Cuộc đối đầu sắp tới với Bắc Triều Tiên

north-korea-attack-00002814-story-top

Nguồn: Richard N. Haass, “The Coming Confrontation with North Korea,” Project Syndicate, 20/09/2016.

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tưởng tượng chúng ta đang ở năm 2020. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đề nghị một cuộc họp khẩn với Tổng thống Mỹ. Lý do: Triều Tiên đã chế tạo thành công một quả bom hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng phóng tới lục địa Hoa Kỳ. Tin tức này nhanh chóng lộ ra công chúng. Các cuộc họp cấp cao nhằm đưa ra phản ứng được tổ chức không chỉ ở Washington, mà còn ở Seoul, Tokyo, Bắc Kinh, và cả Moskva.

Kịch bản này hiện nay có vẻ phi thực tế, nhưng nó mang tính khoa học chính trị nhiều hơn tính khoa học viễn tưởng. Triều Tiên vừa tiến hành thử nghiệm lần thứ năm (và có vẻ thành công) một thiết bị nổ hạt nhân, chỉ vài ngày sau cuộc thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo.

Nếu không có một sự can thiệp lớn, việc Triều Tiên tăng cường kho vũ khí hạt nhân (hiện nay ước tính có khoảng 8–12 thiết bị) và tìm được cách thu nhỏ kích thước vũ khí của mình để phóng bằng các tên lửa có tầm bắn và độ chính xác ngày càng tăng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khó mà phóng đại được những rủi ro nếu Triều Tiên – một xã hội quân sự hóa và khép kín nhất thế giới – bước qua ngưỡng đó. Một Triều Tiên có khả năng đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ có thể sẽ tin rằng họ không việc gì phải sợ quân đội Mỹ, và đánh giá đó có thể dẫn tới việc họ sẽ phát động một cuộc tấn công thông thường, phi hạt nhân vào Hàn Quốc. Dù một cuộc chiến như vậy có kết thúc với thất bại thuộc về Triều Tiên đi chăng nữa thì cái giá sẽ hết sức cao trên mọi phương diện.

Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ không cần bắt đầu một cuộc chiến để những tiến bộ về tên lửa và hạt nhân của nó có tác động thực sự. Nếu Hàn Quốc hay Nhật Bản nhận định rằng Triều Tiên đã có khả năng ngăn chặn sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên thì họ sẽ mất niềm tin vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ, từ đó nâng cao khả năng họ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Những quyết định như vậy sẽ khiến Trung Quốc lo lắng và đặt nền móng cho một cuộc khủng hoảng hoặc thậm chí là xung đột ở khu vực có sự tập trung lớn nhất về người, tiền của, và sức mạnh quân sự này.

Còn một rủi ro khác. Một Triều Tiên thiếu tiền mặt có thể sẽ muốn bán vũ khí hạt nhân cho những người trả giá cao nhất, bất kể là một nhóm khủng bố hay là một quốc gia nào đó cho rằng nó cũng cần thứ vũ khí tối ưu. Theo định nghĩa, phổ biến hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân hơn nữa – và cùng với đó là việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực tế.

Mỹ có lựa chọn, nhưng không lựa chọn nào đặc biệt hấp dẫn. Về giải pháp đàm phán, có rất ít lý do để tin rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ thứ mà nó xem là đảm bảo tốt nhất cho sự sống còn của mình. Trên thực tế, Triều Tiên thường sử dụng các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian nhằm phát triển hơn nữa năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.

Một phương án khác là tiếp tục với một phiên bản của chính sách hiện hành, tức là các biện pháp trừng phạt mở rộng. Vấn đề là các biện pháp trừng phạt sẽ không đủ mạnh để buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân của mình. Điều này một phần là bởi Trung Quốc, vốn lo ngại những dòng người tị nạn lớn sẽ đổ vào nước này và một Triều Tiên thống nhất sẽ nằm trong quỹ đạo chiến lược của Mỹ nếu Triều Tiên sụp đổ, rất có thể sẽ tiếp tục đảm bảo Triều Tiên sẽ có đủ nhiên liệu và thực phẩm cần thiết.

Do đó, tập trung vào ngoại giao với Trung Quốc sẽ hợp lý hơn. Sau khi tham vấn chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ nên gặp các quan chức Trung Quốc để thảo luận về viễn cảnh của một Triều Tiên thống nhất, từ đó đáp ứng một số lo ngại của Trung Quốc. Chẳng hạn, một đất nước thống nhất có thể sẽ phi hạt nhân, và bất cứ lực lượng quân đội nào của Mỹ còn ở bán đảo cũng sẽ giảm về số lượng và đóng quân xa hơn về phía Nam so với vị trí hiện nay.

Dĩ nhiên, có khả năng hoặc thậm chí có thể những đảm bảo như vậy sẽ không dẫn tới bất kỳ sự cắt giảm có ý nghĩa nào trong sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Triều Tiên. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ có thêm ba phương án. Phương án thứ nhất là chung sống với một Triều Tiên có các tên lửa có thể mang bom hạt nhân vào đất Mỹ. Chính sách của Mỹ khi đó sẽ trở thành một chính sách phòng thủ (triển khai các hệ thống chống tên lửa bổ sung) và răn đe, khi Triều Tiên hiểu rằng bất kỳ việc sử dụng hoặc phổ biến vũ khí hạt nhân nào cũng có thể dẫn tới sự cáo chung của chế độ và có thể cả trả đũa hạt nhân. Vũ khí mạng cũng có thể được triển khai để cản trở và ngăn chặn tiến triển trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Phương án thứ hai là một cuộc tấn công quân sự thông thường, nhằm vào năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Điều nguy hiểm là một cuộc tấn công như vậy có thể sẽ không đạt được mọi mục tiêu và châm ngòi cho một cuộc tấn công quân sự thông thường vào Hàn Quốc (nơi gần 30.000 lính Mỹ đang đồn trú) hoặc thậm chí một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Triều Tiên. Không cần phải nói, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải chuẩn bị hỗ trợ cho mọi phản ứng quân sự từ phía Mỹ trước khi phản ứng đó có thể được tiến hành.

Phương án thứ ba là chỉ phát động một cuộc tấn công quân sự thông thường khi nào tin tức tình báo cho thấy Triều Tiên đang đặt tên lửa vào thế báo động và sẵn sàng sử dụng. Đây sẽ là một cuộc tấn công phủ đầu cổ điển. Điều nguy hiểm ở đây là có thể tin tức tình báo sẽ không đủ rõ ràng – hoặc không kịp đến.

Tất cả những điều kể trên đưa chúng ta trở lại thời điểm khả dĩ năm 2020. Còn nhiều điều chưa rõ ràng, nhưng dường như chắc chắn là bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ phải đối mặt với một quyết định định mệnh liên quan đến Triều Tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Richard N. Haas, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001–03), đặc phái viên của Tổng thống George W.Bush tại Bắc Ireland, và Điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách sắp ra mắt của ông có nhan đề A World in Disarray.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Coming Confrontation with North Korea

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]