Tổng hợp: Mai Nguyễn
6 – Sinh sự vì Dương Văn Minh lên đại tướng trước Nguyễn Khánh 3 ngày!
Vừa là bạn đồng sàng, vừa là phụ tá đắc lực của Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan được “Thủ tướng” Kỳ tin cẩn lần lượt giao nắm các chức vụ đầy quyền sinh sát trong ngành an ninh quân đội, tình báo và cảnh sát Sài Gòn
Một bữa, Loan uống say, mặt đỏ và méo, kéo tay Nguyễn Chánh Thi lôi vào một căn phòng ở Bộ Tổng tham mưu hét toáng lên: – Thôi ông ơi, ông thì chịu khó đi ra ngoại quốc một thời gian đi! Chúng nó ngại ông lắm. Nếu ông còn lẩn quẩn ở đây thì chúng nó còn khó chịu và còn làm nhiều chuyện ồn ào lắm.
“Chúng nó” tức cánh Kỳ và Thiệu đang hợp tác tìm thủ đoạn đốn ngã Thi, Loan vừa lè nhè mớm cho Thi hãy “chạy ra nước ngoài”, vừa đưa cao chai bia đang cầm trong tay lên nốc, rồi chửi đổng một hồi vung vít…
Chừng sáu, bảy ngày sau, Loan tìm gặp Thi lần nữa, lần này có cả Mai Đen – từng nhúng tay vào việc buôn vàng và thuốc phiện vùng biên giới Lào – Việt thời Ngô Đình Nhu – đi kèm. Không say như hôm trước, mà rất tỉnh táo, lạnh lùng “đề nghị” Thi: Ông nên chịu khó đi ra nước ngoài thì hơn, nếu ông còn ở lại Việt Nam, chỉ sợ tính mạng của ông không được bảo đảm.
Nguyễn Chánh Thi hiểu đó chẳng phải là lời đe dọa suông.
Sau này, khi lưu vong, ông viết hồi ký và ngán ngẩm về các “chiến hữu” của mình thời đó như Kỳ, như Khánh. Với đầu óc quân phiệt, muốn làm “cha dân” của Khánh. Có lần qua điện đàm, Thi tỏ thái độ không đồng tình với Khánh về chuyện đó, khiến Khánh “rất khó chịu” và theo lời Thi: “ông ta bỏ điện thoại xuống một cách giận dữ”.
Thi viết: “Dẫu sao sau đấy một chính quyền dân sự (!) được thành lập bởi Thủ tướng Trần Văn Hương và cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Trung tướng Dương Văn Minh và trung tướng Nguyễn Khánh được thăng lên đại tướng”.
Vụ thăng đại tướng của hai ông Khánh và Minh hồi ấy cũng bộc lộ những bất đồng sẵn có giữa họ vốn manh nha từ cuộc đảo chánh 1.11.1963. Ông Khánh không muốn ông Minh đưa ông Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Thủ tướng. Ông Minh đợi đến buổi lễ gần thăng cấp cho các tướng tá có công trong đảo chánh mới quay lại bảo Khánh: – Anh không muốn cho ông Thơ làm thủ tướng chớ gì, chỉ chốc nữa đây chính ông Thơ sẽ gắn sao cho anh!
Làm sao Khánh có thể khước từ được? Chuyện xảy ra tại Câu lạc bộ Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn có đông đảo các tướng tá sĩ quan cùng biết nên Khánh bực lắm. Đến 1964, khi ông Minh làm “Quốc trưởng” và Khánh làm “Thủ tướng” rồi tự dàn cảnh phong mình lên “Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa”, thì hai bên “đụng” nhau hoài. Một lần, vào ngày 1.7.1964, hai ông Minh và Khánh sừng sộ nhau tại Dinh số 2 Đà Lạt trước mặt các ông Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim quanh “quyền” của mỗi người. Ông Khánh bắt đầu “nổ” ngay:
– Tại sao anh ra Huế và Đà Nẵng, anh gắn huy chương cho ông Tôn Thất Xứng và ông Mỹ, tôi là “chủ tịch” mà anh không hỏi ý kiến tôi gì hết?
Dương Văn Minh đáp:
– Tôi tưởng tôi là “Quốc trưởng” thì có quyền chớ!
Khánh không chịu:
– Nhưng tôi là “Chủ tịch”, anh phải hỏi tôi.
– Thế anh có quyền thì ấn định quyền hạn cho tôi đi.
– Thì anh đề nghị quyền hạn lên tôi. Chuyện này nữa, tôi là Thủ tướng, tôi cần dùng xe cộ, tôi cũng có khách để tiếp đón, tại sao bên anh lại sử dụng gì đến một trăm hai mươi mấy chiếc xe, tôi cần anh trả lại một ít để làm cái Pool: văn phòng tôi hỏi thì ông đổng lý văn phòng anh bảo là không trả gì cả!
“Quốc trưởng”, “Thủ tướng” và “Chủ tịch nước” mà đè nhau ra chì chiết những chuyện như thế thì khó nghe quá. Trần Văn Đôn cũng có mặt tại buổi “tọa đàm nội bộ’ trên kéo dài từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, có chen vào những “thắc mắc chung” của “từng người” khác và đã ghi lại mẩu “đối chọi” giữa hai ông Minh và Khánh như vậy trong hồi ký Việt Nam nhân chứng.
Vài tháng sau, cuối năm 1964, ông Khánh mới nhờ cậu ông ta là Nguyễn Lưu Viên, bấy giờ giữ chức “Tổng trưởng Nội vụ” nói với ông Trần Văn Hương đề nghị với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng Nguyễn Khánh và Dương Văn Minh lên đại tướng, nhưng trong sắc lệnh phải ghi, ông Khánh được “lên” trước ông Minh…1 ngày!
Theo ông Đôn, khi sắc lệnh được trình ký lên văn phòng quốc trưởng “những sĩ quan làm việc tại đó phần nhiều là người của ông Minh. Thấy thế, biết là ông Khánh chơi “thầy” mình nên họ đề nghị Quốc trưởng trình lên Thượng hội đồng quốc gia (…). Nhận định rằng ông Minh là cựu Quốc trưởng và ở chức vụ trung tướng thâm niên hơn ông Khánh, cho nên cuối cùng họ (Thượng hội đồng quốc gia) đồng chấp thuận thăng hai ông lên đại tướng, nhưng để ông Minh “lên” trước …3 ngày!”.
Thế là sinh sự . Khi nhận được điện thoại báo tin sắc lệnh trên đã được ký, ông Khánh đang dùng cơm tối với Trần Văn Đôn ở Dinh số 2, chẳng những không vui mà lộ hẳn vẻ ác cảm, bực tức đến nghẹn cơm vì cái “hội đồng quốc gia” đã làm ông vỡ một cuộc chơi.
Về Sài Gòn, Khánh nhóm họ “nhóm tướng trẻ” quy cho “Thượng hội đồng quốc gia đang âm mưu giành tất cả quyền hành, lấn át quân đội!”. Lúc đó, theo hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ, có người về hùa với Khánh la to: “Hốt chúng đi là xong!”. Thật loạn.
Bề nào thì hội đồng đó vẫn gồm các thành viên cao niên, hoặc tên tuổi được chính giới Sài Gòn biết tiếng như các ông: Phan Khắc Sửu, Lê Văn Thu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Chữ, Hồ Văn Nhựt, Mai Thọ Truyền, Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyễn Đình Lượng, Hồ Đắc Thắng, được thành lập hồi tháng 9.1964.
Nguyễn Cao Kỳ mỉa mai: “Hội đồng quá già nua đến độ ở các quán rượu Sài Gòn người ta gọi đó là viện bảo tàng quốc gia”, và Kỳ cùng Khánh ra lệnh “nhóm tướng trẻ” hốt hội đồng đó thật, bắt một số đem quản thúc khiến đại sứ Mỹ M.Taylor phải ôm đầu bảo họ: “Các vị đã làm nát bét cả rồi!” Nghĩa là làm mất cái “màu mè dân chủ”, cái “chính phủ dân sự” mà Mỹ đang muốn có. Dĩ nhiên, nhiều nguyên do để Khánh “hốt” hội đồng , nhưng chắc chắn việc quyết định để Khánh lên đại tướng sau Dương Văn Minh 3 ngày có tác động tâm lý thúc đẩy Khánh hành động nhanh hơn. Vả lại, lúc ấy nghi án “5 tướng Đà Lạt” kết thúc rồi, các “tướng già” đang có mặt ở Sài Gòn . Họ quen biết những nhân vật thân cận với đại sứ Taylor, điều đó cũng đáng lo chứ?
7 – “Anh cả Trường Sơn” Vĩnh Lộc với cuộc tình trên phố núi cao
Trung tướng Vĩnh Lộc thường cho máy bay quân sự “không vận” các nữ ca sĩ lên phục vụ ở Vùng II chiến thuật
Đêm 28.5.1964, đường phố Đà Lạt thấp thoáng bóng nhiều chiếc xe jeep gắn sao đỏ di chuyển về hướng dinh số 3. Có nhiều dấu hiệu rất rõ về sự hiện diện bất ngờ của khá đông các tướng tá từ Sài Gòn lên.
Kết thúc nghi án năm tướng Đà Lạt “trung lập”
Trần Văn Đôn lúc đó cùng em rể là trung tướng Lê Văn Kim được đưa từ Đà Nẵng về quản thúc tại nhà riêng số 16 đường Lê Thái Tổ, Đà Lạt. Khoảng mười một giờ rưỡi khuya hôm đó, an ninh quân đội đến “mời” hai ông Đôn và Kim ra xe, đưa về dinh 3. Ở đó, 4 tướng “Đôn-Đính-Kim-Xuân” (và Vỹ) bị tình nghi “trung lập” được đưa ra đối chất trước hội đồng tướng lĩnh ngồi xoay quanh theo hình chữ U.
Trần Văn Đôn được đưa vào phòng họp lúc …1 giờ sáng 29.5! Ông Đôn kể: “Bước vào thật là buồn rầu, bỡ ngỡ. Trước mặt tôi là các tướng tá: Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí, Phạm Xuân Chiểu, Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đỗ Mậu, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Chánh Thi, Dương Ngọc Lắm, Trần Tử Oai, Lê Văn Nghiêm, Nguyễn Cao Kỳ (đến buổi sáng sau). Chung Tấn Cang, các đại tá: Trần Thanh Bền, Nguyễn Mộng Bích, Lê Văn Nhiêu. Tôi ngồi ở giữa, họ ngồi chung quanh…”.
Sau 4 tháng bắt giữ vì bị nghi “trung lập”, đến lúc đưa ra xét hỏi chẳng thấy nhắc tới hai tiếng “trung lập” chi cả, chỉ loanh quanh mấy chuyện gì đâu kéo tận tới 6 giờ rưỡi sáng . Nguyễn Chánh Thi cứ lôi chuyện bà Ngô Đình Nhu hỏi Đôn: “Tại sao trung tướng trả các con của bà Nhu lại mà không giữ làm con tin để đòi trao đổi tiền bạc của nhà Nhu?”. Trần Văn Đôn viết là ông đã trả lời ông Thi một cách “bình tĩnh, ôn tồn” như sau:
– Sau cái chết của hai ông Diệm – Nhu dư luận trong và ngoài nước đều xúc động nên đại sứ Cabot Lodge có yêu cầu chúng tôi trả con của bà Nhu lại cho bà ta để làm dịu bớt tinh thần dân chúng Mỹ đang xúc động.
Ông Đôn bảo là đã trình lên hội đồng quân nhân đảo chính trước khi các con bà Nhu lên máy bay ra nước ngoài và hội đồng chấp thuận. Sau những thẩm vấn đại loại như vậy, các tướng gác chuyện bà Nhu sang một bên và trao cho Trần Văn Đôn một danh sách dài thượt gồm tên họ các bà các cô và bảo: – Có phải đây là tên họ các nhân tình của anh? Chúng tôi nhận thấy anh thiếu tác phong. Chúng tôi nghỉ 15 phút để anh coi cho kỹ rồi trả lời.
Thật lạ lùng. “Hội đồng xét hỏi” đưa ra danh sách các bà các cô xem chừng chẳng dính dáng gì tới “nghi án chính trị”? Ông Đôn đọc qua; khi trở lại phiên họp, trả lời rằng “một số tên đúng” là nhân tình của ông ta, “một số tên chưa hề quen biết”, có thể là nhân tình của ai đó đang ngồi đây? Cả phòng họp cười ồ. Tướng Đỗ Cao Trí bảo hỏi chuyện đời tư nghe “xấu hổ quá” : – Nếu ngày nào tôi ngồi vào ghế của trung tướng Đôn thì không phải là một tờ giấy như vậy mà là chở một xe GMC!
Ý ông Trí bảo nếu có điều kiện như ông Đôn, danh sách tình nhân của ông ta chép trên giấy nhiều tới nỗi phải dùng xe quân sự loại lớn mới tải hết!
Ngoài “Đôn-Đính-Kim-Xuân”, tướng Nguyễn Văn Vỹ cũng bị xét hỏi, và kết quả rất chung chung cho 5 người là: “Chưa dứt khoát tư tưởng”, “thiếu lãnh đạo chỉ huy”, kèm theo mục bồ bịch lung tung gọi là “thiếu tác phong”. Rồi tuyên bố…trả tự do! Ưa thì bắt. Ưa thì thả. Chuyện như đùa, xét hỏi như đùa. Đôn than: “Tôi ngủ một đêm tự do sau 4 tháng “đi nghỉ mát” ở biển và cao nguyên. Qua ngày chủ nhật 31.5, tất cả gia đình tôi đoàn tụ ở Đà Lạt sau 4 tháng đen tối nhất của đời tôi”.
Vụ “nghi án” 5 tướng Đà Lạt “trung lập” khép lại hồ sơ từ đó. Đường binh nghiệp của họ cũng dần khép theo, một khung cửa hẹp mở ra để Trần Văn Đôn bước vào chính trường theo con đường khác, sau này…
Bộ sưu tập “ảnh lạ cao nguyên” xẻ làm ba mảnh, vì đâu?
Không chỉ ông Đôn bị lôi chuyện bồ bịch đời tư vào “chương trình nghị sự” mà nhiều tướng tá Sài Gòn khác như “anh cả Trường Sơn” Vĩnh Lộc cũng bị vướng. Gọi “anh cả Trường Sơn” vì theo làng báo thời đó, ông Lộc tuy thuộc hàng VIP. KK nhưng có máu văn nghệ, bỏ tiền thực hiện bộ phim Anh cả Trường Sơn và nhảy vào đóng phim đó luôn!
Thuộc hoàng phái, từng làm việc trong văn phòng Bảo Đại, đến thời ông Diệm suốt 10 năm trong quân vụ ông chỉ lên được một cấp: trung tá chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện nằm sát Sài Gòn. Chế độ Diệm đổ, thời Thiệu – Kỳ chớm lên, Vĩnh Lộc làm Tư lệnh Vùng II chiến thuật đóng tại “phố núi cao” Pleiku. Vĩnh Lộc thường sai viên sĩ quan tùy viên của mình về Sài Gòn rủ một số văn nghệ sĩ , ký giả, và dĩ nhiên vài “người đẹp hậu phương’ lên cao nguyên chơi vào cuối tuần. Qua sáng thứ hai, dùng máy bay quân sự chở họ về Sài Gòn.
Những chuyến bay “văn nghệ tiền tuyến” đó nối chặt cuộc tình “anh cả Trường Sơn” với cô ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn thời đó: Minh H.
Ca sĩ H. là “người vợ không bao giờ cưới” của nhạc sĩ T.T.T, tác giả của các nhạc phẩm viết về chân trời tím, và tình thư của lính…
Khi mối tình vụng trộm của “anh cả” và ca sĩ H. chín mọng, vừa lúc Thiệu và Kỳ hục hặc nhau nặng và Thiệu muốn hất Kỳ thẳng tay. Vì vậy khi nghe em út dèm pha rằng nhóm văn nghệ sĩ hay lên Pleiku “giao duyên” với Vĩnh Lộc là nhóm của Kỳ, cánh Thiệu nhất định không để yên cho “sinh hoạt văn nghệ” đó. Họ tìm cách chụp lén hình tướng Lộc và ca sĩ H. ăn nằm âu yếm nhau góp lại làm một “sưu tập”. Sau đó chia làm 3 phần. Một phần đưa lên mặt báo. Một phần gửi cho người vợ lớn của ông Lộc có nhà nằm trong khu đất Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Phần còn lại gửi cho người chồng “chưa cưới” của ca sĩ H. là nhạc sĩ T.
Riêng hai phần sau có kèm theo mấy cuốn băng ghi âm những lời thề thốt “yêu ai yêu cả một đời” của họ. Việc gì xảy ra sau đó? Theo dân làng báo thời bấy giờ, sau khi xem ảnh và nghe xong băng, vợ “anh cả Lộc” nổi cơn ghen ngút trời. Nhạc sĩ T. lận súng lên tận biệt điện Phượng Hoàng đòi bắn ca sĩ H. Chuyện còn dài nhưng xin ngừng nơi đây. Tờ Quật Cường do ông Thiệu cùng nhóm vây cánh của ông ta – phối hợp với các “diễn đàn” khác – bôi nhọ Vĩnh Lộc, triệt hạ uy tín những người bị nghi là thuộc phe Nguyễn Cao Kỳ, bằng cách moi móc chuyện phòng the làm cho phải ngượng nghịu trước “quân dân bốn vùng chiến thuật”.
Bộ sưu tầm ảnh phải “xẻ làm ba mảnh” vì như thế. Cũng cần nhắc việc xích mích giữa Vĩnh Lộc với cố vấn Mỹ Palmer mà chúng tôi có nói qua trong bài viết về chuyến hàng thuốc phiện ở sân bay Pleiku. Theo Vĩnh Lộc: “Ông Palmer trịch thượng, xem thường chức vụ của tôi. Nhiều khi ông ấy hành động như là muốn sai khiến tôi thế nào cũng được. Vì muốn giữ thể diện, nên đôi khi ông ấy làm quá, tôi phải tỏ thái độ”.
Nhưng Thiệu – Kỳ thì khác, họ muốn vâng lời, vâng lời và vâng lời đã! Vĩnh Lộc đã khều Nguyễn Chánh Thi ra xa Thiệu – Kỳ sau một cuộc họp tại cao nguyên và thẳng thừng mắng: “Tụi nó chó má chưa! Chỉ đi theo quan thầy thôi. Thôi thì trăm sự nhờ “ainé” cả”. Ông Thi xác nhận đó là nguyên văn lời Vĩnh Lộc. Nhưng một năm sau, trong nhóm “quan tòa” xử Nguyễn Chánh Thi ngoài Thiệu – Kỳ – Có – Viên trong chuyến máy bay chở thuốc phiện tháng 9.1965 có…Vĩnh Lộc ngồi chung, và là người đầu tiên cao giọng chỉ trích Thi! Ông Thi viết một cách cay đắng:
– Bây giờ trong hàng ngũ quan tòa xử tội tôi, tôi chua chát thấy Vĩnh Lộc ngồi chung với bọn “chó má”. Giá ông ta không có thái độ gay gắt, có khi tôi vẫn tin rằng ông ta lẫn lộn với bọn “chó má” chẳng qua chỉ vì vạn bất đắc dĩ mà thôi”.
Thi bị gạt vào Sài Gòn họp và bị bắt giữ bất ngờ. Những người tưởng “tướng tá anh em” đã xử ông tội gì?
8 – Chân dung tướng Mỹ M.Taylor dưới “kính loạn hoa” của Thiệu – Kỳ – Thi
Nguyên tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu
Nguyễn Chánh Thi bị ghép “13 tội” mà theo ông ta tội lớn nhất không được nêu ra là “biết quá rõ những hành động tham ô, buôn lậu á phiện” của phe Kỳ và Thiệu. Tội nữa là nặng đầu óc cát cứ miền Trung – bộc lộ qua đòi hỏi phải thả, hoặc để những nhân vật người Trung cho Thi xử lý qua vụ “hốt” Thượng hội đồng quốc gia cuối năm 1964.
Vụ “hốt” đó do Khánh và” nhóm tướng trẻ” của Kỳ chủ mưu. Nó là sự tiếp tục tham vọng quân đội làm “vua” manh nha ngay sau đảo chính 1.11.1963, như Thiệu đòi hỏi:”Quân đội đảo chính thì quân đội phải hưởng” (trong cuộc họp tìm người thay Nguyễn Ngọc Thơ làm thủ tướng ).
Trần Thiện Khiêm trong chuyến thăm Mã Lai, người nước đó hỏi: Ở Sài Gòn đảng nào mạnh nhất, Khiêm trả lời:”Quân đội!”. Nghe kể lại, các tướng tá Sài Gòn cười ầm lên, người hả hê nhất phải là Khánh. Một tuần trước lễ Giáng sinh 1964, Khánh xuất hiện với bộ quân phục, gặp các ông Đôn – Kim – Xuân tại Đà Lạt và hậm hực nói (giọng vẫn đầy ”ấn tượng” với Dương Văn Minh):
– Thượng hội đồng quốc gia là người của ông Minh, tôi quyết định vấn đề gì họ cũng bác hết. Các anh thấy tôi bận quân phục đây chắc là sẽ phải có chuyện gì! Chiều nay (19.12) tôi về Sài Gòn nhóm anh em và sẽ có quyết định: một là đảo chính, quân đội lên nắm chính quyền trở lại; hai là xúc Thượng hội đồng quốc gia.
Thượng hội đồng đang soạn thảo hiến pháp để tiến tới thiết lập chính quyền dân sự, nhưng điều đó thâm tâm Khánh-Kỳ-Thiệu–Khiêm và nhóm tướng trẻ diều hâu, quân phiệt không muốn. Nguyễn Cao Kỳ xem rẻ Thượng hội đồng, bảo Quốc trưởng Phan Quốc Sửu là “ông già lải nhải”, gọi thủ tướng Trần văn Hương 61 tuổi, cựu đô trưởng Sài Gòn là “một người mang lại tai họa. Ông ta không có nghị lực, không nhìn xa thấy rộng…”. Tóm lại, Kỳ cũng đang nôn nóng lật ngã cái “Thượng hội đồng” bị mỉa mai là “Viện bảo tàng quốc gia” đó, thì đùng một cái, như lời hứa, Khánh về Sài Gòn tụ họp “nhóm tướng trẻ” suốt 6 tiếng đồng hồ để xem có nên ra tay chưa.
Kỳ kể lại, cuối cùng tất cả biểu quyết bằng cách đưa tay, kết quả là đồng ý “hốt” ngay hôm 20.12.1964 và: “Tôi còn nhớ lúc đó vào khoảng chập tối, tướng Có (sau này là thành viên trong nội các của tôi cho đến khi tôi giải nhiệm ông ta vì tham ô) nhìn vào đồng hồ tay và nói: Đã muộn rồi. Đến lúc phải lùa về gà và bò vào chuồng thôi!”.
Việc “hốt”, “xúc”, hoặc “lùa” (chữ dùng của nhóm tướng tá kiêu binh, quân phiệt) được tiến hành trong đêm tối; y hệt cuộc hợp đồng tác chiến chống lại những ông già ốm yếu không một tấc sắc trong tay.
Kỳ ghi nhận: “Khánh cầm đầu các lực lượng vũ trang, tôi hoàn toàn kiểm soát không quân. Những người khác kiểm soát lực lượng đặc biệt, thủy quân lục chiến, nhảy dù. Tôi cho tìm những sĩ quan cấp nhỏ, cung cấp chi tiết (danh sách, địa chỉ, nơi giam giữ), thế là họ cho quân đi bắt…”
Khuya đó, một số thành viên Thượng hội đồng và hàng chục chính khách, giáo sư, lãnh tụ sinh viên mà Kỳ ghép vào “thành phần bất hảo” bị bắt giữ đưa lên Pleiku và Kontum quản thúc ngay sáng hôm sau. Trong số đó có cả thiếu tướng Đỗ Mậu, ông kể: “Khoảng 3 giờ đêm ngày 20.12.1964, đại tá Nhiêu, một cộng sự viên của Khánh và đang là Giám đốc Sở Trung ương tình báo, đi xe jeep cùng với 3 binh sĩ võ trang đến nhà riêng của tôi mời tôi đến gặp Hội đồng tướng lĩnh đang nhóm họp tại Bộ Tổng tham mưu. Tôi biết việc chẳng lành đang xảy ra nên dặn vợ con cứ yên tâm ở nhà (…), Đến 7 giờ sáng, tướng Có mời tôi lên xe và đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất”. Ở đó, các ông Mai Ngọc Liệu, Vũ Ngọc Các, Nguyễn Văn Lực, bác sĩ Lê Khắc Quyến, luật sư Trần Thanh Hiệp…lần lượt được binh lính chở tới cầu thang máy bay để đưa đi quản thúc tại Kontum và Pleiku.
Đại sứ Mỹ M.Taylor nhanh chóng biết tin và điện thoại cho Khánh, Khánh nghe xong quay qua bảo mọi người có mặt: “Đại sứ Mỹ Taylor muốn gặp tất cả chúng ta tại Đại sứ quán Mỹ ngay bây giờ. Nhưng tôi không đi (…). Trong các anh có ai đại diện tôi không?”. Không ai đi thay cả. Khánh nói: “Này Kỳ, anh là lãnh đạo của nhóm tướng trẻ, anh nên đi đi”. Thiệu và Thi đồng ý đi. Đô đốc Chung Tấn Cang cũng thế. Rốt lại: Thiệu-Thi-Kỳ-Cang đi gặp Taylor.
Thái độ và lời nói của Taylor nhằm vào 4 người được mô tả là “quá sỗ sàng”. Ông ta bảo đại ý là cuộc đảo chính náo động tối hôm qua đã làm tiêu tan quá trình hình thành chính phủ dân sự đang diễn tiến, khiến Mỹ có thể cắt viện trợ. Hành động của nhóm tướng trẻ quá “loạn”. Lời nói của Taylor đầy vẻ lên lớp, không làm tắt “loạn” được. Hai bên chỏi nhau.
Kỳ bảo: “Taylor vẫn cứ tiếp tục nói với chúng tôi như là những học sinh lang thang bị bắt gặp đang trộm quả trong một vườn cây ăn trái”. Ngược lại, các tướng đầy máu kiêu binh, quân phiệt, háo thắng đó lại nhìn Taylor qua một “kính loạn hoa” để thấy ông ta chẳng phải là “ngài đại sứ” đang mặc bộ thường phục trang nhã trước mặt họ mà là, như Kỳ viết, một vị tướng “không sao che đậy được phong thái quân sự…Taylor thuộc về loại người luôn luôn thuyết giảng cho người khác chứ không phải là để nói chuyện với họ”.
Ông hiện ra trong ý nghĩ họ như một người đang mặc áo hoa rằn ri của lính Mỹ với những lời như đạn réo. Thiệu ức lắm, dọa sẽ họp báo về thái độ của Taylor. Thi điên lên. Còn Khánh? Kỳ bảo sẽ không bao giờ tha thứ Khánh về việc ông ta “lẩn tránh không chịu đi dự cuộc họp đó”. Nhưng 3 ngày sau, Khánh lên Đà Lạt khoe trước Trần Văn Đôn, Linh Quang Viên, Lê Nguyên Khang:
– Bây giờ tôi đã nắm ông Taylor trong tay rồi, ông ta không dám hành động gì để chống tôi nữa. Ông Taylor muốn gặp tôi thì đến văn phòng tôi ở Bộ Tổng tư lệnh – chứ tôi không đến văn phòng ông Taylor nữa đâu.
Ông Đôn không lạ về lối nói của Khánh, hỏi:
– Có phải anh gây với ông Taylor không?
Khánh khoái lắm, cười ha hả:
– Ừ, tôi đã mắng ông Taylor một mạch…
Và ông Taylor đã nhịn im?
9 – Nguyễn Khánh lừa đại sứ Henry Cabot Lodge và cái chết của thiếu tá Nhung
Nguyễn Khánh khoe đã thâu băng cuộc nói chuyện tay đôi với đại sứ Taylor: “Tôi nói ông (Taylor) là một tướng giỏi, tài ba ở nước ông, nhưng ở đây ông là một nhà ngoại giao dở”.
“Ngoại giao dở” vì không lôi kéo được mà còn gây ra sự bất mãn của các tướng lĩnh Sài Gòn như Thiệu – Kỳ – Thi và…Khánh! Có lẽ ông Taylor đã nín nhịn, nhưng ngấm ngầm “vận động” thế nào đó để góp phần làm Khánh phải văng ra khỏi Việt Nam, lưu vong mãi đến giờ.
Với đại sứ Cabot Lodge, ông Khánh “qua mặt” một lần. Frederick Flott, một người thân cận với Tòa đại sứ Mỹ, đã đưa 3 đứa con của bà Ngô Đình Nhu sang Roma hồi đảo chánh 1.11.1963, kể với Trần Văn Đôn chuyện đó.
Theo Flott, hôm vụ chỉnh lý 30.1.1964 nổ ra, đại sứ Cabot Lodge cho mời Nguyễn Khánh đến lúc 5 giờ sáng, hỏi vì sao lại bắt mấy tướng Đôn-Đính-Kim-Xuân? Khánh đáp: – Không bắt sao được, chúng tôi có tài liệu là trong vài ngày nữa, các ông đó sẽ tuyên bố miền Nam trung lập!
– Thế anh chắc chắn có bằng chứng không?
– Sao lại không? Chúng tôi có đủ tất cả tài liệu đây nầy!
Ông Khánh chỉ vào một tập hồ sơ ông ta đang ôm trong tay.
– Thôi được, anh đưa tôi xem để tôi trình cho Hoa Thịnh Đốn.
– Không được, vì trưa nay chúng tôi có cuộc họp báo, cần tài liệu này để trưng bằng cớ, rồi sau đó sẽ đưa lại cho ông.
Nói qua chuyện vậy thôi chứ ông Khánh không đến. Phía đại sứ Cabot Lodge –nhắn, Khánh lại hứa “sẽ”. “Rồi một hai tháng trôi qua, ông Khánh không đưa gì hết. Lúc ấy ông Lodge mới biết là bị gạt”, Đôn viết như vậy. Đó là tập “hồ sơ giả” hoặc một mớ giấy lộn “giả làm hồ sơ” mà “ngài đại sứ” không bao giờ đọc được. “Qua mặt”. Cabot Lodge, Khánh không đơn độc mà có sự che chở của cố vấn Mỹ riêng của mình là Jasper Wilson.
Các hồi ký sau này của Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi viết và xuất bản ở nước ngoài đều cho người sắm “vai chánh” trong chỉnh lý 30.1.1964 không phải Nguyễn Khánh mà là…Trần Thiện Khiêm (lúc đó làm tư lệnh quân đoàn 3). Do vậy, đại sứ Cabot Lodge lẽ ra gặp ông Khiêm thay vì Khánh mới “đúng người đúng việc”. Đêm có chỉnh lý, bắt các tướng, ông Khánh chỉ được 5 phút để suy nghĩ nhận làm hay không làm thủ tướng. Trần Văn Đôn viết:
“Ông Khánh cho tôi biết sau này là ông ta nhận làm thủ tướng quá bất ngờ. Trong đêm đảo chánh (chỉnh lý 30.1.1964) Trần Thiện Khiêm yêu cầu Nguyễn Khánh nhận chức vụ Thủ tướng và Khiêm chỉ để cho Khánh 5 phút quyết định. Năm phút sau Khánh bằng lòng. Có lẽ vì vậy mà nhóm đảng Đại Việt (…) nói là họ bị gạt và đòi “đảo chánh lại”.
Hồi ký Nguyễn Chánh Thi cũng viết Trần Thiện Khiêm là “vai chánh” vụ đó: “Ngoài ra, bên cạnh ông Khiêm còn có một số quân nhân thuộc đảng phái, cộng với một số sĩ quan khác bất mãn với chế độ “mới” (của ông Dương Văn Minh) vì không được trọng dụng, không được lên lon v.v…Thì ra cái thứ “cách mạng” (chỉ cuộc chỉnh lý 30.1.1964 lúc đầu được Thi ủng hộ) mà tôi đã tin tưởng, đã lăn lưng vào, nó là như thế!”.
Ra nước ngoài hơn 35 năm nay, chưa thấy ông Khánh xuất bản hồi ký. Trong một cuốn sách của Vĩnh Phúc ấn hành tại Mỹ năm 1998 có in lời đáp của Nguyễn Khánh khi được hỏi quanh “cái chết của thiếu tá Nhung” (người bắn hai anh em Diệm Nhu) với các chi tiết dưới đây.
Về lời đồn cho rằng Nguyễn Chánh Thi xuống nhà giam của lực lượng nhảy dù đang nhốt Nhung rồi đi lên, mặt hầm hầm, một lát sau lại xuống, lên lần nữa bảo thượng sĩ Hải: “Mầy xuống lấy dây giầy cột nó lên!”, có không? Ông Khánh trả lời không được rõ ý và nhắc lại:
“Hôm đảo chánh 1.11.1963, những tư lệnh quân chủng, thủy quân lục chiến, ông Khang nầy nọ…trước khi vô ăn cơm họ để khí giới ngoài .Ăn cơm xong ông Minh mới tuyên bố có cuộc đảo chánh. Thì lúc đó thằng Nhung nó có súng. Nó đi đi lại lại, sỉ vả mấy ông đại tá, kể cả ông đại tá Cao Văn Viên. Hồi lâu lâu, nó buồn tình, nó nắm đầu một ông lên nó bắn! Phải có lịnh chứ không phải vô tình. Nó nắm ông Tung (Lê Quang Tung) ra sau hè nó bắn. Hồi nữa nó vô nó nắm em ông Tung là trung tá Triệu (Lê Quang Triệu) đem ra ngoài bắn luôn. Thành ra, mấy ông nầy bị sỉ vả mà có làm được gì đâu. Anh tưởng tượng mấy ông đại tá …bị một anh đại úy mà hồi Bình Xuyên với tôi nó còn là trung sĩ, thượng sĩ là gì đó nó sỉ vả thì họ nghĩ sao? Thành ra có nhiều “thèses” lắm. Tôi không dám quả quyết được”.
Theo ông Khánh, việc Nhung chết rất đáng tiếc vì có nhiều chuyện cần để Nhung nói ra.
Ông Nguyễn Chánh Thi phủ nhận việc dư luận gán cho ông là người đá chết Nhung dưới hầm nhà giam. Ông bảo lúc bắt Nhung đưa về chỗ ông tuồng như có Cao Văn Viên ở đó nữa, ông nói với Nhung: “Anh khai thật đi. Vì cái chuyện mình nhà binh (…), thiên lôi chỉ đâu đánh đó! Có gì mà anh phải sợ. Khai thật cho tôi nghe vì tôi có biết qua về chuyện giết ông Diệm đó”.
Nghe lời, thiếu tá Nhung viết bản tường trình khai hoàn toàn không biết gì về quyết định của Hội đồng quân nhân đảo chánh mà chỉ ra đi bắt hai ông Diệm – Nhu theo lệnh của Viên “chỉ huy tổng quát vụ nầy là ông thiếu tướng Thu” (?).
Xe từ nhà thờ cha Tam đi một hồi gặp một đoàn mấy xe jeep chạy ngược lại, trên xe có tướng Thu (…). “Khi đó ông Thu đưa hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bàn tay trái…tôi (thiếu tá Nhung) rút khẩu Colt 12 bắn mỗi người 5 phát. Sau đó hăng máu bồi thêm cho ông Nhu 3 phát nữa vào ngực. Đồng thời đoàn xe thiết giáp dẹp đường chạy về Bộ Tổng tham mưu…”.
Ông thiếu tướng Thu là ai? Nhung chết quá nhanh chưa kịp khai hết chi tiết, nên “tướng Thu” vẫn còn là một dấu hỏi trong hồ sơ cũ.
10 – Bữa cơm gây oán của thị trưởng Đà Nẵng đãi “người hùng” Honolulu
Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ và tổng thống Mỹ Johnson ở “hội nghị thượng đỉnh” Honolulu, tháng 2.1966
Đầu tháng 2.1966, Tổng thống Johnson triệu tập “hội nghị thượng đỉnh” Việt – Mỹ tại Honolulu. Phía Sài Gòn chỉ được báo trước có …2 ngày! Gấp gáp quá, diễn văn của “thủ tướng” Kỳ không soạn kịp và phải phác thảo trên máy bay.
Trước khi lên đường, theo yêu cầu phía Mỹ cần có mặt một tư lệnh Quân đoàn (đại diện cho 4 quân đoàn thuộc 4 vùng chiến thuật miền Nam) và Sài Gòn chọn Nguyễn Chánh Thi. Tướng Nguyễn Cao Kỳ điện khẩn ra Đà Nẵng bảo Thi chuẩn bị đi họp “thượng đỉnh”, nhưng Thi nổi đóa, phang: “Dù chỉ hai thường dân mời nhau ăn bữa cơm, thì cũng không thể mời một cách khiếm nhã như thế được”, thành ra giờ cuối đoàn Sài Gòn vắng Nguyễn Chánh Thi.
Đến nơi, phía Mỹ hiện diện khá “hùng hậu”: ngoài Tổng thống Johnson , có Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng Mac Namara, Trợ lý quốc phòng Mc Naughton, cố vấn trưởng đối ngoại Mc George Bundy, Bộ trưởng Nông nghiệp Orville Freeman, Bộ trưởng Y tế Giáo dục và Phúc lợi John Gardner, các tướng Earle Wheelr, W.Westmoreland, Maxell Taylor, Đô đốc Grant Sharp và các đại sứ: Henry Cabot Lodge, Averell Hamman và Leonard Unger.
Nguyễn Chánh Thi nhận định Thiệu, Kỳ qua họp chỉ để nhận “chỉ thị” về “Mỹ hóa” cuộc chiến Việt Nam. Còn Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký là tại hội nghị, Johnson đã “chấm dứt lắng tai nghe” diễn văn của Kỳ. Khi Kỳ dứt lời “Johnson đã vươn mình về phía tôi” và khen “Thật hay, thủ tướng đã nói giống như một người Hoa Kỳ” (!!!). Kỳ viết: “Tôi thích Johnson và ngay từ lúc đầu chúng tôi đã ý hợp tâm đầu”. Phần Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Hữu Có ngồi hai bên Kỳ, đối diện với Johnson, họ chủ yếu gật, hoặc lắc, đôi lúc tỏ đồng tình bằng cách…nhoẻn cười!
Báo chí Sài Gòn thời đó “điểm tin Honolulu” viết là “Johnson cưng chiều Kỳ quá” đến nỗi trong bữa cơm trưa, Johnson dành phần lớn thời giờ đàm đạo với Kỳ, còn quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu phải chịu cảnh ngồi rờ râu cằm ngó trần nhà! Vào đêm cuối cùng của hội nghị, Johnson mời Kỳ- Thiệu với Westmoreland uống vài ly. Sau đó, theo Kỳ, Johnson nói nhỏ: “Mời Thủ tướng đến phòng ngủ của tôi độ vài phút…” Đóng cửa lại, Johnson nói nếu Kỳ không thấy trở ngại thì Phó Tổng thống Hubert Humphrey cùng đi với Kỳ về Việt Nam. Đây là điều khiến Kỳ ngạc nhiên vì không có mặt Humphrey tại đó. Johnson điện về Hoa Thịnh Đốn bảo Humphrey đến Honolulu ngay.
– Humphrey sẽ có mặt ở đây trước khi máy bay của thủ tướng cất cánh.
Humphrey và Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện bên nhau tại cầu thang máy bay trước mắt công chúng. Đó là hình ảnh đầy “tính hợp tác Việt – Mỹ” có công năng thông báo nhanh chóng đến dư luận sự ủng hộ của chính phủ Johnson đối với “nội các chiến tranh” của Kỳ. Về Sài Gòn, Kỳ cấp tiền cho 4 vùng chiến thuật biểu tình hoan hô thành quả Honolulu. Đến 19.2 Kỳ gửi công điện cho biết sẽ ra thăm các “chiến lợi phẩm”. Thi trả lời: “Vùng 1 không có gì để triển lãm” và cũng không tổ chức hoan hô “Lulu”.
Từ Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ điện đàm với tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh là Nguyễn Văn Chuân tìm người thay thế Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Chuân đâm thọc sao đó để đại tá Nguyễn Văn Thiện bị cách chức thị trưởng Đà Nẵng trước. Thi tính sau. Đại tá Thiện cho biết như vậy tại lễ bàn giao; người nhậm chức tân thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn. Ông thị trưởng này rất bực mình với danh xưng “chính phủ của dân nghèo” do Nguyễn Cao Kỳ làm “thủ tướng”.
Buổi ra mắt chính phủ này, các “bộ trưởng” tổng ủy viên ăn mặc áo ngắn tay, tỏ rõ quyết tâm làm “cách mạng”. Họ kéo lên Đà Lạt họp tại Dinh số 1, bàn bạc chương trình hành động biện minh cho sự có mặt của quân Mỹ và “đồng minh” ngày càng đông tại miền Nam. Cuối buổi họp, ăn cơm xong, bàn ghế được dọn dẹp để các thành viên “chính phủ của dân nghèo” nhảy đầm.
Nguyễn Chánh Thi thuật lại: buổi đó một số “gái gọi” được đưa đến “để hầu các tướng lãnh” (chữ Thi dùng). Thị trưởng Mẫn muốn chơi “thủ tướng” của cái chính phủ “nghèo” đó, nên hôm Kỳ ra thăm Đà Nẵng vào 1.3.1966, đã mời Kỳ một bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa tại Tòa Thị chánh, Nguyễn Chánh Thi viết:
“Ông thị trưởng là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn dường như cố ý cho Kỳ một bài học, nhất định đãi một bữa cơm đơn sơ, nhất định không đem rượu cho Kỳ uống (mặc dù Kỳ đòi phải có rượu uống trước khi ăn cơm). Đã thế, ông còn buông một câu làm Kỳ tím mặt: “Chúng tôi theo gương “chính phủ của dân nghèo” xin thủ tướng hiểu cho! Đợi cho Kỳ thấm thía, bác sĩ Mẫn hỏi tiếp: -Thiếu tướng ra kỳ này chắc phải có tin mừng cho chúng tôi? Cao Kỳ nói: “-Hôm nay, Hoa Kỳ vừa chấp thuận 4,8 tỷ Mỹ kim cho chiến tranh Việt Nam, và họ hứa sẽ ủng hộ tôi hết mình”.
Nghe vậy, ông Thi “kê tủ đứng” vào miệng Kỳ mấy câu, như: “Tiền của ấy chỉ tăng thêm chết chóc, tăng thêm đĩ điếm, tham nhũng, rác rưởi…”. Ngồi lặng một lúc, Kỳ đốp lại: “Nếu anh (Nguyễn Chánh Thi) có ý nghĩ như thế, tôi đề nghị anh cầm đầu một phái đoàn đi ngoại quốc xem sao”.
“Đi ngoại quốc” trong tình huống đó là tín hiệu bị thất sủng, sắp mất quyền: Ông Thi biết Kỳ không dọa chơi. Bữa ăn tiếp tục lạnh nhạt, buồn nản. Kỳ ngó lảng đi nơi khác, nhưng tâm ý chắc hẳn vẫn chăm chăm đến chuyện trả đũa thị trưởng Mẫn và bãi chức Thi. Chả thế mà vài tháng sau, khi cuộc đấu tranh miền Trung nổ lớn, báo chí hỏi Kỳ:
– Nghe nói ông thị trưởng Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn là người Công giáo, nhưng lại giúp đỡ đồng bào Phật giáo miền Trung biểu tình chống Chính phủ Sài Gòn. Có thật thế không?
Nguyễn Cao Kỳ trả lời đầy hằn học: “- Không cần biết. Chỉ biết rằng, một là chính phủ này sụp đổ, hai là tên thị trưởng Mẫn bị bắn chết!”.
Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới
Hình: Trung tướng Nguyễn Khánh họp báo sau cuộc chỉnh lý ngày 30.1.1964
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]