Nguồn: Philippe Legrain, “Three paths to European disintegration”, Project Syndicate, 09/08/2016.
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Marine Le Pen, lãnh đạo của Mặt trận Quốc gia Pháp cực hữu, có thể đã đúng lần này. Bà đã gọi cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU) là sự kiện chính trị lớn nhất ở châu Âu kể từ sau sự sụp đổ Bức tường Berlin. Nhận định này có thể chính xác: Brexit (việc Anh rời khỏi EU) đã làm bất ổn bản thân nước Anh và cuối cùng sẽ phá hủy Liên minh châu Âu.
Những người ủng hộ xu hướng liên bang châu Âu cổ điển cho rằng câu trả lời cho Brexit nên là một EU hội nhập hơn nữa. Nhưng câu trả lời này vừa xa vời vừa nguy hiểm. Đức và Pháp thường xuyên mâu thuẫn, và cả hai đều có những người lãnh đạo yếu thế khi phải đối diện với cuộc bầu cử năm sau, và khó có thể tập hợp được sự ủng hộ cho một “liên minh thậm chí còn khăng khít hơn”. Và làn sóng chống đối EU thì quá rộng và quá sâu để có thể trao nhiều quyền lực hơn nữa cho những quan chức EU không qua dân cử để họ áp đặt thêm những ràng buộc cho việc ra quyết định của các quốc gia mà không làm cho tình hình xấu đi.
Đúng vậy, khủng hoảng tức thì hậu Brexit có vẻ như đã tăng cường sự ủng hộ cho cho các đảng phái chính trị dòng chính và EU; nhưng điều này không thể kéo dài. Các dư chấn của Brexit có khả năng làm giảm sút hiệu quả kinh tế khu vực đồng euro và phân cực chính trị châu Âu hơn nữa vì các cử tri trở nên bất an hơn. Sự thống trị EU của Đức sẽ gia tăng, và tương tự là phản ứng dữ dội chống Đức ở nhiều nước. Một EU yếu ớt và chia rẽ không thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng của châu Âu, và với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chúng ta còn có thể nhìn thấy sự tan rã nhiều hơn nữa ở các hình thức khác nhau.
Hình thức cực đoan nhất có lẽ là việc các thành viên tiếp tục rời bỏ EU. Rời bỏ EU đã từng là một việc lạ lùng: chưa từng có nước nào thực hiện điều đó, và chỉ có những kẻ cực đoan mới đề xuất nó. Brexit giờ đây khiến việc đó có vẻ khả thi và, đối với một số quốc gia, là hợp lý. Geert Wilders, thuộc Đảng Tự do cực hữu đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc tổng tuyển cử của Hà Lan vào tháng Ba năm sau, hiện đang yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này. Cũng làm điều tương tự là Đảng Nhân dân Đan Mạch, đảng lớn nhất trong quốc hội nước này, nhưng không tham gia chính phủ.
Ở Pháp, nơi phe chống đối EU thậm chí còn lớn hơn ở Anh, Le Pen đang tranh cử với lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý cho “Frexit” (Pháp rời EU). Bà hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư năm sau. Và trong khi kết quả thăm dò cho rằng bà sẽ bị đánh bại trong vòng hai bởi một đối thủ bảo thủ ôn hòa hơn, các cử tri trung tả, những người đã chán ngán với việc thắt lưng buộc bụng, chính trị gia truyền thống, và sự thống trị của Đức, vẫn tập trung ủng hộ bà. Hơn nữa, không khí bất an ngày càng tăng sau vụ tấn công ở thành phố Nice vào ngày 14 tháng 7 – vụ khủng bố gây nhiều thương vong thứ ba ở Pháp trong vòng 18 tháng – mang lại lợi thế cho Le Pen.
Sự tan rã cũng có thể diễn ra theo một hình thức ít cực đoan nhưng âm thầm hơn là nếu các chính phủ chọn cách lờ đi các quy định của EU mà không bị trừng phạt. Ở Ý, Thủ tướng Matteo Renzi tìm cách lợi dụng tình trạng bất ổn hậu Brexit, sử dụng ngân sách để tái cấp vốn cho các ngân hàng thây ma[1] của mình, mà không áp đặt các tổn thất cho các chủ nợ của họ, do đó mà lờ đi quy định mới của EU về giải cứu ngân hàng là sử dụng biện pháp các chủ nợ (thường là ở khu vực tư nhân) giúp xóa bỏ một phần các khoản nợ cũ của con nợ. Tại Pháp, Thủ tướng Manuel Valls dọa sẽ bỏ qua chỉ thị về lao động làm thuê qua biên giới của EU trừ khi nó được sửa đổi để ngăn chặn người sử dụng lao động thuê công nhân từ các nước EU khác với điều kiện lao động thấp hơn so với người dân địa phương.
Đức tuyên bố rằng Pháp cũng bẻ cong các quy định tài chính của khu vực đồng euro, mà không có sự phản đối từ Ủy ban châu Âu. Và trong khi Ủy ban đã hăm dọa các khoản phạt đối với việc vay vượt mức của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Pháp cuối cùng lại không đồng thuận. Nước này cũng tán thành việc nhiều chính phủ đơn phương áp đặt việc kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen vốn được coi là di chuyển tự do.
Tệ hơn nữa, Ủy ban này đã nhắm mắt làm ngơ đối với Thủ tướng có tư tưởng phi tự do của Hungary, Viktor Orbán, mặc dù chính phủ của ông liên tục lờ đi yêu cầu của EU liên quan đến nền pháp quyền và chuẩn mực dân chủ. Chính phủ Hungary và các nước khác cũng từ chối thực hiện chương trình di chuyển người tị nạn trên toàn Liên minh của EU, một chương trình mà trong trường hợp nào cũng hầu như không được thực hiện. Orbán đang chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Mười để củng cố lập trường của mình.
Mối đe dọa thứ ba đối với sự hội nhập EU là việc những người theo chủ nghĩa quốc gia dân túy đang ngày càng chiếm nhiều vị trí hơn trong các chính phủ. Như Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Ngoại giao đã chỉ ra, các đảng phái “nổi dậy” đã đóng vai trò trực tiếp trong việc điều hành 8 trong số 28 quốc gia thành viên EU.
Tại Áo, ứng viên cực hữu Norbert Hofer dẫn đầu trong cuộc thăm dò trước cuộc tái bầu cử tổng thống nước này, diễn ra vào tháng Mười. Cùng tháng đó, Ý sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp để cải cách Thượng viện, và ông Renzi tuyên bố sẽ từ chức nếu cuộc trưng cầu không có kết quả tích cực. Điều đó sẽ mở ra cánh cửa cho đảng dân túy Phong trào Năm sao, mà gần đây đã thắng các cuộc bầu cử địa phương tại Roma và Turin, và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên khu vực đồng tiền chung euro (không phải EU) của Ý.
Ngay cả khi các đảng dân túy không giành chiến thắng, các chính trị gia truyền thống vẫn phải đưa ra nhượng bộ cho những người ủng hộ các đảng này. Ví dụ, ông Alain Juppé, người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống của đảng Cộng hòa Pháp, đã nghĩ về việc hạn chế di chuyển lao động trong EU, tương tự như đối thủ chính của ông, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Để chống lại các mối đe dọa tan rã, EU phải làm ít hơn nhưng tốt hơn. Về kinh tế, kế hoạch xây dựng các thể chế mới có thể tạm hoãn; thay vào đó khu vực đồng tiền chung châu Âu nên tập trung vào các chính sách nâng cao mức sống cho tất cả thành viên. Trong đó nên bao gồm: nới lỏng các ràng buộc tài khóa, đầu tư nhiều hơn; chấm dứt chính sách giảm lương “lợi mình hại người” của các nước; và mức thuế thấp hơn đối với lao động.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần phải khôi phục lòng tin. Trước tiên, họ nên sử dụng các quy định mới về giải cứu ngân hàng của EU, trong đó yêu cầu các chủ nợ (thường là trong khu vực tư nhân) chủ động xóa nợ (bail-in) để làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng, chuyển tổn thất sang cho các chủ nợ và đền bù cho bất kỳ nhà đầu tư nhỏ nào bị bán cho những món hàng kém chất lượng.
Về chính trị, EU cần nhấn mạnh sự hợp tác hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố. Và, thay vì cố gắng buộc các chính phủ “ngoan cố” phải chấp nhận người tị nạn không mong muốn, các cơ quan của EU nên theo đuổi một chương trình tái định cư có trật tự và an toàn với các chính phủ sẵn sàng chấp nhận nó. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh số phận không chắc chắn của thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn, một thỏa thuận ngày càng có vẻ bấp bênh sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7.
Lãnh đạo EU cần phải thức tỉnh. Với sự tan rã dần hiện ra, họ cần phải khẩn trương chứng minh cho những người dân châu Âu đang bất an rằng các lợi ích của EU là lớn hơn cái giá phải trả cho nó.
Philippe Legrain, cựu Cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu, là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Three paths to European disintegration
———–
[1] Zombie bank: ngân hàng có giá trị ròng âm, hoặc tổng tài sản nợ lớn hơn tổng tài sản, hoặc tất cả vốn góp – vốn đăng ký không còn nữa nhưng vẫn được (chính phủ hỗ trợ) cho phép hoạt động (ND).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]