Tác động của Đảng Xanh đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

green-party-presidential-candidate-jill-stein

Nguồn: Peter Singer, “Greens for Trump?”, Project Syndicate, 11/08/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tôi là đảng viên Đảng Xanh, hai lần là ứng cử viên Đảng Xanh tranh cử vào nghị viện Liên bang Úc. Nhưng vào ngày 8/11, tất cả những điều tốt đẹp mà phong trào chính trị Xanh đã làm được từ khi ra đời có thể bị Đảng Xanh tại Mỹ làm lu mờ đi nếu Jill Stein, ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh, giúp cho Donald Trump thắng cử.

Trước đây, chúng ta đã từng gặp tình huống như vậy. Vào năm 2000, Al Gore có thể đã trở thành tổng thống nếu ông giành chiến thắng tại bang Florida. George W.Bush chiến thắng tại bang này với cách biệt 537 phiếu, trong khi 97.241 người Florida bầu cho Ralph Nader, ứng viên Đảng Xanh. Sau đó, Nader đã viết trên trang web của mình: “Vào năm 2000, việc phỏng vấn các cử tri đã bỏ phiếu cho thấy 25% số người bầu cho tôi sẽ bầu cho Bush, 38% sẽ bầu cho Gore và phần còn lại sẽ không bầu cho ai trong hai người cả.” Kết quả là nếu chia số phiếu bầu của Nader theo cách này, thì nếu Nader không tham gia tranh cử, Gore sẽ giành chiến thắng tại bang Florida với khoảng cách hơn 12.000 phiếu bầu.

Trước cuộc bầu cử đó, một nhóm từng là các nhà hoạt động chính trị của Nader đã xuất bản một là thư mở kêu gọi Nader dừng chiến dịch tranh cử của mình. Họ viết “Hiện tại rõ ràng là ông đang trao Nhà Trắng cho Bush.” Nader từ chối, cho rằng không có sự khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên của hai đảng lớn.

Bây giờ chúng ta biết điều đó sai lầm như thế nào. Nếu không có ứng viên Nader tại Florida, người Mỹ đã bầu một người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các hoạt động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu từ trước đến nay lên làm Tổng thống. Ngay từ năm 1992, trong cuốn sách của mình Earth in the Balance (Trái đất mong manh), Gore đã ủng hộ một chương trình nghị sự như vậy rồi.

Hơn thế nữa, khi làm Phó Tổng thống, Gore đã thay mặt chính quyền Tổng thống Bill Clinton ký Nghị định thư Kyoto, nỗ lực quốc tế nghiêm túc đầu tiên nhằm hạn chế lượng khí thải nhà kính. Ngược lại, Bush phủ nhận các nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, rút chữ ký khỏi Nghị định thư Kyoto, và trong thời gian 8 năm, đã phá hoại nghiêm trọng các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này.

Tất nhiên Bush còn đưa ra các quyết định tai hại khác, nhất là quyết định vô cớ và không cần thiết là xâm lược Iraq. Thế giới vẫn đang vật lộn với các hậu quả từ bất ổn tại khu vực đó.

Sau những điều đó, có thể bạn sẽ cho rằng không có ai sẽ thử áp dụng lập luận “không có khác biệt” ấy một lần nữa, và chắc chắn là không làm như vậy trong cuộc tranh cử giữa Donald Trump và Hillary Clinton. Sau tất cả, Clinton sẽ không chỉ là nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ, bà còn là một nhà tranh đấu cho phụ nữ, bảo hiểm y tế, và kiểm soát súng đạn. Khi nhận lời làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bà nói: “Tôi tin vào khoa học, tôi tin rằng biến đối khí hậu là có thực”.

Ngược lại, Trump đăng trên Twitter: “Ý tưởng về sự ấm lên toàn cầu được người Trung Quốc tạo ra và dùng nó để khiến cho ngành chế tạo của Mỹ mất sức cạnh tranh.” Sau đó ông gọi tuyên bố đó là một câu nói đùa; nhưng ông cũng đã từng nói – không phải trên Twitter, mà là trong một bài phát biểu lớn về chính sách kinh tế – rằng ông sẽ “hủy bỏ hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris” và “dừng tất cả việc chi trả từ tiền thuế của người Mỹ cho các chương trình chống tình trạng ấm lên toàn cầu.”

Thế nhưng, thật không ngờ là Stein đang thể hiện giống với Nader vào năm 2000. Khi được hỏi về triển vọng làm Tổng thống của Trump có tác động ngang với Clinton không, bà trả lời “cả hai người họ sẽ dẫn tới cùng một nơi giống nhau”. Sau đó, bà nói rằng Đảng Dân chủ “có sự xoay sở tốt hơn… nhưng họ cũng là thảm họa mà thôi.” Để củng cố cho lập luận của mình, bà thêm vào, “cứ nhìn vào các chính sách chống biến đổi khí hậu dưới thời Obama là rõ”.

Tôi đang nhìn đây. Và các chính sách về chống biến đổi khí hậu dưới thời Obama rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với dưới thời Bush. Các chính sách của Obama đã dẫn tới việc hoàn thiện thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris tháng 12 năm ngoái – rõ ràng là chưa đủ, nhưng chắc chắc là tốt hơn nhiều bất cứ điều gì mà Trump đang muốn làm. Trong bối cảnh mà Đảng Cộng hòa chiếm phần lớn số ghế trong Quốc hội Mỹ, Obama đã làm tốt.

Liệu lịch sử có lặp lại hay không? Tôi nghi rằng Trump sẽ thậm chí là một tổng thống còn tệ hơn George W. Bush, thế nên tôi hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng Stein hiện nằm trong danh sách ứng viên tổng thống tại Florida và Ohio, hai bang lớn có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Một cuộc thăm dò gần đây cho biết bà sẽ giành được 3% số phiếu bầu, đủ để tạo ra sự khác biệt trong hai bang này.

Tôi kêu gọi các lãnh đạo Đảng Xanh trên thế giới đề nghị Stein rút tên khỏi danh sách tranh cử tại các bang mà cuộc tranh đua gần như sít sao. Nếu bà ấy không làm như vậy, họ cần kêu gọi các cử tri rằng, chỉ trong cuộc bầu cử lần này, đừng bầu cho Đảng Xanh. Bởi cái giá sẽ là rất cao.

Tôi hiểu tầm quan trọng của việc thay đổi hệ thống hai đảng. Điều mà người Mỹ cần để đạt được mục đích này là cải tổ hệ thống bầu cử. Đảng viên Đảng Xanh không nên nỗ lực để cho một ứng viên Đảng Xanh được bầu làm tổng thống, điều vốn bất khả thi trong hệ thống bầu cử hiện tại, mà nên nỗ lực xây dựng một hệ thống bầu cử công bằng hơn, có lẽ nên giống với hệ thống tại Úc, vốn sử dụng cái mà người Mỹ gọi là thủ tục “loại tức thì” (instant runoff). Theo đó cử tri xếp hạng các ứng viên theo thứ tự yêu thích, và nếu không có ứng viên nào nhận được đa số phiếu bầu, ứng viên có ít phiếu bầu nhất sẽ bị loại. Số phiếu mà ứng viên đó nhận được sẽ được chuyển qua cho người được các cử tri yêu thích thứ hai sau ứng viên đó.

Trong một hệ thống bầu cử như vậy, các cử tri của Stein sẽ có thể bầu cho ứng viên của họ mà không lo lắng rằng lựa chọn của họ có thể mang lại lợi ích cho Trump, người mà có lẽ sẽ không phải là ứng viên yêu thích số hai của các cử tri này. Nếu Mỹ có hệ thống như vậy, tôi cũng không phải viết bài báo này ngày hôm nay.

Peter Singer là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.

Hình: Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của Đảng Xanh, bà Jill Stein. Nguồn: Reuters.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Greens for Trump?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]