini

Nguồn: Noëlle Lenoir, “The Burqa and French Values”, Project Syndicate, 25/08/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đã có nhiều cơ quan truyền thông phương Tây chỉ trích đạo luật năm 2010 của Pháp về việc cấm che mặt, cụ thể là những chiếc khăn burqa được sử dụng để che đi khuôn mặt và toàn bộ cơ thể của phụ nữ, và sắc lệnh vừa được ban hành vào năm nay cấm sử dụng đồ bơi toàn thân “burkini” tại những bãi biển công cộng cũng đã thu hút nhiều sự chú ý tiêu cực.[1] Việc chỉ trích Pháp trên mặt báo không còn là điều gì mới mẻ, nhưng những người chỉ trích động thái này đã bỏ qua những yếu tố lịch sử và chính trị – xã hội, lý do khiến đa số người Pháp ủng hộ chúng.

Đầu tiên, chủ nghĩa thế tục – hay còn gọi là laïcité – là một nguyên tắc đã định hình xã hội Pháp. Theo Hiến pháp Pháp – mà trong đó tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận được bảo vệ – tất cả công dân có thể chọn theo bất kỳ tôn giáo nào, hoặc không theo tôn giáo nào cả; nói cách khác, họ có thể chỉ trích và nhạo báng các đức tin và phong tục tôn giáo.

Năm 2004, Hội đồng Hiến pháp nước Pháp cho rằng Hiến pháp nước này tuân theo Hiến chương Liên minh Châu Âu về những Quyền Cơ bản. Nhằm “hòa hợp nguyên tắc tự do tín ngưỡng và chủ nghĩa thế tục”, Hội đồng cho rằng “Hiến pháp cấm “các cá nhân theo đuổi các niềm tin tôn giáo của mình nhằm mục đích đi ngược với những quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân.”

Tại Pháp, những sự kiện gần đây có vẻ như đã trực tiếp đe dọa những nguyên tắc này. Năm 1765, nhà triết học thời kỳ Khai sáng của Pháp, người theo thuyết bất khả tri, đã viết: “Bất cứ ai có khả năng khiến bạn tin vào những điều vô lý cũng có khả năng khiến bạn phạm phải tội ác.” Các nghệ sĩ biếm họa và phóng viên của tuần san Charlie Hebdo, những người đã bị sát hại bởi 2 phần tử Hồi giáo cực đoạn, trước đó đã tiếp tục truyền thống thời kỳ Khai sáng mà Voltaire góp công khởi xướng, và đòn tấn công ấy đã gây ra hiệu ứng sợ hãi đặc biệt đối với quyền tự do ngôn luận kiểu Pháp. Những lời dọa giết vẫn đang được gởi đến tờ Charlie Hebdo, gần đây nhất là sau khi tờ báo phát hành tranh biếm họa về cuộc tranh luận burkini.

Bên cạnh chủ nghĩa thế tục tại Pháp là chủ nghĩa nữ quyền, cũng là một nguyên tắc được tôn thờ trong Hiến pháp. Kể từ năm 1999, Điều 1 Hiến pháp đã quy định sự cân bằng giới tính trong mọi cơ quan ra quyết định tại Pháp, từ Quốc hội đến các cơ quan nhà nước địa phương, hội đồng quản trị, vv…. Mặc dù chiếc trần kính nổi tiếng vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, hiện nay đã có nhiều phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo cao tại Pháp hơn bao giờ hết.

Cũng như chủ nghĩa thế tục, sự bình đẳng giới tính được quy định bởi hiến pháp này mang nhiều mâu thuẫn với những diễn giải bảo thủ của Hồi giáo, những diễn giải này thường kêu gọi việc ăn mặc kín đáo và tách biệt nam nữ tại bệnh viện, hồ bơi và trường dạy lái xe. Và, trong nhiều cộng đồng Hồi giáo Pháp, các thầy tu Hồi giáo bảo thủ có nhiều ảnh hưởng trong việc định hình vị thế của phụ nữ hơn là giáo viên hay các nhà lãnh đạo địa phương.

Với nền văn hóa nữ quyền mạnh mẽ của Pháp, nhiều công dân Pháp coi hành động phân biệt giới tính và che mặt là mang tính đàn áp, kể cả khi chúng được gọi là sự lựa chọn của người phụ nữ. Nước Pháp có lịch sử chào đón dân nhập cư, đặc biệt trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc Thế chiến; thế nhưng nước này chưa bao giờ thỏa hiệp với những thái độ và hành vi không những xâm phạm mà còn công khai thách thức các nguyên tắc hiến định của họ.

Luật pháp của Pháp nghiêm cấm thu thập dữ liệu dựa trên chủng tộc và tôn giáo, nhưng có khoảng 8 đến 9% trong tổng số 66 triệu công dân Pháp là người Hồi giáo – nhiều thứ hai tại châu Âu, sau Đức – và một nửa trong số đó được cho là chưa quá 24 tuổi. Đa phần người Hồi giáo tại Pháp không phải là những người mới đến, họ đã đến đây từ thời các phong trào độc lập của Algeria, Morocco và Tunisia hồi những năm 1960, điều đó có nghĩa rằng những người Hồi giáo trẻ ngày này thuộc thế hệ thứ ba của làn sóng nhập cư đó. Nhiều người đã rất thành đạt, đặc biệt là các phụ nữ trẻ, những người đang thể hiện xuất sắc trong thị trường lao động ngày càng mang tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hồi giáo cảm thấy bất mãn với cuộc sống của mình và cảm thấy bị phản bội bởi lời hứa của Pháp về quyền bình đẳng, điều khiến họ chất vấn và thách thức những giá trị Pháp. Là nhóm cư dân đặc thù, họ cảm nhận sâu sắc gánh nặng từ tình trạng thất nghiệp kéo dài, trung bình ở mức 25% đối với giới thanh niên và lên tới 40% ở các vùng ngoại ô (banlieues), tức các khu dân cư bao quanh các thành phố lớn tại Pháp, nơi nhiều gia đình Hồi giáo đang sinh sống.

Với những điều kiện đó, người trẻ thường hay đổ lỗi cho xã hội, họ tin rằng xã hội đã hạn chế quyền tôn giáo của họ, khiến họ có kết quả học tập kém, cùng những hệ quả bất lợi khác. Đối với một số người, cảm giác bị cô lập đã được giải tỏa thông qua sự căm ghét nước Pháp, bạo lực bài Do Thái, và việc chối bỏ các giá trị Pháp, đến nỗi họ xác định bản sắc của mình thông qua những diễn giải cực đoan về Hồi giáo chứ không phải thông qua tư cách công dân Pháp.

Hàng thập kỷ  qua, chính phủ Pháp đã cố gắng che đậy vấn đề bằng cách đổ hàng tỉ euro vào những chương trình được gọi là “chính sách đô thị” nhằm cải thiện những dự án nhà ở xuống cấp. Nhưng chẳng gì có thể che đậy được những tội ác ghê sợ tại Pháp trong 2 năm qua bởi những thanh niên Hồi giáo trẻ bất mãn tin vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Bản danh sách rất đáng gây lo ngại. Sau cuộc tấn công vào tờ Charlie Hebdo và một cửa hàng tạp hóa bán đồ ăn kosher (của người Do Thái) vào tháng 1 năm 2015, đã có nhiều cuộc tàn sát xảy ra tại nhà hát Bataclan và nhiều địa điểm khác tại Paris vào tháng 11/2015; cuộc tấn công bằng xe tải tại cuộc diễu hành mừng quốc khánh tại Nice vào mùa hè này (2016); vụ sát hại một linh mục, người đã bị cắt cổ, xảy ra sau đó tại một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Normandy trong một buỗi làm lễ; cuộc tấn công vào một căn nhà riêng nằm ở ngoại ô Paris, nơi một cặp vợ chồng cảnh sát bị giết ngay trước mắt con mình; và vụ một người đàn ông Do Thái bị đâm tại Strasbourg trong tháng này.

Những vụ việc này ngày càng củng cố các phong trào dân túy tại Pháp và trên toàn châu Âu. Tại chính nước Pháp, những cuộc tấn công này đang được sử dụng để củng cố lập luận bài Hồi giáo của các chính trị gia như Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, người có thể vào tới vòng hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Trong bối cảnh những chấn động này, nhiều công dân Pháp tin rằng khả năng tồn tại của nền Cộng hòa đang bị đe dọa. Và họ cho rằng không có lý do gì những đặc trưng của Pháp về chủ nghĩa đa nguyên và sự bao dung nên trở thành nguồn cơn cho sự hủy diệt của nước này.

Noëlle Lenoir là cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về châu Âu của Pháp, hiện là Chủ tịch Viện Châu Âu tại trường Hautes Etudes de Commerce tại Paris, và là nhà sáng lập và chủ tịch của viện nghiên cứu chính sách Cercle des Européens.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Burqa and French Values

Tại sao Pháp cấm mang khăn trùm đầu Hồi giáo?

——————–

[1] Vào cuối tháng 8/2016, tòa án tối cao Pháp đã ra quyết định đình chỉ lệnh cấm này – NBT.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]