17/10/1973: OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ

Print Friendly, PDF & Email

17-10-1973-opec-states-declare-oil-embargo

Nguồn: OPEC states declare oil embargo, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thực hiện điều mà họ gọi là “ngoại giao dầu mỏ”; theo đó, họ tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ nước nào đã ủng hộ Israel trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur giữa nước này với Ai Cập, Syria và Jordan. Cuộc khủng hoảng năng lượng này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên xăng dầu giá rẻ và khiến giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York giảm 97 tỷ USD, mở ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất của nước Mỹ.

Vào giữa năm 1973, thậm chí trước cả khi có lệnh cấm vận của OPEC, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã bắt đầu nhen nhóm tại Mỹ. Trữ lượng dầu trong nước bấy giờ khá thấp, chỉ khoảng 52 tỷ thùng, đủ cung trong vòng 10 năm. Hàng năm Mỹ đều phải nhập khẩu khoảng 27% lượng dầu thô họ cần, và giá dầu bắt đầu tăng cao. Cuộc chiến năm 1973 với Israel khiến mọi việc thêm tồi tệ.

OPEC tuyên bố sẽ trừng phạt các đồng minh của Israel bằng cách cắt giảm sản xuất 5%/tháng, cho đến khi Israel rút khỏi những vùng chiếm đóng và trả lại quyền cho người dân Palestine. Họ cũng tuyên bố rằng “kẻ thù” thực sự của các nước Ả Rập (thực ra là ám chỉ Mỹ và Hà Lan) sẽ phải chịu “cấm vận toàn diện” kéo dài.

Trước đó, giá của mỗi thùng dầu là do các công ty tự định, nhưng kể từ tháng 12/1973, OPEC tuyên bố các thành viên của họ sẽ tự quyết mức giá dầu xuất khẩu. Kết quả là giá của một thùng dầu đã lên đến 11,65 USD; cao hơn 130% so với giá dầu hồi tháng 10 và cao hơn 387% so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu trong nước cũng tăng mạnh, nhưng vẫn thiếu hụt dầu. Người dân phải xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ trước các trạm xăng – thậm chí ở một số nơi tại New Jersey, hàng người đã dài tới bốn dặm! Tính đến lúc cấm vận được dỡ bỏ vào tháng 3/1974, giá xăng bán lẻ trung bình đã tăng từ 34 cent/gallon lên 84 cent/gallon. Doanh số bán các loại ô tô nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu đã tăng vọt. Cùng lúc đó, nhu cầu dành cho các loại xe hạng nặng, “ngốn” rất nhiều xăng – mà phần lớn các công ty xe hơi Mỹ đang sản xuất – lại sụt giảm mạnh, khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ rơi vào thảm kịch.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]