Nguồn: Robert Harvey, “The World the Iraq war made”, Project Syndicate, 04/08/2016.
Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong bối cảnh mảnh đất của vùng Lưỡng Hà, Iraq và Syria, bây giờ là vùng đất hoang tàn của đau thương và đổ nát, báo cáo điều tra về Iraq, thường được gọi là Bản báo cáo Chilcot (theo tên của Chủ tịch Uỷ ban điều tra, Sir John Chilcot), có mục đích giúp giải thích việc chúng ta đã gặp phải kết cục này như thế nào. Do hiện bản báo cáo đã chi tiết hoá mức độ sai phạm của chính phủ Anh trong cuộc tấn công vào Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003, những người có dính líu đến những phát hiện trong báo cáo đang sử dụng hai lập luận để bác bỏ nó.
Lập luận đầu tiên, được đưa ra bởi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, là thế giới sẽ tồi tệ hơn hiện nay nếu Tổng thống Iraq Saddam Husein vẫn còn đang nắm quyền. Lập luận thứ hai là cuộc tấn công vào Iraq có thể thành công, nhưng vì thiếu vắng một kế hoạch hậu chiến, nên những hỗn loạn đã xảy ra sau đó.
Lập luận thứ hai có một ít cơ sở. Nhưng lập luận thứ nhất thì chắc chắn sai – đó chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ danh tiếng bởi những người phải chịu trách nhiệm cho một quyết định thảm hoạ.
Đối với những nhà quan sát học thuật hoặc nhưng người đưa tin từ Iraq vào thời điểm đó, trong đó có tôi, Saddam là một điển hình áp bức tại khu vực. Về mặt đối nội, ông ta là một bạo chúa giết người, nhưng mối quan tâm về an ninh hàng đầu của ông ta là Iran, điều khiến ông phát động một cuộc chiến vô nghĩa, với sự ủng hộ của phương Tây, kéo dài gần mười năm làm tiêu tốn hàng triệu sinh mạng và kết thúc trong bế tắc.
Khi Saddam tấn công Kuwait năm 1990, ông ta cho rằng đó thuần tuý là sự va chạm khu vực về dầu mỏ và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Ông ta đã tin tưởng một cách sai lầm rằng phương Tây đã bật đèn xanh cho ông.
Cuộc xâm lược Kuwait được đáp trả bằng chiến dịch Bão táp Sa mạc và các sự kiện khác dẫn tới việc Mỹ, Anh và Pháp áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề và khu vực cấm bay ngang qua một vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq. Bằng những biện pháp này, Iraq của Saddam đã bị làm suy yếu tới mức gần tan vỡ.
Bên trong nhà nước mới bị làm suy yếu của mình, Saddam tiếp tục bị ám ảnh về Iran và bóng gió nói về các vũ khí huỷ diệt hàng loạt của mình. Tuy nhiên, Iraq đã ngưng dự án hạt nhân của mình từ năm 1991, không có vũ khí sinh học và chỉ có khả năng rất hạn chế về vũ khí hoá học. Sau khi bị đánh bật ra khỏi Kuwait, không có cửa nào cho chế độ Saddam để có thể tạo ra một mối đe doạ nghiêm trọng cho khu vực hoặc cho phương Tây. Ông ta đã bị kìm kẹp, như một con chó sói ở trong lồng.
Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, chính quyền George W.Bush đã trả đũa, một cách dễ hiểu, bằng cách xâm lược Afghanistan, nơi chính quyền Taliban cho đặt các trại huấn luyện của Al-Qaeda. Đến tháng 12/2001, chính quyền Bush cũng đang xem xét khả năng tấn công Iraq.
Trở ngại lớn nhất cho chính quyền Bush là sự thiếu vắng bằng chứng về một mối quan hệ rõ ràng giữa chính quyền Saddam và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, mặc dù đã có một nỗ lực nhằm dựng lên một cuộc gặp giữa đại diện của hai bên ở Prague. Hoàn toàn ngược lại: Chính quyền Saddam và các nhóm Hồi giáo vũ trang là những kẻ thù không đội trời chung.
Tuy nhiên, các nhân vật cầm đầu của chính quyền rất quyết tâm phát động một cuộc chiến với Iraq, vì thế họ tạo ra một cái cớ: mối đe doạ của vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD). Trong thực tế, không có một mối đe doạ mới nào từ Iraq hoặc dấu hiệu nào cho thấy Iraq đang chuẩn bị triển khai các loại vũ khí như vậy. Và thậm chí khi Saddam sử dụng các vũ khí hoá học vài năm trước – chống lại quân đội Iran năm 1988, tại bước ngoặt của cuộc chiến tranh trên bán đảo Faw, và chống lại những người Kurd tại Iraq năm 1991 – phản ứng quốc tế cao nhất là yêu cầu một vùng cấm bay, không phải là một cuộc tấn công. (Vụ việc năm 1988 còn không tạo ra được phản ứng nào).
Hơn nữa, trong chiến dịch năm 1991 nhằm giải phóng Kuwait, các nước phương Tây đã đe doạ sẽ đáp trả bằng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Saddam triển khai các vũ khí hoá học. Ông ta đã không làm thế, và trong suốt các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc trước cuộc tấn công tháng 3 năm 2003, không có bằng chứng nào về bất cứ chương trình WMD nào khác.
Mục đích rõ ràng của cuộc xâm lược năm 2003 là thay đổi chế độ. Trong thực tế, Blair đã gần như công nhận điều này. Đầu năm nay, ông ta đã trình bày trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện rằng ông ta lo ngại sự can thiệp của phương Tây vào Lybia bởi nỗi sợ sẽ lặp lại các sự kiện ở Iraq.
Thiệt hại từ việc thay đổi chính thể ở Iraq là rất lớn. Theo báo cáo Chilcot, ít nhất 150.000 người Iraq (và con số có thể gấp 4 lần) đã bị giết trong các năm từ sau cuộc xâm lăng, và ước tính khoảng 3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của mình. Tình hình an ninh tệ hơn rất nhiều so với thời Saddam và nền kinh tế thì không khá hơn.
Trong khi đó, như nhiều người đã cảnh báo vào thời điểm đó, Iran, với sự biến mất của vật cản lớn nhất trong lịch sử để bành trướng, đang tận hưởng những lợi thế rõ ràng về mặt chiến lược. Thông qua lực lượng dân quân người Shia và một chính quyền có cảm tình với mình ở Baghdad, Iran đang chiếm đóng trên thực tế một vùng rộng lớn của Iraq. Đồng thời, cái được gọi là Nhà nước Hồi giáo cũng phần lớn được tạo thành bởi các tay chân người Sunni của Saddam. Chúng đang bị kẹt trong cuộc chiến chống lại chính quyền tàn bạo thân Iran của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một vài nhóm vũ trang thân phương Tây được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Mỹ và Anh, cùng với người Kurd, người Thổ và người Nga. Quan điểm cho rằng cuộc nội chiến Syria không liên quan đến các sự kiện ở Iraq là không thể biện hộ được.
Chúng ta có thể đoán được thế giới sẽ như thế nào nếu cuộc xâm lược năm 2003 không xảy ra. Một Saddam già yếu có thể sẽ tiếp tục cai trị, nhưng ông ta sẽ tạo ra rất ít mối đe doạ, ngoại trừ với dân chúng của ông ta. Ông ta có thể trao quyền lại cho một trong các đứa con hủ hóa của mình, hoặc có lẽ một kẻ độc tài khác sẽ cướp quyền, như Anwar el-Sadat đã làm ở Ai Cập tiếp sau cái chết của Gamal Abdel Nasser năm 1970. Sau đó Sadat bắt đầu quá trình nối lại quan hệ với phương Tây. Quá trình này cũng có thể đã xảy ra ở Libya nếu Muammar el-Qaddafi không bị lật đổ.
Chắc chắn đến cả Blair cũng không thực sự tin rằng thế giới đó, mặc dù chưa được như mong muốn, sẽ có thể tồi tệ hơn vòng xoáy khói lửa đang nhấn chìm Trung Đông và đe doạ an ninh Châu Âu ngày nay.
Robert Harvey, cựu thành viên của Uỷ ban đối ngoại Hạ viện, là tác giả của cuốn Global Disorder and A Few Bloody Noses: The Realities and Mythologies of the American Revolution.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The World the Iraq war made
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]