Nguồn: Joshua Kurlantzick, “Thailand’s New Uncertainty”, Project Syndicate, 15/10/2016.
Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Dù đã được dự đoán từ lâu, cái chết của Nhà vua Bhumibol Adulyadej vẫn gây ra cú sốc nặng đối với đất nước Thái Lan. Khi tin được loan báo, những đoàn người rất đông đã tụ tập tại các thị trấn và thành phố để than khóc và tỏ lòng thành kính trước bậc quân vương đã trị vì đất nước trong bảy thập niên.
Thị trường chứng khoán Thái Lan chao đảo và đất nước này rơi vào một giai đoạn bất định. Phần lớn người Thái chưa từng biết đến một vị vua nào khác, và Vua Bhumibol đã truyền cảm hứng về sự cống hiến lớn lao trong thời kỳ nước này trải qua những biến động kinh tế và chính trị rộng khắp. Trong triều đại của ông, Thái Lan đã chuyển đổi từ một nước nghèo thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Vua Bhumibol là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất tại Thái Lan mặc dù theo hiến pháp, ông chỉ là vị vua dưới chế độ quân chủ lập hiến giống như Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của nước Anh. Chế độ quân chủ chuyên chế chính thức chấm dứt năm 1932, và khi ông chính thức lên ngôi năm 1950, những gì còn lại của chế độ này bị đe dọa xóa bỏ. Nhưng Vua Bhumibol đã làm việc không mệt mỏi để vãn hồi ảnh hưởng của triều đình.
Dưới thời ông trị vì, những người bảo hoàng, với đồng minh là phe quân đội, đã gây dựng lại hình ảnh của chế độ quân chủ. Nhà vua đại diện cho sự ổn định trong một thời kỳ có rất nhiều cuộc đảo chính và chiến tranh tại Đông Dương, cũng như chịu áp lực từ Hoa Kỳ và các cường quốc khác. Ông xây dựng được ảnh hưởng kinh tế rất lớn, với Văn phòng Quản lý Tài sản Hoàng gia – theo báo cáo có tài sản trị giá 30 tỷ USD – kiểm soát những bất động sản và tài sản có giá trị nhất Thái Lan. Và ông cũng gây dựng được uy tín là người ủng hộ và bảo vệ những người nghèo.
Do thiếu những thể chế quản trị đủ mạnh, Vua Bhumibol thường được cầu khẩn đứng ra giải quyết các tranh chấp chính trị nội bộ, nổi bật nhất là năm 1992 khi mà quân đội bắn súng vào hàng vạn người biểu tình tụ tập tại Bangkok. Nhà Vua đã triệu tập những người đứng đầu phe quân đội và phe biểu tình đến cung điện của mình ở trung tâm thành phố, và trên truyền hình trực tiếp, cả hai người này phủ phục trước Nhà Vua khi ông yêu cầu họ chấm dứt cuộc đổ máu. Phe quân sự rút lui, một chính quyền dân sự được dựng lên và đến những năm 2000, Thái Lan dường như đang xây dựng được một nền dân chủ đích thực và ổn định. Nhà Vua được coi là một lực lượng thúc đẩy dân chủ hóa.
Nhưng khi mà tầng lớp lao động Thái Lan, những người đã có thể chịu đựng sự cầm quyền của phe quân đội và kỹ trị trong hàng thập niên, đi theo con đường chính trị dân chủ mới của vương quốc, họ lại bầu cho các đảng dân túy, làm suy yếu quyền lực chính trị của giới tinh hoa chính trị, quân sự và hoàng gia. Ngay sau đó, phe tinh hoa phản công và nền chính trị của đất nước rơi vào một vòng xoáy của các cuộc đảo chính do hoàng gia hậu thuẫn, các chính phủ dân cử, và các cuộc biểu tình đường phố. Dù áp dụng những hình phạt nghiêm khắc cho tội “khi quân”, Nhà Vua vẫn phải hứng chịu ngày càng nhiều lời phê phán trên các phương tiện truyền thông xã hội và đôi khi cả những chỉ trích công khai, sau khi ông chấp thuận cuộc đảo chính năm 2006.
Sự bất định do cái chết của Nhà Vua gây ra còn tăng thêm khi mà nhóm tướng lĩnh quân đội chóp bu thông báo là người kế vị, Thái tử Maha Vajiralongkorn, sẽ không lập tức nối ngôi vì ông cần thời gian để tang vua cha. Trong thời gian chờ đợi, nền quân chủ sẽ do quan nhiếp chính phụ trách, ông này là Prem Tinsulanonda, đồng minh lâu năm của Vua Bhumibol và từng là Thủ tướng Thái Lan.
Prem là một nhân vật gây nhiều chia rẽ. Mặc dù ông làm Thủ tướng trong giai đoạn kinh tế đất nước phát triển nhanh, nhiều người Thái nghèo khổ không thích ông ta mà lại ủng hộ các đảng dân túy có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người có em gái cũng từng là Thủ tướng cho tới khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014. Nhiều người Thái coi Prem là kẻ thù không đội trời chung của Thaksin – người có chính phủ bị phe quân sự lật đổ năm 2006. Đối với họ, Prem đại diện cho giới tinh hoa vốn không muốn những người Thái sống ngoài thủ đô được có tiếng nói quyết định tương lai của đất nước. Hơn nữa, ở tuổi 96, Prem có thể không đủ sức trông nom quá trình chuyển giao ngai vàng.
Có nhiều cách để giải thích tại sao Vajiralongkorn không lập tức lên ngôi. Trước hết, ông ta có thể nhận thấy rằng mình không được người dân ngưỡng mộ như vua cha và phải cần thêm thời gian để giành thiện cảm của công chúng. Một lý do khác là phe quân sự (và cả Prem và những cố vấn khác của Vua Bhumibol) có thể đã buộc Hoàng Thái tử phải làm như vậy do lo ngại những tai tiếng ăn chơi của ông và tin đồn ông thân thiết với Thaksin. Còn một cách giải thích nữa là phe quân sự muốn trì hoãn để có thời gian vận động cho Công chúa Sirindhorn, chị gái của Vajiralongkorn và là người được công chúng yêu mến, trở thành Nữ hoàng, mặc dù theo Hiến pháp Thái Lan, một phụ nữ không thể lên ngôi vua.
Cái chết của Vua Bhumibol gây gia tăng bất ổn tại một khu vực đang chịu nhiều biến động. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang bị vướng vào một bê bối tham nhũng, trong khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa lập một chính đảng mới có thể sẽ liên minh với đảng của lãnh đạo đối lập lâu năm Anwar Ibrahim, mặc dù chính Mahathir đã từng loại bỏ ông này khỏi chính phủ. Từ nay cho đến cuộc bầu cử toàn quốc, nền chính trị Malaysia nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn và dễ dẫn đến các cuộc đàn áp hơn.
Ở Philippines, từ khi lên nắm quyền vào tháng Sáu, Tổng thống Rodrigo Duterte đã làm chấn động cả Đông Nam Á bằng việc lăng mạ Hoa Kỳ, nhích dần về phía Trung Quốc, và kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận chung Hoa Kỳ – Philippines. Thêm vào đó, Duterte đã phát động cuộc chiến chống ma túy dẫn đến hàng loạt vụ giết người không qua xét xử.
Tất cả các nước Đông Nam Á phải cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng việc Duterte đe dọa điều chỉnh chính sách của Philippines đang gây hại cho các nước khác cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Hơn nữa, các phát ngôn bừa bãi công khai của Duterte gây bất ổn cho kinh tế Philippines, tạo nguy cơ lan truyền khiến các nước Đông Nam Á phải lo ngại.
Dự kiến Thái Lan sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong năm sau, sau khi thông qua hiến pháp mới vào tháng Tám vừa qua. Nhiều người Thái hy vọng cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ đưa đất nước quay lại định hướng phát triển ổn định sau hơn một thập niên rối loạn chính trị. Nhưng với những bất định sau cái chết của Vua Bhumibol và khả năng vị Thái tử không được kính trọng lên ngôi vua, đất nước này khó có thể sớm tìm lại được sự ổn định./.
Joshua Kurlantzick là nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, và là tác giả cuốn sách sắp xuất bản có tên A Great Place to Have a War: America in Laos and the Birth of a Military CIA.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Thailand’s New Uncertainty
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]