Nguồn: Berlin Airlift ends, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1949, sau 15 tháng, với hơn 250.000 chuyến bay, cuộc không vận Berlin đã chính thức kết thúc. Đợt không vận này là một trong những chiến dịch hậu cần lớn nhất trong lịch sử hiện đại, và là một trong những sự kiện quan trọng của giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh.
Tháng 6 năm 1948, Liên Xô bất ngờ chặn toàn bộ các lối đường bộ dẫn vào Tây Berlin, những con đường vốn nằm hoàn toàn trong vùng chiếm đóng của họ ở Đức. Đó là một nỗ lực rõ ràng nhằm buộc Mỹ, Anh và Pháp – những nước khác đang chiếm đóng Đức – phải chấp nhận những yêu cầu của Liên Xô liên quan đến số phận nước Đức thời hậu chiến.
Cuộc phong tỏa của Liên Xô đã khiến người dân Tây Berlin rơi vào tình trạng không có thực phẩm, quần áo, và vật dụng y tế. Một số quan chức Mỹ thậm chí đã ủng hộ tấn công trước sự khiêu khích của Liên Xô, nhưng những người bình tĩnh hơn đã thắng thế, và một kế hoạch không vận cung cấp vật tư sang Tây Berlin đã được triển khai. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, vì việc đảm bảo nhu cầu của rất nhiều người dân sẽ đòi hỏi phải vận chuyển hàng tấn lương thực và hàng hóa khác nhau mỗi ngày.
Ngày 26/6/ 1948, cầu hàng không Berlin bắt đầu, trong đó những phi công Mỹ là người thực hiện phần lớn các chuyến bay. Trong 15 tháng tiếp theo, đã có 277.264 lượt máy bay hạ cánh ở Tây Berlin, mang theo hơn 2 triệu tấn hàng tiếp tế. Ngày 30/09/1949, chiếc máy bay cuối cùng – một chiếc C-54 của Mỹ – đã hạ cánh tại Berlin và chuyển cho người dân hơn 2 tấn than. Mặc dù cuộc phong tỏa của Liên Xô chính thức kết thúc vào tháng 5 năm 1949, phải mất vài tháng nữa thì nền kinh tế Tây Berlin mới có thể phục hồi, và các kho dự trữ thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu mới được bổ sung.
Cuộc không vận Berlin là một chiến thắng vang dội của người Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Chẳng hề tốn một viên đạn, người Mỹ đã làm thất bại kế hoạch giữ Tây Berlin làm con tin của Liên Xô, đồng thời, họ còn chứng minh mình xứng đáng với danh hiệu “sự khôn khéo của người Mỹ”(Yankee ingenuity). Đối với Liên Xô, Khủng hoảng Berlin thực sự là một thảm họa. Chẳng những Mỹ, Pháp và Anh trở nên cứng rắn hơn trong lập trường của họ về các vấn đề liên quan đến Đức, mà thế giới còn xem Liên Xô là kẻ bắt nạt quốc tế – chỉ cố gắng để bỏ đói những người dân vô tội.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]