Nguồn: Anders Åslund, “How Russia Stays Afloat,” Project Syndicate, 28/11/2016.
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Tính bền vững trong dài hạn của nền kinh tế Nga là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chủ nghĩa thân hữu đang tràn lan, và việc Nga phụ thuộc nặng nề vào doanh thu từ dầu mỏ đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải chịu ảnh hưởng bất cứ khi nào giá dầu giảm. Song nếu chúng ta học được gì từ Liên Xô thì đó là các hệ thống không bền vững vẫn có thể sống sót qua nhiều năm.
Hệ thống của nước Nga ngày nay khiến tôi nhớ về hệ thống của Liên Xô mà tôi từng trải nghiệm vào năm 1983, khi đang sinh sống ở Moskva, còn vị giám đốc KGB cứng rắn Yuri Andropov (còn gọi là “Tên đồ tể của Budapest”)[1] vẫn đang nắm quyền (dù sức khỏe đã yếu). Những đặc trưng chung của hai nền kinh tế, khi đó và bây giờ, bao gồm giá dầu thấp, một hệ tư tưởng kinh tế phi thực tế, nhà nước sở hữu các ngành công nghiệp chủ đạo, và chế độ chuyên chế.
Nhưng có một khác biệt đáng chú ý là phương thức quản trị nền kinh tế vĩ mô của Nga ngày nay hiệu quả hơn so với ngày trước. Nga không có nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp từ phương Tây. Nhưng nguồn tài nguyên eo hẹp đã hạn chế các lựa chọn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin cũng như làm trầm trọng thêm căng thẳng trong giới chóp bu Nga.
Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào tháng 6 năm 2014, Nga đã tụt từ vị trí thứ sáu xuống vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); GDP của nước này (tính bằng đồng đô la Mỹ hiện nay) đã giảm từ 2,1 nghìn tỷ đô la xuống còn 1,1 nghìn tỷ đôla – chỉ bằng 6% GDP của Hoa Kỳ. (Và mức chi cho quốc phòng của Nga chỉ bằng 8% so với Mỹ).
Tuy nhiên, dù Nga không thể cạnh tranh được với Mỹ về mặt kinh tế, chính phủ nước này vẫn duy trì được sự cân bằng kinh tế vĩ mô đáng ngưỡng mộ, cho dù các triển vọng tăng trưởng đã trở nên mờ nhạt. Chính phủ Nga cần một khoảng thời gian để có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo, và các khoản dự trữ ngoại tệ của nước này đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2014; nhưng đến tháng 12 năm đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cuối cùng đã thả nổi tỷ giá hối đoái của đồng rúp, nhờ đó mà tình hình kinh tế vĩ mô đã trở nên ổn định.
Trong các tuyên bố công khai của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh năm chỉ số của sự ổn định: dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế, cán cân ngân sách, lạm phát, và tỷ lệ thất nghiệp. Trong số đó, ông coi dự trữ ngoại tệ có tầm quan trọng hàng đầu. Tại diễn đàn đầu tư “Russia Calling!” thường niên hồi tháng 10, Putin nói “dự trữ ngoại tệ đang gia tăng” và “hiện đang có khoảng 400 tỉ đô la Mỹ” – đây rõ ràng là mục tiêu mà ông hướng tới.
Dự trữ ngoại tệ của Nga bao gồm cả Quỹ Dự trữ của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2017. Nhưng đối với Putin, vấn đề nằm ở quy mô tổng thể của các quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga. Bằng cách thả nổi tỷ giá hối đoái với giá dầu, CBR đã có thể duy trì một khoản thặng dư tài khoan vãng lai lớn, ngay cả khi giá hàng hóa cơ bản thấp hơn đã làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu xuống còn một nửa kể từ năm 2013.
Tương tự, Bộ Tài chính đang duy trì thâm hụt ngân sách trong khoảng 3% GDP, và tỷ giá hối đoái giảm cũng giúp thu ngân sách tính bằng đồng rúp tương đối ổn định, ngay cả khi doanh thu tuyệt đối (bằng đồng đô la) đã giảm. Chính phủ cũng bù vào các khoản thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu dành cho giáo dục, y tế, và giờ là cả tiền lương hưu.
Khi đồng rúp mất giá vào đầu năm ngoái, lạm phát đã tăng trên 16%; song chính sách tiền tệ thắt chặt của CBR sau đó đã giúp giảm lạm phát xuống còn 6%, và có khả năng còn 4% vào năm tới. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp hiện là 5,4%, và Nga đã cố gắng duy trì con số này dưới mức 6% kể từ khi giá dầu sụt giảm; hơn nữa, nợ công chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP ở mức 13%.
Bất chấp những chỉ số tích cực này, tổng mức đầu tư, GDP, và mức sống đều đang giảm. Mức thu nhập khả dụng thực tế đã giảm 10% trong năm ngoái, và có thể sẽ giảm thêm 5 đến 6% trong năm nay. Năm trước, đầu tư đã giảm hơn 8% và có thể sẽ giảm còn 4% trong năm nay; còn GDP đã giảm 3,7% trong năm 2015, và có khả cũng giảm tiếp trong năm nay (dù ít hơn 1%).
Đối với một người phương Tây thì những con số này là không thể chấp nhận được. Song người dân Nga lại trân trọng việc mức thu nhập thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng gấp hai lần trong giai đoạn 1999-2008. Và dù sao đi nữa thì họ cũng không thể biểu tình dưới chế độ hiện nay.
Tuy nhiên, Putin từng coi tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho tính chính danh của mình. Giờ đây khi ông không còn có thể thực hiện được lời cam kết cải thiện mức sống, ông bắt đầu đi theo khuyến nghị của bộ trưởng Vyacheslav von Plehve của Đế quốc Nga năm 1904: “Chúng ta cần một chiến thắng nhỏ.” Putin đang được hưởng lợi từ ba cuộc chiến như vậy tính đến thời điểm hiện tại: cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia, cuộc sáp nhập Crimea năm 2014, và cuộc can thiệp hiện vẫn được duy trì ở Syria từ tháng 9 năm 2015.
Thế nhưng một Putin từng e ngại rủi ro giờ lại phải gánh chịu nhiều rủi ro lớn hơn, đặc biệt là ở miền Đông Ukraine, nơi cuộc xung đột mà ông thúc đẩy không hề nhỏ và cũng không mang lại thắng lợi gì. Miền Đông Ukraine thể hiện một thất bại trong chính sách đối ngoại, và điều này chứng tỏ rằng, dù có ưu thế quân sự so với các nước láng giềng thì Nga cũng không đủ khả năng theo đuổi các cuộc chiến tranh kéo dài. Phương Tây đã lợi dụng điểm yếu này bằng các lệnh trừng phạt tài chính, điều khiến GDP của Nga mất đi khoảng 1% mỗi năm.
Giới chóp bu trong nước của Nga cũng là một mối đe dọa khác đối với Putin, đó là lý do vì sao ông đã lần lượt sa thải các tướng lĩnh KGB kể từ tháng 8 năm 2014, đồng thời tìm cách loại trừ các đối thủ tiềm tàng. Nhưng cuộc thanh trừng của ông đã bị đình trệ, với việc các tướng lĩnh Nga vẫn chiếm đa số trong “Bộ Chính trị đích thực” của đất nước, tức Hội đồng An ninh Nga.
Ngày 15 tháng 11, Putin đưa cuộc thanh trừng của mình đi theo một hướng mới với việc bắt giữ Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukaev, một trong các nhà kỹ trị theo hướng tự do chủ nghĩa còn lại. Ngày hôm sau, khi Putin phát biểu tại Bộ Quốc phòng trên sóng truyền hình với một văn bản được chuẩn bị sẵn, các vị tướng lĩnh có mặt khi đó đã nhìn ông với ánh mắt khinh bỉ rõ ràng, và vị Bộ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực Sergey Shoigu có vẻ còn làm ngơ ông.
Putin là một người am hiểu về chính trị và thường che giấu các ý định thực sự của mình. Ông cũng thường xuyên khiến thế giới ngạc nhiên trước các cuộc chiến cùng các sáng kiến ngoại giao bất ngờ, như ở Ukraine và Syria. Ông đang chịu sức ép về mặt kinh tế, song tình hình không phải là đã hết hy vọng, và chúng ta nên sẵn sàng đón nhận những điều bất ngờ từ ông. Giờ đây, khi chiến thắng của tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã tạo ra một khoảng trống quyền lực ở Washington, Putin có một cơ hội lớn để nâng cao vị thế của mình ở trong nước. Chúng ta có thể chắc chắn rằng ông sẽ tìm cách khai thác triệt để cơ hội này.
Anders Åslund, nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, Washington, DC, là tác giả của cuốn Ukraine: What Went Wrong and How to Fix It.
Copyright: Project Syndicate 2016 – How Russia Stays Afloat
————-
[1] “Tên đồ tể Budapest” là biệt danh người dân Hungary dùng để chỉ Andropov do vai trò của ông ta trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Hungary năm 1956 (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]