Tương lai nước Mỹ sau bầu cử tổng thống 2016

us-ele-2016

Nguồn: Richard N. Haass, “America After the Election,” Project Syndicate, 25/10/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Hoa Kỳ nổi bật vì sự thiếu nhã nhặn và những khác biệt quá lớn giữa các ứng cử viên: doanh nhân chống lại nền chính trị dòng chính Donald Trump ở phía Đảng Cộng hòa và chính trị gia bóng bảy Hillary Clinton đại diện cho Đảng Dân chủ. Cuộc cạnh tranh đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ và làm tổn hại danh tiếng toàn cầu của đất nước này. Không có gì ngạc nhiên khi một trong số ít điều mà người Mỹ dường như đều đồng thuận là việc chiến dịch này đã kéo dài quá lâu. Nhưng nó sẽ sớm kết thúc. Câu hỏi là: điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Thăm dò dư luận cho thấy Clinton, một cựu thượng nghị sĩ và ngoại trưởng, sẽ đánh bại Donald Trump vốn gây nhiều tranh cãi. Nhưng không được nhầm lẫn thăm dò dư luận với thực tế. Suy cho cùng, trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi tháng 6, phần lớn giới quan sát đã tin rằng chiến thắng dành cho phe “ở lại” là điều chắc chắn. Gần đây hơn, cử tri Colombia đã bác bỏ một hiệp định hòa bình vốn được kỳ vọng sẽ được đa số chấp thuận.

Tất cả những điều đó nói lên rằng, cho dù chiến thắng của bà Clinton là rất có khả năng, nó lại không hoàn toàn chắc chắn. Cuộc bỏ phiếu duy nhất quan trọng là vào ngày 8 tháng 11 sắp tới. Từ giờ cho đến lúc đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm là suy đoán kết quả.

Nhưng có thể đưa ra một vài dự đoán với độ tin tưởng cao. Gần như chắc chắn là sau cuộc bầu cử này Hoa Kỳ sẽ trở thành một đất nước chia rẽ với một chính phủ chia rẽ, bất kể ai là tổng thống hay đảng nào sẽ nắm đa số tại hai viện của Quốc hội. Cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều không thể thực hiện được các mục tiêu của mình nếu không có ít nhất một vài sự ủng hộ nào đó từ phía đối lập.

Nhưng không nên nghĩ rằng sự chia rẽ duy nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ là giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trên thực tế, những chia rẽ trong hai đảng lớn nhất này cũng sâu sắc như vậy với các bè phái lớn và có động cơ rõ rệt kéo mỗi bên sang một thái cực riêng – Dân chủ về phía cánh tả và Cộng hòa về phía cánh hữu. Điều này khiến việc thỏa hiệp về các lập trường trung dung càng khó đạt được.

Sự quay lại nhanh chóng của chính trị xoay quanh chiếc ghế tổng thống sẽ hủy hoại sự thỏa hiệp hơn nữa. Nếu Clinton chiến thắng, nhiều đảng viên Cộng hòa sẽ cho đó chỉ là nhờ vào những sai lầm của Trump, và họ sẽ coi bà rất có thể chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Họ sẽ kết luận rằng một đất nước ưa thay đổi nhiều khả năng sẽ không giữ một đại diện Đảng Dân chủ ở lại Phòng Bầu Dục thêm một nhiệm kỳ thứ tư. Nhiều đảng viên Cộng hòa (đặc biệt là những người phủ nhận tính chính danh trong thắng lợi của bà Clinton) do vậy sẽ tìm cách làm thất bại chính phủ của bà, vì sợ rằng bà sẽ có thể tái tranh cử vào năm 2020 với tư cách một tổng thống đương nhiệm thành công.

Tương tự, nếu Trump có thể giành chiến thắng, phần lớn đảng viên Dân chủ (và thậm chí là một số đảng viên Cộng hòa) – sau khi gượng dậy khỏi nỗi kinh ngạc và thất vọng – sẽ ưu tiên tối đa việc bảo đảm ông không còn cơ hội nào cho một nhiệm kỳ thứ hai. Với bao nhiêu điểm trong chương trình nghị sự của Trump mà các nhà hoạch định chính sách có thể muốn phản đối, công tác quản lý sẽ rất khó khăn trong suốt nhiệm kỳ của ông.

Trong cả hai viễn cảnh, có thể sẽ có tiến bộ diễn ra ở một vài lĩnh vực then chốt. Chính phủ tiếp theo của Hoa Kỳ có thể sẽ ban hành luật để tài trợ cho việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng già cỗi của nước Mỹ, một chính sách mà cả hai ứng cử viên và nhiều người trong Quốc hội đều ủng hộ. Cũng có thể họ sẽ vội vã tạo thành một nhóm đa số để cải cách luật thuế – đặc biệt là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế đối với người giàu. Thậm chí cũng có thể có một số cải cách về chăm sóc sức khỏe – một thành tựu của Tổng thống Barack Obama – bởi những vấn đề nghiêm trọng về thực thi trong hệ thống hiện hành.

Nhưng các vấn đề khác đòi hỏi sự hợp tác giữa Quốc hội và tổng thống dường như sẽ không thể sớm được giải quyết. Một là về cải cách vấn đề nhập cư vốn cũng gây tranh cãi ở Hoa Kỳ không khác gì ở châu Âu. Một vấn đề khác là thương mại: do môi trường chính trị trong nước khiến các nhà hoạch định chính sách phải thận trọng trong việc ủng hộ những lập trường thu hút nhiều sự phản đối, cả Trump và Clinton đều chống lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù việc phê chuẩn hiệp định sẽ có lợi cho nền kinh tế và vị thế chiến lược của Mỹ. Trong khi đó, các khoản thâm hụt và nợ của Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng, bởi dường như có rất ít hoặc không hề có ý định nào nhằm cắt giảm các khoản chi phúc lợi.

Những tác động chính sách đối ngoại của cuộc bầu cử có phần khác biệt, bởi theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền hành đáng kể. Mặc dù chỉ Quốc hội mới có thể chính thức tuyên bố chiến tranh hoặc phê chuẩn các hiệp định, tổng thống có thể sử dụng (hoặc từ chối sử dụng) lực lượng quân sự mà không cần sự chấp thuận rõ ràng của Quốc hội. Tổng thống cũng có thể tham gia các thỏa thuận quốc tế mà không phải là điều ước, bổ nhiệm đội ngũ nhân viên quyền lực của Nhà Trắng, và thay đổi chính sách đối ngoại Hoa Kỳ bằng các hoạt động hành pháp, như Obama gần đây đã thực hiện đối với Cuba.

Dưới thời Clinton, sự tự do hành động này có thể dẫn tới việc thiết lập một hoặc nhiều khu vực an toàn ở Syria, cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine, và có lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đoán xem Trump sẽ làm gì sẽ khó hơn. Suy cho cùng, ông là một kẻ ngoại đạo về chính trị, bởi vậy không ai biết được bao nhiêu phần trong luận điệu tranh cử của ông sẽ biến thành chính sách. Tuy nhiên, có thể dự đoán chính quyền của Trump sẽ tự tạo khoảng cách với một số đồng minh truyền thống ở châu Âu và châu Á và gần như sẽ tách biệt với Trung Đông.

Chính xác thì điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ sau cuộc tranh cử tổng thống vẫn là một câu hỏi mở. Mặc dù một vài kết quả có thể có cơ sở để suy đoán, nhưng điều chắc chắn xác thực duy nhất là 96% dân số thế giới không bỏ phiếu trong cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ cũng sẽ chịu ảnh hưởng không ít hơn những gì người Mỹ sẽ trải qua.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001–03), đặc phái viên của Tổng thống George W.Bush tại Bắc Ireland, và điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách sắp ra mắt của ông có nhan đề A World in Disarray.

Copyright: Project Syndicate 2016 – America After the Election
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]