Stalin và vấn đề ký ức lịch sử của nước Nga

stalin

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, Stalin and Memory, Project Syndicate, 02/03/2003.

Biên dịch: Vũ Thành Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Oscar Wilde đã từng nói: “Bổn phận của chúng ta với lịch sử là viết lại nó”. Là một người Nga, tôi rất quen thuộc với việc viết lại lịch sử. Liên Xô đã dành ra cả một thế kỷ để sửa lại mụn trên mũi của Lênin, sửa lại số liệu thu hoạch nông nghiệp, và làm cho một Yuri Andropov bệnh tật[1] trông đỡ giống xác chết hơn. Nhưng đối với trường hợp của Stalin – người đã mất cách đây 50 năm -phần lớn chúng ta hiện nay viết lại lịch sử bằng cách giả vờ là một phần của nó chưa bao giờ xảy ra.

Đừng hiểu sai ý tôi: Stalin không hề biến mất như những người bị đưa đến trại lao động Gulag. Ông không hề bị xóa nhòa khỏi ký ức của chúng ta như cách mà Trotsky và Bukharin bị cắt ra khỏi những tấm ảnh gốc.

Một lần, khi tôi ra khỏi một xe taxi ở Moskva, người lái xe nâng chiếc khăn của mình lên để cho tôi thấy một bức ảnh Stalin ghim trên áo khoác của ông ta. Tôi cứ nghĩ hoài về cử chỉ tinh quái này. Ông ta dường như đại diện cho một thế giới ngầm, một người cảm thấy sốc và bị phản bội bởi thế giới nảy sinh ra từ chính sách “glastnost và perestroika”(công khai hóa và cải tổ) của Gorbachev.

Nhưng bám vào quá khứ một cách thiếu tư duy phê bình thì vẫn tốt hơn là cho phép quá khứ điều khiển hiện tại. Sau tất cả, chính lịch sử đã xúi giục người Nam Tư biến một góc châu Âu của họ trở thành một lò mổ thời trung cổ với nạn hiếp dâm, cướp bóc, và những cuộc bao vây. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1989, ngày Thánh Vitus, trong khi hầu hết các nước Đông Âu đã dám ước mơ về một tương lai phi cộng sản, thì một triệu người Serbia lại chuẩn bị lao vào quá khứ với Slobodan Milosevic, đổ về Quảng trường Blackbirds[2] ở Kosovo để kỷ niệm 600 năm ngày Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Serbia.

Lịch sử, tất nhiên, không phải là một loại thuốc với nhãn cảnh báo về liều lượng thích hợp. Lịch sử cho một quốc gia tính cách, các thể chế, bản sắc riêng. Nó có thể bị hiểu sai hoặc dùng sai, nhưng không bao giờ bị hạn chế. Milosevic không cho người Serbia dùng lịch sử quá liều lượng; ông chỉ đơn giản là cung cấp lịch sử như cách họ tưởng tượng ra, và không bị pha loãng bởi những lời chỉ trích.

Rõ ràng, điều tốt nhất là phải đối mặt với lịch sử – và với chính mình – một cách thẳng thắn, để rút ra được những kết luận trung thực nhất. Nhưng đâu là những kết luận đúng đắn khi bạn đối mặt với lịch sử nhuốm máu và thối nát như thời kỳ Stalin? Một số người đã sẵn sàng nhìn vào quá khứ với một tâm lý cởi mở, để theo đuổi mục đích tự hoàn thiện bản thân. Những người khác thì quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng nó để biện minh cho sự thất bại hay thậm chí là những sự xâm lược; lịch sử này là sự tự thương hại. Những người khác thì vẫn chỉ đơn thuần là tự chìm vào ảo tưởng.

Những người cầu tiến là hiếm nhất. Gần đây, chỉ có Đức, hay đúng hơn là Tây Đức, là đã đối mặt thẳng thắn với quá khứ của họ để tự làm lại mình. Phải cần đến tầm cỡ của thảm kịch Holocaust mới mang lại được sự tự kiểm điểm cần thiết. Bất cứ điều gì ít khủng khiếp hơn thế có thể là chưa đủ.

Về phía người Nga, vốn đã bị chia rẽ từ lâu giữa phe truyền thống và phương Tây hóa, tâm lí nạn nhân cạnh tranh với tinh thần tự kiểm điểm khi nói về lịch sử. Trong năm 1989 và 1990, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và glasnost bám rễ, nhiều người Nga thèm khát tìm kiếm “sự thật”. Điều gì gây ra nạn đói trong những năm 1930 và liệu nó có nằm trong kế hoạch? Có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong các cuộc thanh trừng? Khrushchev đã thực sự nói gì về Stalin trong bài phát biểu bí mật của ông năm 1956? Những sự kiện lịch sử trở thành tin trên trang nhất.

Đối với những người khác, sự sụp đổ của hệ thống chính trị có nghĩa là sự kết thúc của không chỉ đơn thuần là những câu chuyện lịch sử họ biết, mà còn là của một đế chế và bản sắc dân tộc . Và trong khoảng trống đó các chính trị gia cánh hữu và các nhà sử học mô tả Nga là nạn nhân của một “nền văn hóa sai lầm,” và những người nước ngoài chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề. Nhiều người bây giờ thấy khó có thể hiểu được bảy thập niên của chủ nghĩa cộng sản. Rất nhiều người đã từ bỏ nỗ lực tìm hiểu nó.

Không bao giờ dễ tạo ra một phiên bản lịch sử nước Nga mà tất cả người Nga đều đồng ý; các quan niệm mâu thuẫn nhau về bản sắc dân tộc chống lại điều đó. Nhưng một số nước khác đã lột xác khỏi chủ nghĩa cộng sản lại quá sẵn sàng chấp nhận một lịch sử mới – thậm chí dựa trên sự tưởng tượng và bịa đặt – để phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Ukraine là một ví dụ. Ukraine có lịch sử không? Chắc chắn là mảnh đất đó có lịch sử, nhưng mảnh đất đó có phải là một quốc gia không? Ukraine theo nghĩa đen nghĩa là “nằm bên rìa.” Nó là một biên giới nhiều hơn là một khu vực, càng không phải là một quốc gia. Vì vậy, nó rất cần có một lịch sử tự vẽ ra – và có ai cung cấp thứ lịch sử ấy tốt hơn cộng đồng người Ukraine hải ngoại, những người luôn mong muốn thúc đẩy vùng đất của ông cha họ? Có thể là không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách giáo khoa lịch sử đầu tiên của Ukraine đã được viết ở Toronto, chứ không phải Kiev.

Cho đến nay, Nga, một quốc gia ít có sự ôn hòa, hoặc là thảo luận hăng hái hoặc là im lặng tuyệt đối và tự lừa dối về Stalin. Những sự thay đổi đó làm cho nhiều người (không chỉ người cao tuổi) bầu cho Đảng Cộng sản. German Gref, bộ trưởng trẻ tuổi của Bộ Thương mại và Kinh tế Nga, trả lời một câu hỏi về cha mẹ của ông, vốn là tù nhân ở trại Gulag, bằng câu nói, “Thì sao, thời đó tất cả đều là tù nhân.”

Sự thật là, ngoài người Đức ra thì rất ít người sẵn sàng trung thực trong việc đối đầu và chấp nhận quá khứ. Hầu hết những dân tộc khác chú tâm vào những gì huy hoàng, giấu kín sự nhục nhã, tô điểm cho các phần còn lại – nếu không thì giả vờ rằng quá khứ không tồn tại.

Tuy nhiên, trước khi sa vào chủ nghĩa bi quan, vẫn còn có gì đó khác đáng xem xét. Mặc dù không thể ám ảnh quá nhiều bởi lịch sử, nhưng vẫn cần phải dành nhiều thời gian để xem xét nó. Vì giống như quá khứ, tương lai cũng cần phải được viết ra. Nếu người Nga im lặng về Stalin, thì có thể là bởi vì chúng ta đang bận rộn viết lịch sử của tương lai.

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách “Imagining Nabokow: Russia Between Art and Politics”, và cuốn “The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind”, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2003 – Stalin and Memory

————-

[1] Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (ND).

[2] Nơi diễn ra trận chiến ở Kosovo (ND).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]