10/11/1982: Leonid Brezhnev qua đời

10

Nguồn: Leonid Brezhnev dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1982, sau 18 năm làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev đã qua đời. Cái chết của ông báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn ổn định nhưng trì trệ trong lịch sử Liên Xô.

Brezhnev lên nắm quyền vào năm 1964, khi cùng với Alexei Kosygin, ông đã thành công trong việc lật đổ Nikita Khrushchev. Trong 18 năm tiếp theo đó, ông tạo ra một mức độ ổn định chính trị nhất định cho Liên Xô, kể từ thời Stalin. Tuy nhiên, thời gian cầm quyền của ông cũng được đánh dấu bởi sự đàn áp mạnh mẽ các đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến, bởi khoản đầu tư khổng lồ cho quân sự khiến nền kinh tế Liên Xô phá sản, và bởi một chính sách ngoại giao cực kỳ khó hiểu.

Chính trị trong thời kỳ của Brezhnev ngày càng trở nên tồi tệ. Những người bất đồng chính kiến như Aleksandr Solzhenitsyn và Andrei Sakharov đã bị công kích và đôi khi còn bị kết án lưu đày trong nước. Chương trình phát triển của Brezhnev nhằm đưa quân đội Liên Xô lên ngang bằng với quân đội Mỹ đã đẩy nền kinh tế Nga đến bờ vực sụp đổ. Tính đến cuối thập niên 1970, tăng trưởng kinh tế gần như giậm chân tại chỗ.

Chính sách đối ngoại của Brezhnev thì luôn rất khó hiểu với người Mỹ. Một mặt, dường như ông ta chấp nhận ý tưởng “chung sống hòa bình”, thúc đẩy việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, và giúp đỡ Mỹ trong các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam. Mặt khác, ông lại để quân Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968, can dự vào các cuộc cách mạng ở Ethiopia và Angola trong những năm 1970, phản ứng đầy tính đe dọa trong cuộc xung đột Ả Rập-Israel năm 1973, và còn ra lệnh cho Liên Xô xâm lược Afghanistan vào năm 1979.

Trong những năm cầm quyền cuối cùng của Brezhnev, các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân gần như hoàn toàn đi vào ngõ cụt. Sau khi Brezhnev qua đời vào tháng 11/1982, Yuri Andropov trở thành lãnh đạo tiếp theo của Liên Xô.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]